| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trăn đang phất

Thứ Tư 13/07/2011 , 11:54 (GMT+7)

Ngoài tiền bán da trăn, chủ cơ sở sản xuất còn bán được thịt trăn (30.000 – 50.000đ/kg), mỡ trăn (15.000đ/kg) và mật trăn với giá hàng chục triệu/kg...

Phong trào nuôi trăn ở ĐBSCL đã phát triển rầm rộ từ năm 1980, nhưng đến năm 1990 thì giá trăn trở nên bấp bênh khiến nhiều người lao đao. Chỉ riêng ở Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang cũng có tới hàng trăm hộ nuôi trăn với qui mô lớn, trong khi thị trường tiêu thụ lại quá hẹp, giá cả tuột dốc thê thảm từ 120.000 đồng xuống còn 2.000đ/con giống, có người phải mang trăn con vô rừng thả, có người kiệt sức vì lúc mua trăn cái mỗi con cả lượng vàng, đến lúc bán ra chỉ còn 1 chỉ.

Anh Phạm Hoàng Phúc, một thương lái chuyên cung cấp trăn giống và trăn thịt cho các cơ sở chế biến da xuất khẩu cho biết giá trăn biến động lên, xuống phần lớn đều tùy thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng kể từ năm 2001 đến nay, đặc biệt là từ sau năm 2007, giá trăn bắt đầu ổn định trở lại nhờ thị trường tiêu thụ khá mạnh, giúp cho người nuôi trăn sinh sản kể cả trăn thịt đều có thu nhập khá.

Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, anh Hoàng Tuấn quê ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã rút ra một bài học kinh nghiệm quý báu về cách chọn con giống, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, quá trình chăm sóc và giá cả thị trường. Mỗi năm anh cung cấp cho các cơ sở chế biến da xuất khẩu ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh từ 2 – 3 tấn trăn thịt, doanh thu trên 500 triệu đồng. Trừ hết các chi phí anh còn lời khoảng 200 triệu. Đó là cơ sở sản xuất nhỏ, nếu nuôi với số lượng vài ngàn con thì lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.

Theo anh, trăn là con vật rất hiền, dễ gần gũi và dễ nuôi. Từ ý tưởng và sở thích riêng tư, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm vài chục con rồi dần dần lên đến hàng ngàn con, trong đó có hàng trăm con từ 30 kg đến 70 kg. Đặc biệt, anh còn sưu tầm thêm nhiều giống trăn lạ, đẹp với giá 2 triệu đồng/con giống (gấp 10 lần giá trăn thường). Sau nhiều đợt xuất chuồng, lần nào cũng thu về lợi nhuận khá nên anh đã mạnh dạn đầu tư vào việc nuôi trăn lấy da xuất khẩu.

Trước đầu ra ổn định như hiện nay, nhiều người nuôi trăn ở ĐBSCL đã phát triển chuồng trại với quy mô từ 2- 3 ngàn con trở lên như trại Hồng Quang ở An Giang, trại của ông Tư Diện ở Cần Thơ, trại của ông Nguyễn Thành Bá ở Cà Mau…

Anh Hoàng Tuấn tin chắc rằng con trăn sẽ tìm được hướng đi trên thị trường thế giới, đặc biệt là da trăn, một trong những loại sản phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao. Đúng như dự đoán, từ năm 2001 những người nuôi trăn đã phấn khởi tìm được thị trường ở Ý, Trung Quốc, Nhật Bản… Do đó, nhiều người đã chủ động tìm cách hợp tác liên doanh với các cơ sở xuất khẩu để tăng cường sức cạnh tranh.

Với anh Phạm Hoàng Phúc, muốn nuôi trăn thành công trước hết phải chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm từ thực tế chăn nuôi. Nếu không nắm vững kỹ thuật, không chịu tìm hiểu kỹ, tỉ lệ thành công rất mong manh. Với anh, từ việc chọn con giống, mua thức ăn cho đến chăm sóc trăn đẻ… anh đều thông thạo như một chuyên gia.

Anh nói: Khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi trăn là vệ sinh chuồng trại và thức ăn. Chuồng trại phải có đủ ánh nắng, nền gạch men sạch sẽ. Thức ăn chính cho trăn hiện nay là chuột, gà vịt hoặc các loại phế phẩm từ gia súc, gia cầm. Để chủ động về nguồn thức ăn, người nuôi phải mua chuột sống dự trữ. Riêng các loại phế phẩm phải được tồn trữ trong tủ đông mới bảo đảm chất lượng và số lượng.

Anh Phúc cho biết việc đầu tư cho con trăn không lớn lắm. Điều quan trọng là người nuôi phải biết theo dõi thời tiết biến đổi bất thường để đề phòng bệnh cho trăn, nhất là bệnh sổ mũi và đẹn (lở miệng). Với kinh nghiệm riêng, anh chỉ cần nhìn hoặc nâng niu những chú trăn con và trăn mẹ cũng có thể biết được tình trạng sức khỏe của chúng để kịp thời xử lý và giúp chúng mau lớn, đặc biệt là sau mỗi lần lột da, trăn ăn mạnh và lớn rất nhanh.

Anh Phúc cho biết trăn giao phối hàng năm thường diễn ra vào mùa gió bấc, từ tháng 10 – 11 ÂL và đẻ từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4. Người nuôi giỏi, sau 1 năm tuổi trăn có thể cân nặng 6 kg, 2 năm nặng 30 kg và 3 năm nặng 40 kg. Càng lớn trăn càng tăng trọng nhanh. Theo tính toán của người nuôi, một con trăn giống giá 180.000đ, sau 1 năm tốn khoảng 400.000đ thức ăn, nếu bán với giá 200.000đ/kg x 6 kg sẽ được 1.200.000đ thì còn lời 620.000đ/con.

Loại trăn phổ biến nhất ở ĐBSCL hiện nay là trăn vàng và trăn đất. Một thương lái nhiều kinh nghiệm cho biết da trăn vàng được nhiều nước ưa thích nhờ hoa văn đẹp và sáng. Trong quá trình khai thác, thợ lột da trăn phải hết sức cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, nhẹ nhàng và thành thạo, chính xác, không được làm cho da trầy xước. Lột xong phải có người căng da trên một tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Sau khi khô, da trăn được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng.

Da trăn được chia làm nhiều loại, tùy theo kích thước (size). Ngoài tiền bán da trăn, chủ cơ sở sản xuất còn bán được thịt trăn (30.000 – 50.000đ/kg), mỡ trăn (15.000đ/kg) và mật trăn với giá hàng chục triệu/kg. Với số lượng trăn nuôi dồi dào như hiện nay nên hoạt động thu mua trăn thịt và trăn con đã trở nên nhộn nhịp. Tại các tỉnh ĐBSCL thường xuyên có khoảng 5 thương lái chuyên thu mua trăn có giấy chứng nhận hợp pháp, mỗi tuần cung cấp cho thị trường bình quân trên 2 tấn trăn dùng lột lấy da.

Từ công việc làm ăn thuận lợi, nhiều cơ sở chế biến da xuất khẩu đã liên kết với nhiều trại chăn nuôi và các hộ nuôi gia đình để hợp đồng cung ứng con giống và thu mua lại trăn lấy da với giá cả hợp lý (đầu tháng 7 – 2011): 200.000đ/kg (loại 40 – 45kg/con) và 220.000đ/kg (loại 45 – 50kg/con), so với thời điểm cao nhất trong năm 2010 là 280.000đ/kg. Nhờ vậy mà các trại nuôi, kể các các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ cũng lấy làm phấn khởi và có điều kiện phát triển ngày càng quy mô hơn.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất