| Hotline: 0983.970.780

Nương nhờ bông sậy

Thứ Ba 06/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Cây sậy thường bị nông dân chặt bỏ vì không mang lại lợi ích gì mà còn gây hại cho cây trồng khác. Nhưng đối với không ít người nghèo, bông sậy lại là “lộc” trời cho.

Khi mùa gió chướng bắt đầu cũng là mùa bông sậy nở. Bông sậy nở không phải để khoe hương tỏa sắc với đời, cũng không đơm hoa kết trái mà đơn giản, bông sậy nở để rồi lụi tàn.

Trước đây, cây sậy thường bị nông dân chặt bỏ vì không mang lại lợi ích gì mà còn gây hại cho những cây trồng khác. Thế nhưng, đối với không ít người nghèo, bông sậy lại là “lộc” trời cho.

Đổi đời từ bông sậy

Sậy là cây hoang dại, có mặt ở hầu hết những vùng hoang hóa ở ĐBSCL. Cây sậy có sức sống rất mãnh liệt, nhờ có những mầm non ăn sâu dưới lòng đất. Vì vậy, dù có bị chặt bỏ, đốt cháy hoàn toàn cây sậy vẫn không chết.

Mùa bông sậy nở thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, nhưng thời điểm nở rộ là vào tháng 8, tháng 9. Nhiều năm qua, bông sậy được sử dụng để làm chổi quét nhà và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, bông sậy trở nên có giá.


Nghề hái bông sậy đã giúp nhiều nông dân có thu nhập khá

Chị Lê Thị Cẩm Nhung ở xã An Minh Bắc, U Minh Thượng, Kiên Giang lập gia đình ra riêng, nhưng nhà nghèo không có đất để canh tác, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Nhờ có người hướng dẫn đi hái bông sậy mà đã có vốn để mở cửa hàng bán tạp hóa nhỏ.

Chị Nhung chia sẻ: “Vợ chồng tui cưới nhau từ năm 2005. Hai bên nội ngoại đều nghèo nên chẳng có vốn liếng gì để làm ăn. Quanh năm phải đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy, hết cấy lúa, rồi đi làm cỏ, cắt lúa mướn… nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thế rồi có người quen từ An Giang qua rủ đi bẻ bông sậy để bán. Ai ngờ cái thứ bông hoang dại, màu nâu đất, chẳng có hương vị gì lại giúp vợ chồng tui đổi đời”.

So với đi cấy lúa mướn, hái bông sậy có thể cho thu nhập gấp 2, 3 lần. Chị Nhung cho biết, bông sậy để làm chổi phải là bông non (bông già sẽ rụng hột khi quét nhà). Bông sậy tươi có giá từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, bông đã phơi khô 20.000 - 25.000 đồng/kg. Một người hái giỏi có thể kiếm được 40 -50 kg bông sậy tươi mỗi ngày. Khi vào mùa, vợ chồng chị Nhung đi hái suốt ngày, từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Nếu hái ở gần nhà thì mang về nhờ người phơi khô để được lợi nhiều hơn, còn hái ở xa thì gọi điện bán tươi luôn cho thương lái. Ròng rã như vậy suốt mùa bông sậy nở (khoảng 2 tháng trời), đến khi bông già, thương lái không thu mua nữa mới thôi.

Anh Cương, chồng chị Nhung, cho biết thêm: “Cứ mỗi mùa bông sậy như vậy, hai vợ chồng có thể kiếm được 15-20 triệu đồng, đem gửi tiết kiệm, lai quay về làm mướn kiếm sống qua ngày. Qua 3, 4 mùa bông sậy, vợ chồng tui đã cất được nhà để vợ bán tạp hóa, còn tui thì mua chiếc xe máy chạy xe ôm, không phải đi làm mướn cực khổ nữa".


Trẻ con theo cha đi hái lộc trời

Ở tỉnh An Giang (xã Phú Bình, huyện Phú Tân), bà Nguyễn Thị Thêu dẫn dắt gia đình gần chục người, gồm cả con dâu, con rể sang Kiên Giang để hái bông sậy. Theo bà Thêu, trước đây bông sậy ở ĐBSCL rất sẵn, đi đâu cũng gặp nhưng do quá trình khai hoang phục hóa nên không còn đất cho cây sậy mọc hoang dại nữa. Giờ, sậy chỉ còn nhiều ở vùng rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) nên qua đây để làm.

Chị Hiền, con dâu bà Thêu, cho biết: “Có nhiều thứ đáng sợ khi đi bẻ bông sậy nhưng thường gặp nhất là ong, vắt và rắn. Hầu như ngày nào cũng có người trong nhóm bị ong đốt, nhà tôi đã từng có người bị ong đốt cả chục mũi, sưng húp cả người, phải nhập viện nằm truyền nước biển mấy ngày mới khỏi. Còn vắt thì nhiều vô kể, chúng thường chui vào những chỗ kín để cắn, có khi thấy máu ra ướt sũng mới biết mình bị vắt cắn. Ai nhát vía thì chỉ cần gặp vắt một lần là xin ở nhà canh chòi, nấu cơm và phơi bông sậy thôi chứ không dám đi nữa”.

Bà Thêu tâm sự: “Gia đình tui đã sống bằng nghề hái bông sậy gần chục năm nay. Hái bông sậy không cần vốn đầu tư, chỉ cần siêng năng là có tiền. Đồ nghề là cây móc sắt tự chế dài khoảng 2 m, một cái túi đeo bên hông làm từ bao xi măng cắt ra. Cứ vậy len lỏi giữa các đám sậy khi nào đầy túi thì ra bờ đê cho người khác rải ra phơi. Chiều tối gom hết xuống xuồng chở về trại cất (trại làm tạm bằng bạt nhựa sọc, vừa là chỗ chứa bông sậy vừa là chỗ ngủ)”.

Tuy nhiên, để kiếm ra đồng tiền từ nghề bẻ bông sậy cũng lắm gian truân, do phải len lỏi giữa những đám sậy dày đặc, cao lút đầu người nên cũng gặp không ít hiểm nguy.

Gắn bó cả cuộc đời

Bông sậy, sau khi đã phơi khô sẽ được thương lái thu gom mang về cung cấp cho các làng nghề thủ công nhập kho trữ lại, sử dụng dần.

Ông Trần Quyết Tiến, một người chuyên đi thu mua bông sậy đến từ tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trước đây, bông sậy khá phổ biến, chỉ cần chạy ghe về các vùng quê ở Đồng Tháp, An Giang là có thể mua được. Nhưng bây giờ phải về vùng rừng U Minh mới mua được nhiều. Do đó, cứ vào độ tháng 7 là tôi chạy ghe về Kiên Giang, Cà Mau để tìm mối thu mua bông sậy. Trung bình, cứ khoảng 1 tuần là thu gom được đầy ghe 20 tấn, chở về bán cho các cơ sở làm chổi ở làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Bình (An Giang). Khi nào mãn mùa tôi mới về nhà”.

Theo ông Tiến, trước đây Phú Bình chỉ là “xóm chổi”, với khoảng chục hộ làm cung cấp cho các chợ trong khu vực. Tuy nhiên, nhờ những người thợ ở đây lành nghề, làm ra những cây chổi vừa đẹp vừa bền nên làm không đủ bán. Từ đó, “xóm chổi” cứ ngày một lớn dần, và năm 2006 đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là Làng nghề tiểu thủ công nghiệp, một trong những nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Phú Bình hiện nay.

Ở Phú Bình hiện nay có đến hàng chục cơ sở chuyên sản xuất chổi có quy mô, cung cấp hàng cho thị trường khắp cả nước, thậm chí là xuất khẩu đi nước ngoài nên nhu cầu bông sậy nguyên liệu là rất lớn. Bông sậy được thương lái thu gom khắp nơi về sẽ được các cơ sở này bao tiêu hết. Do bông sậy chỉ có theo mùa nên để đảm bảo cho làng nghề có nguyên liệu hoạt động suốt năm, nhiều cơ sở ở đây đành phải nhập thêm bông cỏ từ các tỉnh miền Trung về.

Bà Trần Thị Mộng, một “thợ chổi” có thâm niên trong nghề ở Phú Bình theo những người con sang Kiên Giang phụ giúp phơi bông sậy và canh giữ trại. Tranh thủ lúc rảnh, bà lại ngồi bó chổi để bán dạo. Theo bà Mộng, mỗi kg bông sậy khô sẽ làm được khoảng 5 cây chổi, giá bán hiện nay là 15.000 đồng/cây. Đây là loại chổi thường (hàng chợ), còn nếu làm tốt (hàng đặt) thì chỉ được hơn 3 cây, do phải bó dày, giá 25.000 đồng/cây.


Bà Mộng vừa giữ trại vừa tranh thủ chuẩn bị bó chổi

Khi hỏi về nghề bó chổi, bà Mộng tâm sự: “Nghề bó chổi thực ra cũng không khó lắm, chỉ cần hướng dẫn một vài buổi là một người mới vào nghề đã có thể tự làm được chổi. Tuy nhiên, muốn làm nghề này thì phải siêng năng, nhanh nhẹn thì mới có thu nhập cao”.

Để làm ra một cây chổi người thợ phải làm qua các công đoạn như: lặt bông (tước các nhánh bông sậy ra, cột lại thành từng lọn nhỏ); bó chổi; tra cán (cán làm bằng cây trúc, bao quanh bằng nhiều cọng cỏ hoặc cọng lát); bện dây (dây cước hoặc dây bẹ). Đây là kiểu chổi truyền thống, ngoài ra người ta còn tận dụng bọc ni lông để quấn bên ngoài hoặc ống nhựa chụp vào cán giúp cây chổi được bền chắc hơn.

Ngày nay, cây chổi quét nhà đã được sản xuất công nghiệp bằng nhựa tổng hợp nhưng những bà nội trợ vẫn thích cây chổi bằng bông sậy hơn vì nó mềm mại, giúp quét nhà sạch hơn. Vì vậy, bông sậy vẫn là nguồn nguyên liệu chính để làm chổi quét nhà.

Và, mỗi mùa bông sậy nở nhiều người lại rủ nhau đi hái lộc trời.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.