| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt khoan giếng cứu cây trồng

Thứ Sáu 17/04/2015 , 14:58 (GMT+7)

Giữa đỉnh điểm khô hạn, để tự cứu cây trồng, nhiều nhà vườn đang ồ ạt khoan giếng khiến mạch nước ngầm bị suy kiệt…

Đang vào đỉnh điểm mùa khô hạn, người dân tỉnh Đồng Nai phải tìm đủ mọi cách chống hạn, nhưng nhiều diện tích cây trồng vẫn khô héo và chết. Do vậy, để tự cứu cây trồng, nhiều nhà vườn đang ồ ạt khoan giếng khiến mạch nước ngầm bị suy kiệt…

Đào 2 - 3 giếng mỗi vườn

Ghi nhận của chúng tôi tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai), do nắng hạn xảy ra trên diện rộng, nhiều nhà vườn đang đầu tư nạo vét, khoan giếng để lấy nước tưới cho cây trái, có nơi phải khoan sâu 80 - 100m mới có mạch nước ngầm.

Gặp chúng tôi, anh Trương Đình Thống, đội khoan giếng xã Bình Lộc, TX.Long Khánh cho biết, năm nay do khô hạn kéo dài khiến nhu cầu khoan giếng của người dân tăng khoảng 50% so với năm trước. Chỉ tính riêng ở xã Bình Lộc, từ đầu năm đến nay đã tăng thêm khoảng 130 giếng khoan mới và hiện trên địa bàn vẫn có nhiều hộ dân tiếp tục đăng ký khoan giếng.

Có mặt tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, là địa bàn trồng tiêu lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, với diện tích khoảng 600 ha, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn tiêu đang héo rũ vì “khát” nước.

Người dân trồng tiêu ở đây như ngồi trên lửa khi nguồn nước tưới bị thiếu trầm trọng. Hầu hết các hộ dân hiện chỉ còn biết trông chờ vào nguồn nước ngầm tự nhiên. Để tự cứu vườn tiêu, những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Thọ đang “cày nát” khu vực đất ở và đất vườn để khoan giếng.

Chủ nhiệm CLB tiêu năng suất cao Phước Lộc, Trần Hữu Thắng lo lắng: “Những năm trước, chỉ cần khoan sâu khoảng 50m đã có đủ nước tưới cho vườn tiêu, nhưng nay có hộ dân phải khoan giếng sâu đến cả trăm mét mà vẫn không tìm được giọt nước nào…”. 

Theo ông Thắng, ấp Phước Lộc chỉ có khoảng 50 hộ dân nhưng đến nay có đến gần 100 giếng nước khoan xong lại phải lấp bỏ vì không có nước. Toàn xã Xuân Thọ hiện có đến hàng ngàn cái giếng khoan, tập trung chủ yếu ở các ấp trồng tiêu nhiều như Lộc Thọ và Lộc Trường.

17-13-45_nh-3
Các nhà vườn đều phải sử dụng hết công suất máy bơm, giếng đào, giếng khoan trong mùa khô năm nay

Tương tự, tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú hiện cũng đã có tới hơn 1.000 giếng khoan phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, do số giếng khoan dày đặc và nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao trong mùa khô khiến mạch nước ngầm cũng đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt.

Nông dân Trần Văn Thanh, xã Phú Lộc cho biết: “Ở đây, trung bình mỗi vườn cây có từ 1 đến 2 giếng khoan, thậm chí có hộ đã khoan đến 3 giếng nhưng vào mùa khô này vẫn không đủ nước tưới cây!”.

Theo lãnh đạo xã Phú Lộc, thực tế rất nhiều giếng đã hết sạch nước, có hộ còn đang tiếp tục khoan giếng mới, chính quyền cũng không thể ngăn cản dân vì nếu cấm thì đồng nghĩa với việc cấm sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.

17-13-45_nh-5
Vườn tiêu bị chết khô trong những ngày cao điểm nắng hạn

Tưới cầm chừng để cứu cây

“Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 243.000 công trình khai thác nước, trong số đó có 340 giếng khoan tập trung trong các KCN, gần 88.000 giếng khoan riêng lẻ và hơn 155.000 giếng đào để khai thác nguồn nước ngầm dưới đất. Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước dưới đất có thể xảy ra trong thời gian tới”.

Anh Võ Văn Thành, chủ vườn tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tâm sự: “Vào cao điểm mùa khô năm nay, nhờ có 3 giếng khoan và đào hồ trữ nước nên vườn tiêu của gia đình tôi đỡ “khát” hơn so với các hộ trồng tiêu khác.

Tuy nhiên, tôi chỉ lo nhất là diện tích tiêu trồng mới khoảng 1 ha bị ảnh hưởng do chịu nhiệt độ cao quá và lượng nước tưới thiếu hụt khiến cây tiêu bị chậm sinh trưởng. Vào mùa nắng nóng, rệp sáp và nhện đỏ sẽ phát triển mạnh hơn so với mùa mưa nên nguy cơ cây bị bệnh rất lớn”.

Theo kinh nghiệm của anh Thành, để chống chọi với mùa nắng hạn, anh phải tỉa bớt cành cho cây tiêu để giảm lượng lá hạn chế bốc hơi nước; đồng thời tăng bón phân hữu cơ và kali nhằm khi xiết nước, cây tiêu không bị héo, lại phù hợp với việc phân hóa mầm hoa giúp cây tiêu cho năng suất cao hơn.

Còn để chống hạn, tốt nhất là trồng được cây lạc dại (cỏ đậu phộng) phủ dưới kín mặt vườn hoặc dùng biện pháp tụ quanh gốc tiêu sẽ giữ độ ẩm tốt và hạn chế được các tuyến trùng gây hại cho cây tiêu.

17-13-45_nh-4
Trồng cỏ phủ kín vướn tiêu nhằm giữ đổ ẩm vào mùa khô hạn

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thanh Phước, Phó Chủ nhiệm CLB Khuyến nông ca cao xã Hưng Lộc cho biết: "Năm nay hầu hết các vườn cây đều bị ảnh hưởng năng suất do bị hạn khốc liệt, thiếu nước trầm trọng. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 15% số vườn cây bị thiếu nước hoàn toàn khiến mất năng suất, số còn lại nông dân cũng chỉ tưới nước cầm chừng để giữ cho cây không chết”.

Theo anh Phước, thời tiết khô hạn kéo dài khiến nước trên các sông, suối đều bị cạn kiệt và bị ô nhiễm do nguồn nước thải chăn nuôi. Do vậy, các hộ dân không còn cách nào khác phải gia tăng khoan giếng mới để “săn” nước.

Tuy nhiên, do mạch nước ngầm tầng 1 (sâu khoảng 50 m tính từ mặt đất xuống) đã bị cạn kiệt nên nông dân phải khoan tới tầng 2 (sâu 90 – 100 m) mới có nước.

Tính ra chi phí đầu tư cho giếng khoan của mỗi hộ lên đến hàng chục triệu đồng. Chỉ tính riêng trong CLB, hiện đã có đến gần 100 giếng khoan trên tồng số 26 ha vườn cây, trung bình mỗi vườn có 2 – 3 giếng khoan, nhưng tình trạng thiếu hụt nước tưới vẫn xảy ra.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.