| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm ở làng bún Khắc Niệm ngày càng trầm trọng

Thứ Sáu 21/07/2017 , 07:40 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, làng bún Khắc Niệm, TP Bắc Ninh không ngừng đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất, sản lượng bún cũng vì thế mà tăng gấp hàng chục lần. 

Trong khi toàn bộ chất thải vẫn xử lý theo cách “truyền thống” là xả trực tiếp ra môi trường. Đó là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng thêm.
 

Chúng tôi quen rồi, nhưng...

Có mặt ở cánh đồng ven khu Tiền Trong, phường Khắc Niệm, nơi có con mương chứa đầy nước thải đặc sệt như cháo, sủi bọt trắng, bọt vàng. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, sộc thẳng vào lồng ngực, khiến chúng tôi ai nấy đều nhăn mặt, bịt mũi, không dám hít thở mạnh.

11-33-07_nh_1
11-33-07_nh_2
Con mương chứa đầy nước thải đặc sệt như cháo, sủi bọt trắng, bọt vàng

Ghé vào một gia đình đang làm bún, sát con mương chứa đủ loại chất thải ở khu Tiền Trong, hỏi chuyện. Căn nhà khá chật chội, khu vực làm bún ẩm ướt và không đủ ánh sáng. Ngay sát cửa ra vào, một đống gạo đổ trên tấm bạt nhựa trên nền nhà. Bà chủ nhà giới tên Dương Thị Lan, 56 tuổi, đang ngồi cạnh đống gạo, vừa thoăn thoắt xúc vào bao tải vừa nói: “Chúng tôi ở đây xưa giờ, cũng quen với mùi hôi thối rồi, nhưng rất lo, vì tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Kênh mương, ao hồ, ruộng lúa… chỗ nào nước cũng đặc sệt, đủ thứ chất thải. Mỗi khi trời mưa xuống là rác từ rãnh thoát nước sinh hoạt tràn lên đầy đường. Bệnh tật ngày càng nhiều, lo nhất là đám trẻ con”.

Bà Lan cho biết, tuỳ theo ngày khách đặt, ít thì 1 - 2 tạ, nhiều thì trên dưới 1 tấn. “Thế nước thải mình xả đi đâu?”, tôi hỏi. Bà đáp tỉnh queo: “Thì chảy ra ngoài rãnh, rồi ra đồng, kênh, mương. Xưa giờ vẫy thế, nhà ai cũng thế chứ có phải riêng nhà này đâu”.

Tình trạng ô nhiễm ở Khắc Niệm không chỉ “gói gọn” trong các thôn làng của phường, mà còn lan ra các xã lân cận qua đường kênh, mương và không khí. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hậu ở thôn Nội Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, xã bên cạnh Khắc Niệm, than: “Bao năm nay chúng tôi quen với mùi hôi thối rồi, nhưng càng ngày càng nặng hơn. Hôm nào có gió, chúng tôi chỉ biết chui vào nhà cửa đóng then cài. Con kênh trước nhà chảy qua mấy xã, ngày xưa vẫn dùng, bây giờ bẩn lắm, nước đen kịt, đặc sệt, bốc mùi nồng nặc. Dưới nước giờ chỉ có cá rô phi sống được”.

Bà Vũ Thị Liễu ở thôn Chùa, xã Lạc Vệ cho biết: “Chúng tôi kêu cứu lên xã, lên cả huyện suốt, mà chẳng lay chuyển được gì. Mấy năm nay, năm nào cũng có vài người trong làng chết vì ung thư. Còn bệnh đường ruột, hô hấp thì lúc nào cũng có”.

11-33-07_nh_5
Rãnh thoát nước sinh hoạt cũng chứa đầy rác

Anh Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ y tế phường Khắc Niệm cho biết, hiện nhiều hộ vẫn đang sử dụng nguồn nước giếng khoan làm nước sinh hoạt, trong khi theo kết quả phân tích chất lượng nước thải ở Khắc Niệm cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng nước như COD, BOD, hàm lượng coliform đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép đến vài chục lần. Do lượng nước thải và rác thải quá lớn, từ lâu đã ngấm vào mạch nước ngầm. Trong khi đó, chất thải lại ngày càng tăng theo cấp số nhân.
 

Giải pháp nào?

Đến UBND phường Khắc Niệm, chúng tôi gặp ông Nguyễn Công Duy, Phó Bí thư Đảng uỷ phường, được ông cho biết, Khắc Niệm hiện có khoảng hơn 15 ngàn nhân khẩu, trên diện tích hơn 744ha, chia thành 7 thôn (nay là khu). Trong đó, có 3 khu làm bún truyền thống là Tiền Trong, Tiền Ngoài và Quế Sơn. Ngoài ra, thôn Đoài cũng có một số hộ làm bún.

11-33-07_nh_6
Cảnh làm bún ở khu Tiền Trong, phường Khắc Niệm

“Ngày trước người dân làm bún thủ công, nên sản lượng ít, chất thải, nước thải cũng ít. Còn bây giờ, hầu hết đã được làm bằng máy móc nên khối lượng sản phẩm tăng gấp 10 lần so với trước. Lượng chất thải cũng vì thế mà nhiều hơn và vẫn “xử lý” theo cách thủ công, là xả ra môi trường. Ngoài chất thải từ sản xuất bún, bánh, đàn gia súc, gia cầm của phường cũng lên đến hàng chục ngàn con. Một số hộ chăn nuôi cũng có xây hầm biogas, nhưng chỉ giảm được một phần, còn lại vẫn xả ra môi trường, góp phần làm cho tình tạng ô nhiễm trầm trọng thêm”, ông Duy nói.

Mặt khác, dưới áp lực của sự gia tăng dân số, diện tích ao, hồ, sông ngòi dùng để điều tiết nước thải bị thu hẹp do san lấp làm nhà ở. Số lượng ao hồ còn lại quá ít nên quá tải, dẫn đến nước thải ứ đọng, tràn cả ra khu dân cư, gây ô nhiễm trầm trọng.

Cũng theo ông Duy, hiện nay, ngoài bún thành phẩm, nhiều cơ sở còn làm phôi bún, tức nguyên liệu bột đã chế biến, để bán cho các cơ sở khác. Người mua chỉ cần về làm thêm công đoạn cuối là đưa vào máy ép ra sợi bún. Chính vì thế, sản lượng bún hàng ngày không thể tính chính xác được, nhiều cơ sở đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, một ngày có thể cho ra lò khoảng 3 tấn bún thành phẩm.

Như vậy, những nơi mua phôi bún về sẽ không tốn nhiều thời gian, nước thải ra môi trường cũng không đáng kể. Trong khi người làm phôi bún chỉ thêm được một ít tiền, còn công đoạn sản xuất không giảm được bao nhiêu, chất thải ra môi trường cũng chẳng bớt đi là mấy.

Hiện các kênh tiêu thoát nước chạy từ khu Tiền Ngoài đến Quế Sơn; con kênh dài 7km từ khu Tiền Trong chảy qua 4 xã, đổ vào sông Sào Khê đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải từ làng nghề bún Khắc Niệm và nhiều cơ sở chăn nuôi dọc hai bên bờ kênh. Hệ thống mương xuống cấp, khiến các chất thải ứ đọng, gây tắc nghẽn, tràn ra đường, bốc mùi hôi thối.

Ban đầu, người dân cho rằng tình trạng ô nhiễm là do một doanh nghiệp chăn nuôi lớn đóng trên địa bàn, nhưng sau khi chính quyền lập đoàn kiểm tra mới kết luận, phần lớn nguyên nhân ô nhiễm là từ làng bún Khắc Niệm gây ra. Mùi hôi thối trên địa bàn xuất phát từ nguồn nước ở dòng kênh bị ô nhiễm và chưa có biện pháp nào khắc phục. Nếu là doanh nghiệp gây ô nhiễm việc xử lý theo luật dễ dàng hơn, còn làng nghề gây ô nhiễm vô cùng khó khăn để giải quyết triệt để.

11-33-07_nh_7
Đây là hầm chứa nước thải của công trình xử lý chất thải tại Khắc Niệm. Được “đắp chiếu” từ khi xây dựng xong đến nay

Được biết, năm 2010, nhà nước cũng đã đầu tư, xây dựng một công trình xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm bằng công nghệ Dewats với công suất 400m3/ngày đêm, nằm trên địa bàn khu Tiền Trong. Tuy nhiên, công trình gần như không hoạt động. Theo như ông Nguyễn Công Duy, Phó Bí thư Đảng uỷ phường Khắc Niệm thì công trình “đắp chiếu” là do nước không vào được? Còn bà Dương Thị Lan, có cơ sở làm bún cách hầm chứa chất thải này chỉ vài chục bước chân thì mỉa mai: “Tôi thấy làm cho có vậy thôi chứ từ ngày làm xong đến giờ, có ai đưa được nước thải vào đó đâu?”. Hỏi lý do tại sao thì bà Lan noi tiếp: “Làm chỗ chứa nước mà không tính toán, cái miệng hứng nước của hầm cao hơn mương rãnh thì làm sao nước vào? Chảy ngược à?”.

"Chúng tôi cũng đề xuất cấp trên về những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ở Khắc Niệm, tỉnh cũng có những phương án, nhưng vẫn chỉ là mang tính đối phó, tạm thời, vì vấn đề kinh phí. Bây giờ nếu có doanh nghiệp nào chịu vào đầu tư, làm cho bài bản, thì bà con mừng lắm. Riêng chính quyền sẽ ủng hộ hết long”, ông Nguyễn Công Duy.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.