| Hotline: 0983.970.780

'Ở ta, không có vùng khó…'

Thứ Hai 10/10/2016 , 14:10 (GMT+7)

Trong một lần trò chuyện, nhà báo Trịnh Bá Ninh cho tôi biết, tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: “Ở ta, không có vùng khó mà các vùng khó chỉ có khi ta chưa vượt qua được cái khó thôi…”.

Câu nói chí lý ấy khiến chúng ta nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.

Trong hai cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ, lớp lớp thanh niên của chúng ta đã làm đúng lời dạy của Bác để vượt qua mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi. Vậy sao trong thời bình, ta lại hay kêu ca nhiều về các khó khăn đến thế.

Trên mặt trận nông nghiệp, lâu nay ta vẫn coi miền núi phía Bắc và những vùng khô cằn ở miền Trung là những nơi khó khăn nhất. Ở đó, điều kiện thời tiết khốc liệt và lượng nước khan hiếm đã làm cho việc sản xuất của bà con ta gặp nhiều trở ngại. Tôi đã có mặt ở hầu khắp những vùng khó khăn đó. Đời sống của người dân nơi đây rất chật vật. Hiện nay, họ vẫn còn đầy gian khó. Những giống cây trồng phổ biến ở các vùng này vẫn loanh quanh chỉ có ngô và sắn. Thậm chí có nơi, ngô và sắn cũng không sống nổi bởi điều kiện quá khô, nóng.

Rõ ràng, so với các nơi khác trên đất nước ta, các vùng đó thực sự có nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nếu nhìn ra thế giới, ta ngạc nhiên thấy có những vùng còn khô nóng hơn chúng ta rất nhiều mà người ta vẫn vượt qua được. Thậm chí, họ còn vươn lên và tiến xa hơn cả những nước đầy thuận lợi. Bài học lớn nhất chính là đất nước Israen. Ở đó, sa mạc lấn gần hết đất nước, mưa rất ít, sông ngòi có mấy đâu…

Thế nhưng, họ đã biết cách để làm cho mảnh đất khô cằn ấy vẫn nở hoa, kết trái. Ta đã cử hàng loạt đoàn sang đó để học tập. Ai về cũng khen bạn hết lời. Nhưng thật tiếc, rất hiếm nơi làm được như bạn. Mới biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét rất đúng: “Con đường dài nhất là từ lời nói đến việc làm”.

Hãy quay lại với đất nước chúng ta. Xin hãy chọn ra một vài vùng gian khó nhất để cùng xem xét. Ở miền Trung, ta chọn tỉnh Ninh Thuận làm ví dụ.

Ai đã qua vùng đất này đều ái ngại bởi cái nắng chói chang. Những dãy núi trơ trụi toàn đá phô ra dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Rất khó để nghĩ tới những cuộc sống sung túc trên vùng đất như chảo lửa này…

Thế nhưng ngay ở Ninh Thuận, nhiều hoạt động sản xuất mới lạ đã được bà con hưởng ứng. Ngoài những ruộng nho trĩu quả, ta dễ dàng nhận thấy hàng trăm thửa ruộng đang hối hả trồng táo. Táo ở đây được trồng như trồng nho. Họ cũng làm giàn và cho táo leo lên.

Giàn táo xanh mướt, trồng còn đẹp hơn cả giàn nho. Những chùm táo to rủ xuống kín vườn. Do trồng theo giàn nên gốc táo được chăm sóc thường xuyên. Việc bón phân cũng dễ dàng. Táo cho năng suất vượt trội. Hàng loạt xe ô tô tải đỗ kín trên đường. Nó sẽ tiếp nhận hàng trăm bao đựng đầy táo để đưa ra Bắc hoặc vào Nam. Dân phấn khởi lắm.

Một cụ già nói với tôi: “Chú Hùng bảo bà con các nơi vào đây mà học tập. Nắng ở đây là dữ nhất rồi. Thế nhưng, táo vẫn tươi tốt là nhờ bọn tôi tưới nhỏ giọt đấy. Có lẽ nhờ có nhiều nắng nên năng suất táo tốt lắm. Chẳng có cây nào cho năng suất tốt được như táo đâu…”. Nói rồi, ông cười hà hà, để lộ hàm răng chắc chỉ còn 1 - 2 chiếc. Có lẽ cả cuộc đời gian truân, nay ông mới trụ lại được với cây táo. Nó làm đổi đời cho gia đình của ông…

Ở trong này còn nổi tiếng với những loại cây chịu hạn rất tốt, cho thu hoạch khá như: Thanh long, bụp giấm, nha đam, trôm, măng tây… Sau khi được TS Phan Quốc Kinh giới thiệu, tôi chú ý nhiều tới cây bạch tật lê (có nơi còn gọi là cây gai sát hầu, cây gác ma vương, cây gai sầu, gai trống, gai yết hầu…). Đó là một loại cây hoang dại, mọc rất khỏe trên các vùng cát nóng ven biển miền Trung.

Ra đảo Phú Quốc, tôi thấy nó mọc kín trên đảo. Bà con phải cào bớt đi vì nó rất sắc. Hoạt chất có trong chúng chỉ được dùng để chữa đau mắt hoặc tắc sữa ở các bà mẹ. Nhưng ngày nay, người ta thấy chúng còn làm săn cơ bắp, tăng sức dẻo dai, cường dương…

Ở Mỹ, người ta dùng để làm thuốc zeturin (thuốc này dành riêng cho các quý ông và cả quý bà tuổi “xế chiều”). Loại dược liệu quý giá này chưa được dân mình quan tâm. Chưa ai nghĩ tới việc tổ chức trồng chúng (vì có lẽ phải tập trung lo đủ diện tích trồng lúa đã!). Sau này, nếu cây bạch tật lê phát triển mạnh thì có lẽ người các nơi lại tranh nhau tới đây mua đất trồng và kinh doanh loại cây quý này…

Dọc theo quốc lộ 1, đoạn qua Ninh Thuận và Bình Thuận, ta còn thường xuyên gặp một loại cây bóng mát có lá xanh mướt, trông nó giống với cây xoan nhưng cây to bản và dày lá hơn. Đó chính là cây neem hay còn gọi là cây xoan chịu hạn. Bác Lâm Công Định đã đưa nó từ châu Phi về tới Việt Nam.

Tôi không hiểu vì sao ngành lâm nghiệp lại không phát triển mạnh được nó lên! Đó là một loại cây chịu hạn tuyệt vời. Nắng mấy nó cũng chịu được. Cây mọc lên rất khỏe, tán lá dày và xanh thâm. Thân của chúng lớn hơn thân của cây xoan ta nhiều. Cây 15 tuổi có đường kính thân tới gần nửa mét.

Chính tôi đã tham gia trồng 4ha neem ở Bắc Bình (Bình Thuận). Bây giờ, cây đã lên đẹp lắm. Ở Phước Dinh (Ninh Thuận), người ta đã trồng cả nghìn hecta cây neem. Cây đã mọc lên thành rừng. Chim chóc đã về. Tôi còn bắt gặp cả những chú sóc tìm tới sinh sống. Như vậy là cả thú muông đã quay lại. Từng đàn cừu nối nhau đi kiếm ăn dưới tán rừng neem. Ở đó mát nên cỏ mọc lên khá tốt.

Tôi vẫn mơ, các chương trình “Thanh niên tình nguyện” của Trung ương Đoàn hãy tập trung về đây, mỗi năm trồng thêm vài vạn hecta neem cho những vùng cát hoang hóa này. Chẳng mấy chốc nữa rừng sẽ phủ kín những bãi trống mênh mông đó. Có rừng là có nước. Có nước sẽ có tất cả…

Quay ra phía Bắc, ta lên tỉnh tận cùng đi, đó là Lai Châu. Lai Châu nằm chót vót trên mái nhà phía Tây của Tổ quốc. Ngày xưa, lên được Lai Châu cũng mất 2 - 3 ngày. Nay, giao thông đã được cải thiện nhiều. Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi mất có 3 tiếng. Từ Sapa sang Lai Châu chỉ còn 60km. Nghe nói, Chính phủ lại sắp mở một con đường mới chạy thẳng từ Lai Châu ra thành phố Lào Cai.

Ở Lai Châu đất rộng, người thưa. Sản xuất nông nghiệp còn chậm phát triển. Tuy nhiên, Lai Châu lại có những lợi thế rất đáng quan tâm. Việc sản xuất cá nước lạnh được khởi đầu ở Sapa do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 tiến hành. Kết quả thu được rất hấp dẫn nên nó mau chóng lan tỏa ra nhiều nơi, trong đó có Lai Châu. Xét về lợi thế thì Lai Châu còn rất nhiều địa điểm phù hợp để phát triển cá nước lạnh. Tuy nhiên, ta cần tiến hành có tổ chức, có kế hoạch và phải tính toán kỹ càng.

Về chăn nuôi đại gia súc, chúng ta nên đưa con trâu thành một trong những đối tượng chính. Ở trên này, nhà nào cũng nuôi trâu nhưng vẫn là nuôi nhỏ lẻ, mỗi nhà một vài con. Họ chăn thả tự nhiên. Rất hiếm thấy những gia đình nuôi tới 50 con trở lên. Chưa ai quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn cho trâu (như bà con ở Mộc Châu quy hoạch vùng trồng cỏ để nuôi bò sữa).

Nếu ta nghiêm túc làm việc này thì việc phát triển đàn trâu ở trên này sẽ thành một hoạt động sản xuất phi thường. Một con trâu bán được từ 40 - 60 triệu đồng. Vậy, nếu có được 1 đàn trâu thì… đủ sức mua ô tô về Hà Nội chơi thoải mái.

Khí hậu ở trên này rất thích hợp để trồng các loại rau, hoa, quả vùng ôn đới. Khi giao thông thuận lợi và các nhà đầu tư để ý tới thì Lai Châu chắc chắn sẽ có cơ vươn lên vượt bậc.

Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy thì cho rằng, Lai Châu rất có triển vọng để phát triển mắc ca. Khí hậu ở đây phù hợp, đất đai lại rộng lớn, thị trường Trung Quốc lại kề bên. Ông đã nghĩ tới việc đầu tư để trồng hàng nghìn hecta mắc ca và xây ở đây một nhà máy chế biến. Lúc đó, Lai Châu sẽ thành thủ phủ thứ hai về mắc ca, sau Tây Nguyên.

TS Phan Quốc Kinh - một chuyên gia đầu ngành về dược thì cho rằng, cả Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng, nên tập trung phát triển mạnh về các cây dược liệu. Nguồn dược liệu của ta vô cùng phong phú, trong đó có những loại rất quý. Phát huy hết tiềm năng này, dân trên đó sẽ giàu to...

Chúng ta chỉ đảo qua đôi chút cũng đã thấy biết bao tiềm năng ngay tại những vùng gian khó. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói thế là rất đúng. Nếu quyết tâm thì mọi vùng gian khó của chúng ta vẫn có thể vươn lên được. Xin mọi người hãy hiến kế để đất nước chúng ta không bao giờ còn có những vùng gian khó nữa!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.