| Hotline: 0983.970.780

Ổi Bo thế chân vải Thanh Hà

Thứ Năm 04/11/2010 , 10:21 (GMT+7)

Có một thực tế không biết nên vui hay buồn là hiện nay cây ổi Bo Thái Bình đang “soán ngôi” cây vải thiều tại huyện Thanh Hà.

Nhắc đến Thanh Hà (Hải Dương) ai cũng nghĩ ngay đến một vùng trồng vải thiều nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng mấy năm trở lại đây, giá vải liên tục rớt giá thê thảm khiến người trồng vải chán nản chặt bỏ loại cây truyền thống này. Có một thực tế không biết nên vui hay buồn là hiện nay cây ổi Bo Thái Bình đang “soán ngôi” cây vải thiều tại huyện Thanh Hà.

Điều tất yếu!

Đến huyện Thanh Hà những năm gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc ôtô tải nườm nượp chở ổi Bo lên Hà Nội tiêu thụ. Những cánh đồng, trang trại vải rộng bạt ngàn trước đây hầu như không còn nữa mà đã được thay thế bằng nhưng khu vườn trồng ổi Bo sai lúc lỉu được bọc túi ni lông trắng xóa.

Đang cắt tỉa mầm cho vườn ổi Bo nhà mình, anh Trần Văn Long ở xã Liên Mạc cho biết, trước đây toàn bộ diện tích ổi Bo nhà anh hiện nay đều là cây vải thiều truyền thống của Thanh Hà. Khoảng những năm 2004 – 2005 thời tiết mưa nhiều khiến nhiều vườn vải bị chết vì ngập úng. Đặc biệt, giá quả vải lại liên tục rớt khiến người dân Thanh Hà ngán cây vải đến tận cổ. Đúng lúc đó có một số người dân trong xã mang giống ổi Bo từ Thái Bình về trồng tạo ra một hướng phát triển kinh tế rất khả quan. Ổi Bo rất sai quả lại hợp với thổ nhưỡng địa phương nên gia đình anh Long chặt toàn bộ diện tích vải có trong vườn để chuyển sang trồng ổi.

 “Khi đó chỉ có một vài người mạnh dạn trồng cây ổi Bo thay thế cây vải thiều, giá ổi thời điểm ấy tuy chỉ có 2.000 đồng/kg nhưng vẫn ăn đứt cây vải thiều. Ưu điểm của cây ổi cho thu hoạch quanh năm nên dần dà rất nhiều người dân làm theo”, anh Long nhớ lại. Anh cho biết thêm, tận dụng lợi thế đó, gia đình anh còn gieo hạt ươm cây ổi giống bán mỗi năm cũng thu được cả chục triệu đồng. Hiện nay, diện tích trồng ổi của gia đình anh đã lên tới 12 sào mỗi năm cho thu hoạch cả trăm triệu đồng.

Theo số liệu thống kê của Chủ nhiệm HTXNN Liên Mạc Tiêu Công Thú, xã có diện chuyển đổi cây vải thiều sang cây ổi nhiều nhất thì diện tích cây vải của xã Liên Mạc từ hơn 400ha giờ giảm xuống chỉ còn vài chục ha. Số diện tích thoi thóp còn sót lại đó chủ yếu do bà con giữ lại trong vườn nhà để lấy trái ăn, còn gần như 100% diện tích đất trồng vải ngoài bãi đã bị chặt bỏ để trồng cây ổi Bo.

Ông Thú cho hay, bắt đầu từ năm 2005 khi mà quả vải bán với giá cao nhất không quá 2.000 đồng/kg thì người dân Liên Mạc chuyển sang trồng ổi rầm rộ nhất. Đến nay, diện tích cây ổi Bo của xã đã tăng lên 355ha và sẽ tiếp tục tăng. Không chỉ Liên Mạc mà rất nhiều xã lân cận khác như: An Lương, Cẩm Chế, Phượng Hoàng, Tân An… người dân cũng bắt đầu chặt cây vải thiều để nhường chỗ cho cây ổi Bo phát triển.

Hướng đi mới?

Bài toán khiến họ đau đầu hiện nay là cứ 4 – 5 năm thậm chí là 2 – 3 năm lại phải trồng lại cây ổi một lần, như vậy sẽ rất mất công và tốn kém bởi cây ổi chỉ cho thu hoạch cao nhất vào năm thứ 2 và thứ 3. Vì vậy người dân trông ổi Thanh Hà rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gì khiến cây ổi Bo “đoản mệnh” như vậy.
Theo lời ông chủ nhiệm HTXNN Liên Mạc Tiêu Công Thú, việc người dân chặt bỏ cây vải thiều là điều không thể tránh khỏi. Bởi quả vải bán rẻ như cho lại thu hoạch rải rác nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Ngay như hiện nay giá quả vải có cao hơn trước rất nhiều nhưng khi đem so với cây ổi thì thua kém một trời một vực.

Ưu điểm lớn nhất của cây ổi Bo là cho quả quanh năm, bên cạnh đó người dân có thể thoải mái điều chỉnh thời gian ra quả cũng như thu hoạch ổi đơn giản bằng cách cắt bỏ nụ và không bón phân nếu không muốn cho cây ra quả hay ngược lại. Một sào trồng ổi Bo (khoảng 100 cây) hiện nay cho thu hoạch 8 tạ quả/năm. Giá ổi bình quân mua tại ruộng hiện nay là 8.000 – 12.000 đồng/kg. Như vậy 1 sào ổi mỗi năm thu 10 triệu đồng (270 triệu/ha) là điều người dân nào cũng có thể nhìn thấy.

Lợi ích kinh tế là vậy nhưng cây ổi Bo có một nhược điểm rất lớn là chỉ cho thu hoạch được từ 3 – 5 năm là cây sẽ tự chết. Vậy là người dân lại phải trồng hoặc chiết cây mới để thay thế. Mặt khác, trồng ổi đòi hỏi rất nhiều phân bón và khâu chăm sóc tỉ mỉ. Mỗi một quả ổi đều phải bọc túi ni lông cẩn thận để tránh bị ong châm. Điều lo lắng đặt ra nữa là việc người dân ồ ạt chặt vải trồng ổi có gây ra hệ lụy gì sau này không vì cũng có thể đến một lúc nào đó giá ổi lại rẻ như cho?

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất