| Hotline: 0983.970.780

Ôm cây chết đứng

Thứ Hai 13/08/2012 , 13:47 (GMT+7)

Đã qua thời sốt nóng đến thời… sốt rét, những người ôm siêu cây cảnh bạc tỉ thủa nào gần như chết đứng. Cái chết có đủ mùi hỉ, nộ, ái, ố.

Đã qua thời sốt nóng đến thời… sốt rét, những người ôm siêu cây cảnh bạc tỉ thủa nào gần như chết đứng. Cái chết có đủ mùi hỉ, nộ, ái, ố.

Sốt nóng thành sốt rét

Xã Đức Bác (Sông Lô, Vĩnh Phúc) là địa phương đi đầu trong việc thành lập hội cây cảnh, sớm trước cả huyện, cả tỉnh. Xã có 400 hộ tham gia nghề cây cảnh, trong đó có 100 hộ dấn sâu với số vốn ít nhất 500 triệu trở lên, 25 hộ đầu tư từ vài tỉ đến cả chục tỉ. Hội cây cảnh Đức Bác những năm thịnh, mỗi năm đem lại lãi ròng cỡ 40 tỉ.

Ông Bùi Quang Sự, Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh Đức Bác, kể lại nguồn cơn của nghề: “Dân quê tôi trước đây toàn đi thuyền buôn cối đá, buôn đồ gốm đổi lấy thóc, lấy ngô rồi mới bán theo dạng tiền tươi. Từ chỗ đi nhiều, thấy ở tỉnh Nam Định làm cây cảnh hay quá nên tôi học. Bàn với vợ mãi không xong, nhân buổi vợ đi ra đồng, vườn chuối tiêu đang tốt mỡ màng, tôi cầm dao phạt hết để cho thành sự đã rồi, vợ không đồng ý cũng không xong. Mấy năm gần đây, buôn cây cảnh lãi quá, nhiều người mới lao theo. Giờ, giá cây lao dốc, cả làng lao đao. Giá xuống theo phổ rộng từ cây vài ba ngàn đến cây tiền tỉ. Từ đầu năm đến nay cả trăm cây trong vườn của tôi không có người mua. Có cây trước đây 500 triệu đồng, lắm khách nì nèo tôi không bán mà giờ chẳng ma nào thèm hỏi. Sốt nóng đã thành sốt rét. Kinh tế suy thoái đến cái anh chèo đò chỉ 3.000 đồng/lượt vượt sông Lô sang Việt Trì còn ít người đi huống hồ cây tiền tỉ”.


Khu vườn hoành tráng của một ông chủ giờ bị đình đốn

Khác với một số nơi mua, gom, cổ phần cây cảnh bằng tiền vay ngân hàng, vay nặng lãi, dân Đức Bác đi từ cây nhỏ đến cây lớn, đa số đều tự làm, tự gột nhưng cũng gặp không ít gieo neo. Ông Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh Đức Bác giờ chấp nhận phận đi các tỉnh làm thuê sửa cây, tạo dáng với số tiền mỗi ngày được 500.000đ. Một số ông chủ vườn khác đi phu hồ, thợ xây, chạy chợ lần hồi sống qua ngày để lại những vườn cây tốt xanh um, lá cành vươn tứ phía không ai sửa. Người mới vào nghề gần như “chết không có đất chôn”, đám ăn theo như xoay chậu, bán cây rong cũng lũ lượt nghỉ gần hết.

Làng Khoái Chung có ông chủ trẻ tên Hùng từng nổi tiếng có hàng chục thợ cây, thợ làm chậu và một vườn cây quý. Giờ anh đã phải bán căn nhà tiên tổ đi nơi khác sao chè thuê kiếm sống vì vỡ nợ. Ông Bùi Văn Chiến, Hội phó Hội Sinh vật cảnh Đức Bác, bảo tôi: “Kế hoạch làm nhà của tôi phải 4 năm nữa khi con cái học hành xong mới tiến hành nhưng do dân làng đàm tiếu rằng bọn cây cảnh giờ vỡ mồm hết nên tôi cay lắm, quyết tâm làm để khẳng định mình chưa đến nỗi nào”.



Ông Chiến với cây bạc tỉ đang ế

Ngôi nhà hiên tây, thoáng mát khi trước ông bà có ở hết đời cũng không phải lo bị đập đi để xây căn biệt thự 2 tầng rộng thênh thang, mỗi sàn 150 m2 trị giá trên tỉ đồng. Để có tiền xây nhà, ông Chiến gọi người đến bán 1 cây sanh, 1 lộc vừng với giá ngót 1 tỉ, bằng phân nửa khi sốt. Lúc tôi đến, “ngôi nhà danh dự” đang sơn, gấp rút hoàn thành. Dẫn tôi đi xem toàn những cây “gồ ghề” như cặp sanh theo dáng tứ linh trước có khách trả 1,8 tỉ không mua nổi cái gật đầu của ông hay cây sanh dáng long thăng trước 1,2 tỉ, cây sanh dáng long phá 1 tỉ ông cũng không bán, giờ nằm sừng sững giữa vườn như một nỗi đau.


"Ngôi nhà danh dự" của ông Chiến đang sơn

Hội cây cảnh thành "hội trồng mơ"

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng công an xã kiêm Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh Triệu Đề (xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), một tổ chức hùng mạnh với 120 hội viên ở một xã có 1.950 hộ/2.150 hộ buôn cây. Hội của ông Nhân giờ bị dân quanh vùng đổi tên gọi là “Hội trồng cây mơ”, mà giấc mơ của các hội viên còn lớn hơn nhiều cái anh gá bạc mong lấy nhà người ta về làm chuồng lợn. Không mơ sao được khi ông Chủ tịch UBND xã mua một cây sanh 36 triệu đồng, chưa đến 2 năm sau bán ngót 1 tỉ; anh Nguyễn Viết Tuân mua cây sanh 42 triệu sau 5 năm bán 4 tỉ, mua cây sanh 800 triệu sau 3 năm bán 5,5 tỉ…

Hội Sinh vật cảnh lúc thịnh vượng có hơn 40 xe ô tô, mèng nhất cũng loại 500 triệu đồng, còn không toàn Camry, Lexus, Fortuner từ bạc tỉ đến bạc nhiều tỉ… Ô tô đẹp, biệt thự thênh thang, tất cả đều lãi đậm, cứ mua cây nào trúng cây đấy. Cảnh tượng ấy ngày ngày đập vào mắt dân Triệu Đề có sức gây nghiện đến lạ kỳ. Người bán bò, bán trâu, kẻ bán đất, cược nhà đi buôn cây cảnh. Có người nhân lúc vợ ngủ lén lấy hoa tai vàng đi bán làm vốn, có kẻ chồng đi vắng lén rút sổ tiết kiệm ra đặng có chút dắt lưng. Đến ngay cán bộ xã từ chức sắc đến bình thường, tổng cộng gần chục người cũng tham gia vào giới buôn cây cảnh.


Những cây bạc tỉ thế này giờ rất khó bán

Hội chợ sinh vật cảnh Triệu Đề tổ chức ở Ủy ban năm 2010 đúng thời điểm vượng, có ngày giao dịch tới 23 tỉ làm ai cũng muốn choáng ngất. Hội chợ đáng ra chỉ có 7 ngày nhưng được các ông chủ vườn tài trợ nên kéo dài cả tháng với chi phí ngót 1 tỉ đồng được bao trọn. Hàng quán ăn ngập đường, lụt xóm với khoảng 60-70 quán ăn sáng, ăn ngày rồi lại ăn đêm. Công lao động khiêng cây, bốc phân bò cũng gấp chục lần cấy gặt. Công ngày ngày kéo chục chuyến xe bò phân cũng đút túi ngon ơ bạc triệu. Cảnh đó kích thích dân Triệu Đề đến nỗi có nhiều ông chủ thầu xây dựng đang nhận công trình chấp nhận bỏ về nhà làm ang chậu. Nay, hàng trăm nhà vườn đầy ắp cây, có cái đầu tư cả chục tỉ trong đó nợ 3-4 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1980, khởi đầu tay trắng vào cây 2 năm mua đất phố 800 triệu lại làm nhà khiến ai cũng mắt tròn, mắt dẹt. Giờ với số nợ cỡ 2 tỉ, thanh lý tất anh còn phải đang rao bán đất. Anh Nguyễn Viết Tuân đang rao bán mảnh đất mua 3 tỉ hồi nào có sẵn 9 gian nhà gỗ, 11 vì kèo theo lối cổ cũng vì cây cảnh. 40 chiếc ô tô của Triệu Đề giờ 30 chiếc đã về nơi rất xa, số còn lại vẫn có người rao tiếp.

Anh Trần Ngọc Huân nhớ về thủa vàng son: “Có cây lãi gấp một, hai lần, có cây tôi lãi tới hai mươi lần như cây sanh mua 20 triệu về, một năm sau bán 4,5 tỉ. Gom vốn tôi đầu tư hai nhà vườn 13,7 tỉ đồng trong đó nợ 1,7 tỉ đồng”. Thời củi hóa vàng đã xa, theo nhận định của anh phải 3 năm nữa thị trường chơi cây mới phục hồi chứ 90% ông chủ đang rất khó khăn, phải bán cây ăn dần. Đây cũng chính là thời để thanh lọc những kẻ không chuyên nghiệp ra khỏi cuộc chơi.

Mỗi tầng lớp tham gia nghề cây cảnh đều…bụm miệng thổi giá. Thợ thổi, môi giới thổi, người buôn thổi, người chơi cũng thổi nốt. Có cây được giá không phải do dáng của nó mà do…dáng của chủ. Vẫn là cây đó, về nhà đại gia giá một trời một vực với thường dân vì đại gia nào chịu chơi cây loàng xoàng bạc chục, bạc trăm? Cây cảnh lúc đó không còn là cây nữa mà là vật trang sức khẳng định cấp bậc, đẳng cấp của một người.

Tôi được nghe kể chuyện thổi giá rất hài rằng, khi mua một cây mới, chủ cây thuê ô tô, thuê một người lạ cắp ca táp đến trả giá. Trong cuộc thương thảo, người lạ đó tình cờ mở ca táp lấy một cái kính, cái bút “sơ ý” để lộ ra từng xấp, từng cọc tiền 500.000đ xanh lét. Sau khi trả giá gấp hai ba lần giá trị thực của cây mà chủ cũng không bán, ông khách làm như tức khí bỏ đi. Thiên hạ được phen mắt tròn, mắt dẹt. Giá cây cảnh được thổi một cách kín đáo, thổi không có tí khói nào, chỉ có ai mua mắt mới cay xè vì hớ.

Ông Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh Triệu Đề gọi gần chục cú điện thoại cho các chủ vườn để dẫn tôi đi thực tế mà không được. Người bận bươn trải bán mành, bán quần áo vỉa hè, kẻ bận đi bán…phân bò cho một đại gia ở Việt Trì, Phú Thọ. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất