| Hotline: 0983.970.780

Ôm núi mưu sinh

Thứ Hai 26/05/2014 , 09:51 (GMT+7)

Những người làm nghề vác hàng thuê lên núi Bà Đen (Tây Ninh) có thu nhập không tệ, nhưng sức khỏe họ phải bỏ ra để mưu sinh cũng không hề nhỏ.

Lưng họ oằn xuống, một tay ôm bao hàng nặng trên vai, tay còn lại tung tẩy nhịp nhàng. Bước chân nặng nề, hơi thở gấp gáp, khuôn mặt có lúc tái nhợt, đẫm mồ hôi trong cái nắng gay gắt tháng 5 của miền Đông… Đó là hình ảnh những người làm nghề vác hàng thuê lên núi Bà Đen (Tây Ninh).

Cực khổ mới có ăn

Từ lâu, du khách lên viếng chùa Bà không còn phải leo bộ nữa mà đã có hệ thống cáp treo. Nhưng cáp treo chỉ chở người chứ không chở hàng. Chính vì thế, những người mang vác thuê vẫn còn việc để làm. Anh bạn đi cùng tôi bảo: “Muốn gặp những người vác hàng thì phải đi bộ. Nhưng từ đây lên đỉnh cao gần 1.000 m, đi không quen, mệt lắm đó nha”. Tôi cười, không đáp lời mà phăm phăm đi trước.

Leo lên chừng 30 phút, khi tôi cảm giác như đôi chân không còn là của mình thì gặp 2 người đàn ông gánh hàng thuê đang ngồi nghỉ chân, hút thuốc bên vệ đường nên tấp lại hỏi chuyện.

Nhìn kỹ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra 2 người đàn ông này tôi gặp dưới chân núi, và khởi hành sau tôi. Người đàn ông trung niên cho biết, anh tên Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), làm nghề này đã hơn chục năm nay.

“Nhà tôi chẳng có ruộng, từ xưa đến giờ toàn đi làm thuê. Ngày xưa tôi có nghề xẻ đá trên núi này. Nhưng nghề đó nặng nhọc, cực khổ và nguy hiểm hơn nghề nay, thu nhập lại không bằng, nên tôi bỏ”. Tôi hỏi: “Thu nhập có khá không?”. Anh đáp: “Vào các ngày rằm, lễ tết, khách hành hương nhiều, kiếm cũng khá. Có sức khỏe, đi từ sáng đến tối 7-8 chuyến, có khi ngày được cả triệu bạc không chừng. Nhưng lâu mới có dịp như thế. Còn lại, 1 ngày kiếm chừng 2 - 3 trăm ngàn, đủ sống”.

17-21-34_nh-3
Nghề vác hàng thuê thu nhập cũng tạm đủ sống, song sức khỏe thì bị bòn rút ghê gớm

Anh Tuấn cho biết, có khoảng gần 1 trăm người làm nghề vác hàng thuê. Các loại hàng mang lên núi, phổ biến là gạo, nước tương, muối, đường, trái cây, nhang đèn, heo quay, các loại thức uống, nước đá cây...

Ngồi bên cạnh anh Tuấn là chàng thanh niên trẻ, khuôn mặt hốc hác, sạm đen và nhớp nhúa mồ hôi, tên Hoàng, năm nay 28 tuổi, cho biết: "Đường thì không xa nhưng rất khó đi, phải bước lên từng hòn đá nhấp nhô, lởm chởm. Trên vai của chúng tôi nhiều khi phải vác hơn 70 kg hàng nhưng óc cũng phải căng ra để lựa chọn những viên đá bằng phẳng mà bước.

Những ngày lễ, nhiều khách thuê, nhưng khổ nỗi là cũng nhiều khách muốn đi bộ để hành hương. Họ quan niệm đi lễ chùa, cầu Bà mà an nhàn thì không linh. Vậy nên đường lên nhỏ hẹp mà người đông, chen chúc nhau lên, đi cực hơn nhiều. Thời gian đầu làm công việc này tôi cũng khiếp lắm, đi một ngày phải nghỉ 3, 4 ngày sau mới dám đi lại, nhìn lên dốc đá là thấy ớn da gà. Nhưng làm riết rồi cũng quen”.

Tôi hỏi: “Vậy sao không kiếm việc khác làm đỡ cục hơn?”. Hoàng đáp: “Giờ làm gì cũng vậy thôi, phải chịu cực thì mới có ăn. Mà những việc an nhàn đâu đến lượt mình”. Hoàng cho biết, vác một cây nước đá lên được trả 50.000 đồng, bao gạo 50 kg 80.000 đồng. Ngày lễ, khách đông, anh “chạy” chục chuyến lên, cũng kiếm vài trăm ngàn.

“Đôi khi khách hành hương thuê mang hàng lên cúng, thấy mình cực họ thương, cũng “bo” thêm”, Hoàng nói.

Nói đến đây, anh Tuấn và Hoàng đứng lên đi tiếp. Lúc này, tôi sực nhớ ra điều thắc mắc lúc mới gặp, nên hỏi anh Tuấn: “Thấy anh đi chậm hơn tôi nhưng lại đến trước. Anh đi đường tắt hả?”. Anh Tuấn cười hiền: “Đâu có. Lên núi chỉ có đường này thôi. Các anh đi nhanh hơn nhưng không đi liên tục như tôi mà còn ngắm cảnh, mệt lại nghỉ. Còn tôi đi đều chân, đi một mạch không nghỉ.

17-21-34_nh-5
17-21-34_nh-6
Không khó để bắt gặp hình ảnh những người già, phụ nữ vác hàng thuê

Bước đi mà không ra bước đi thì không được, dừng chân nghỉ hoài lại càng không được. Đi thế này cũng phải có kinh nghiệm và nguyên tắc chứ không phải đi tùy tiện, lúc nhanh lúc chậm, thích nghỉ là nghỉ đâu”.

Lao lực lúc nào không hay

Đi gần đến điện Bà, trong khi những phu hàng tiếp tục bước chân bền bỉ lên núi thì chúng tôi phải tấp vào quán nước ven đường nghỉ mệt lần thứ 2. Gió mát rượi, nhưng lưng áo bạc màu của những người khuân vác ướt đẫm mồ hôi, có người như vừa tắm xong.

Nghe tôi hỏi về những người vác hàng thuê, chị chủ quán cho biết, ngày trước chị cũng từng đội thuê mâm trái cây cho khách hành hương, giờ sức khỏe kém nên mở quán nho nhỏ bán các loại nước giải khát. Hiện chồng và một người em chồng của chị cũng đang làm nghề mang hàng thuê.

“Những người bán hàng, vác hàng trên núi cũng có “luật” đấy. Ví dụ như ai đến trước có chỗ đẹp, đến sau tìm chỗ khác chứ không ngồi gần. Không chèo kéo, giành khách của nhau. Giá các mặt hàng cùng loại được bán bằng giá nhau, cạnh tranh lành mạnh…”, anh Nguyễn Văn Tuấn nói.

"Đây là một nghề cực nhất trong những nghề cực nhọc, không phải ai cũng làm nổi đâu. Khách đông mình có công ăn việc làm thường xuyên nhưng cực cũng lắm bởi khuân vác nặng mà phải liên tục né người này tránh người kia mất nhiều sức lực.

Có người mới vào nghề không đủ khéo léo và kinh nghiệm va chạm với khách để rồi làm đổ trái cây, làm lễ vật rơi tự do xuống dưới vừa hao tổn công sức nhưng không được trả tiền thù lao, lại phải bồi thường cho khách nữa đấy. Ai làm nghề này được một thời gian cũng rên rỉ chuyện bị đau lưng, mỏi khớp hết", chị nói.

Chúng tôi đang nói chuyện thì chồng chị bước vào. Anh nói: "Tôi làm công việc này được gần chục năm rồi, từ hồi chưa có cáp treo kia. Hồi trước còn trẻ khỏe nên có ngày tôi đi đến 6-7 chuyến, giờ bình quân mỗi ngày chỉ 2 chuyến. Cái nghề này nghiệt ngã lắm, nó bòn rút sức người ghê gớm. Coi vậy chứ bị lao lực lúc nào không hay”.

Ngừng giây lát, chỉ vào tảng đá có dòng chữ viết bàng sơn đỏ: "Đường lên núi nguy hiểm, coi chừng đá lở" cách đó không xa, anh nói tiếp: “Ai dấn thân vào nghề này đều không thể tránh khỏi chuyện bị trượt chân té đổ máu, gãy tay gãy chân. Nhưng cái đó mình không ngán. Ớn nhất là phải mang vác lúc trời tạnh mưa kia. Khi đó đường lên núi trơn trượt, chỉ một phút sơ sảy là đổ máu".

Mưu sinh ở núi Bà, không chỉ có đàn ông, mà còn rất nhiều phụ nữ từ trung niên để cả những cô gái còn khá trẻ. Họ không vác hàng thuê nhưng một ngày cũng lên xuống núi vài lần.

Chị Nguyễn Hoài Thanh, năm nay gần 40 tuổi, cho biết: "Nhà không còn ruộng nên đành phải làm nghề này. May nhờ Bà thương nên mỗi tháng cũng kiếm được vài ba triệu đồng nuôi sắp nhỏ ăn học”. Chị cho biết, hiện 3 con nhỏ của chị đều đang học cấp 1 - 2, tất cả đều trông vào gánh hàng của chị và thu nhập từ nghề vác hàng thuê của chồng.

Lên núi, tôi gặp một cô gái khá trẻ, hỏi thăm, cô cho biết năm nay mới 22 tuổi và mới lập gia đình. “Chồng em cũng làm thuê trên này nên em theo chồng làm luôn. Em bán tranh kỷ niệm, băng đĩa nhạc với lại mấy thứ linh tinh. Vì mới lên núi, chưa quen chào khách nên một ngày bán chẳng được bao nhiêu”, cô gái cho biết.

Rời núi Bà Đen, tôi ra về mà hình ảnh những bước chân nặng nhọc, từng bước leo lên con dốc cao, dài hun hút… cứ đọng mãi trong đầu. Và lòng cứ vậy chùng xuống…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất