| Hotline: 0983.970.780

Ôn thi vào lớp 1: “Cuộc đua” của các phụ huynh

Thứ Hai 31/05/2010 , 10:38 (GMT+7)

Tình trạng cho con đi luyện chữ, luyện thi vào lớp 1 đã không còn xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn. Thậm chí, một số trường tư thục còn tuyển sinh đầu vào lớp 1.

Ảnh minh họa
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo, trẻ đi học sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi. Tuy nhiên, tình trạng cho con đi luyện chữ, luyện thi vào lớp 1 đã không còn xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn. Thậm chí, một số trường tư thục còn tuyển sinh đầu vào lớp 1.

Áp lực học hành đã đến sớm hơn với những cô bé, cậu bé khi chưa đến tuổi đến trường. Và Hà Nội là một trong những địa phương diễn ra tình trạng này.

Các bé bị buộc phải bỏ lớp mầm non để tới những lớp luyện... chữ. Kết thúc lớp luyện chữ thì tới “Câu lạc bộ hè” của ngôi trường tương lai sẽ được học nhằm có “bước đệm cho con vào lớp 1.” Các bậc phụ huynh đang cùng với con mình bước vào “cuộc đua” để giành một suất học lớp 1 như ý.

Lớp 1 đã phải “chọi”

Thời điểm này, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đang phải “chạy” nước rút để các con có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 1.

Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình, Từ Liêm) đã phát hành hồ sơ dự tuyển từ ngày 24/4 và nhận đơn dự tuyển từ ngày 4/5 đến ngày 12/6. Không chỉ dừng lại ở mô hình “dịch vụ giáo dục cao” với chỉ tiêu 30 học sinh/lớp, trường còn có thêm loại hình “lớp quốc tế,” dự kiến tuyển sinh 4 lớp, mỗi lớp 24 học sinh.

Một phụ huynh đang có con theo học lớp 2 tại trường Đoàn Thị Điểm bật mí: “Việc tuyển chọn sẽ được tiến hành theo phương thức kiểm tra trắc nghiệm năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm của học sinh. Điểm xét tuyển là điểm kiểm tra trắc nghiệm lấy từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu gia đình nào có nhu cầu đăng ký cho con học “lớp quốc tế,” sau khi được xét tuyển, các bé còn phải tiếp tục tham dự một đợt kiểm tra khả năng học tiếng Anh rồi mới xếp lớp.”

Một yêu cầu mà hầu như phụ huynh nào cũng buộc phải chấp nhận khi nộp đơn vào Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm là có sức khỏe tốt, không nói ngọng, nói lắp và không có dị tật bẩm sinh.

Năm nay, Trường Dân lập Nguyễn Siêu tuyển sinh 6 lớp 1 mang tên “dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao,” mỗi lớp từ 22 đến 26 học sinh. Dù mức học phí lên tới 140 USD/tháng (tương đương với khoảng 2,7 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền ăn, tiền xe đưa đón học sinh và các khoản khác nhưng để vào học trường này cũng rất khó khăn do “tỷ lệ chọi” cao.

Theo lãnh đạo nhà trường thì đến hết ngày 17/4, trường đã hoàn tất thủ tục bán và nhận hồ sơ vào lớp 1. Hiện có khoảng 500 bộ hồ sơ đăng ký dự thi để chọn ra 130 học sinh vào lớp 1, như vậy tỉ lệ chọi là 1: 2,6. Tỷ lệ “chọi” cao như vậy là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh đua nhau cho con đi học trước.

Ai cũng sợ con mình ít... chữ

Một phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Siêu than thở: “Dù học phí rất cao so với trường công lập nhưng mong muốn cho con được hưởng các dịch vụ giáo dục như ý thì tôi không tiếc. Bây giờ, áp lực học hành là rất lớn, cứ vào lớp 1 là con đã phải biết đọc, biết viết.”

Trên một số diễn dàn như www.webtretho.com hay www.denthan.com, nhiều phụ huynh thường trao đổi kinh nghiệm về việc tìm tài liệu... luyện thi cho con, hay làm sao để giành được một suất cho con vào những trường tư thục “có tiếng” như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn...

Giải pháp được các phụ huynh lựa chọn để con có thể đỗ vào trường Đoàn Thị Điểm là sinh hoạt tại “Câu lạc bộ Tuổi thơ” của trường từ tháng 3.

Một trong số những phụ huynh lựa chọn giải pháp như vậy cho biết, mức học phí một khóa học với 4 buổi/tháng là 500.000 đồng/học sinh, thêm tiền bán trú là 150.000 đồng/học sinh. Hầu hết phụ huynh nộp hồ sơ cho con dự thi vào lớp 1 của trường đều đăng ký lớp học này.

Cùng với hình thức tổ chức “Câu lạc bộ sinh hoạt hè” thông qua các trò chơi, các hoạt động giáo dục giúp các cháu làm quen với môi trường mới của cấp tiểu học, làm quen với chữ cái, với con số, làm quen với môn học tiếng Anh…, Trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn tổ chức hai giai đoạn: từ tháng 3 đến tháng 5 (chỉ học ngày thứ bảy) với tổng mức phí là 3 triệu đồng/học sinh; giai đoạn 2 là tháng 6, các em sẽ sinh hoạt từ thứ hai đến thứ sáu với mức phí là 2,2 triệu đồng/học sinh.

Các trường tiểu học trên lý giải: “Việc nhận học sinh vào câu lạc bộ là để đáp ứng nguyện vọng của các bậc phụ huynh về việc tổ chức vui chơi và quản lý học sinh ở lứa tuổi tiền học đường, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh làm quen với trường tiểu học.”

Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, việc tham gia các câu lạc bộ nhằm vui chơi thì ít, còn áp lực để tiến tới một kỳ thi đầu vào là nhiều. Đối với một số trường có tổ chức thi mà không tổ chức ôn tập thì phụ huynh lại phải tự tìm kiếm lò luyện tư cho con mình. Qua tìm hiểu của phóng viên, một số “lò” luyện tư, thậm chí là trường mầm non tư thục đã mời những giáo viên đang giảng dạy ở trường dân lập “có tiếng” nêu trên để ôn luyện cho các bé.

(Theo Tin tức)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.