| Hotline: 0983.970.780

Ông Chủ tịch '2 trong 1' hết lòng vì người nghèo

Thứ Năm 23/03/2017 , 08:32 (GMT+7)

Hết lòng vì người nghèo, đặc biệt với những cảnh đời học trò chông chênh trên bước đường chinh phục bến bờ tri thức. Đó là nhận xét của nhiều người khi nhắc đến ông Võ Nga (68 tuổi)...

Ông Nga là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Điện Phước, TX Điện Bàn (Quảng Nam).
 

Ăn cơm nhà vác tù và xã

Câu ấy từ lâu vận vào cuộc đời ông Chủ tịch “hai trong một” Võ Nga. Hơn hai thập niên trước, vùng đất Điện Phước nằm tả ngạn bên bãi bờ hạ nguồn sông Vu Gia còn gian khó. Cái nghèo, cái đói như hòn đá tảng ngự trị, đè nặng cuộc sống cơ hàn của bà con. Chính điều này, vô hình trung thành nỗi trăn trở, thôi thúc người đàn ông trung niên thuở ấy, quyết định dấn thân vào con đường mà người khác bĩu môi: “Có tiếng mà không có miếng”.

15-53-39_nh-1
Chân dung ông Chủ tịch “hai trong một” Võ Nga
 

Ông Nga kể, trong cuộc họp chính quyền xã, bầu bổ sung 2 chức danh chủ tịch “làm công không lương”, sau cái lắc đầu từ chối của các ứng viên, ông đã mạnh dạn gánh vác vai trò “thủ lĩnh kép” của Hội Chữ thập đỏ và Hội Khuyến học. Vậy là từ ngày tình nguyện “đeo gông vào cổ”, người cán bộ mẫu mực, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và nhận được sự tin yêu vô ngần của bà con địa phương luôn “chiến đấu” hết mình trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương.

Những chuyến đi ngược xuôi Bắc – Nam đã in đậm dấu chân thiện nguyện, không biết mệt mỏi của người đàn ông sắp bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Đó là cuộc hành trình nối dài chặng đường kết nối yêu thương của “ông bụt” Nga, nhằm kêu gọi sự chung tay giúp đỡ người nghèo. Các đơn vị như Hội đồng hương, Người con xa xứ Điện Bàn, Tổ chức Trẻ em Việt Nam… từ lâu trở thành địa chỉ “đỏ” cho ông đứng ra làm nhịp cầu nối chuyển từng miếng cơm, manh áo đến với hoàn cảnh kém may mắn.

Trong mắt mọi người, ông là ông lão khiêm tốn, giản dị nhất mà họ tiếp xúc. Sẵn sàng vắt cạn tiền trong túi, để mua bảo hiểm cho những người không máu mủ ruột rà, hay thêm thắt vào mỗi suất quà nghĩa tình trao tận tay hộ nghèo, đã trở thành hành động đẹp mà chẳng khi nào ông kể công.

Người dân làng Nông Sơn sẽ chẳng bao giờ lãng quên hình ảnh ông cách đây 8 năm. Chuyện kể rằng, năm 2009, gia đình bà Lê Thị Bích Liên (trú thôn Nông Sơn) lâm cảnh kiệt quệ. Chồng phát cơn tâm thần từ hồi đứa con thứ 2 mới lọt lòng, bà Liên một mình chăm chồng ốm đau, 2 con thơ dại. Bất ngờ vào vụ lúa năm ấy, bà Liên đột nhiên ngã khuỵu rồi liệt nửa người.

Hay tin, ông Nga thất thểu gõ cửa từng nhà, kêu gọi từng người dang rộng vòng tay, cưu mang 4 phận người. Mọi người vẫn nhớ mồn một cảnh ông Nga xắn quần, xắn áo, cầm liềm cắt từng đọt lúa ngã đổ và cùng bà con trong thôn vận chuyển từng nắm thóc được gặt vội về nhà giúp bà Liên giữa cơn bão gió. Nói đến ân nhân, bà Liên nghẹn ngào: “Với ơn đức trời bể của bác, tôi xin nguyện ghi lòng tạc dạ, suốt đời không quên”.
 

Nâng bước học trò nghèo

Không chỉ là “ông đỡ” của bà con nghèo, người đàn ông mái đầu nay đã điểm một màu muối trắng, còn là người cha nâng bước học trò nghèo vượt khó đến trường. Hai cô cậu học trò một thời tưởng như đứt gánh con chữ giữa chừng là Nguyễn Hoàng Gia Bảo và Trương Thị Ánh Diệu là 2 trong số hàng trăm trường hợp may mắn được ông chắp cánh.

15-53-39_nh-2
Ông Võ Nga (phải), trong một hội nghị tổng kết công tác khuyến học khuyến tài

 

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bản thân bị dị tật do di chứng của chất độc da cam, lầm lũi lớn lên trong vô vàn thiếu thốn – đó là cảnh thương tâm của Gia Bảo. Vượt qua bão giông mà cuộc đời sắp đặt, Bảo vẫn đến trường, vẫn đều đặn đứng vị thứ tốp đầu của lớp. May mắn hơn Bảo, Diệu lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Thế nhưng mối lo cơm áo gạo tiền chưa bao giờ thôi đeo bám gia đình Diệu, khi người anh và đứa em út bị khuyết tật từ nhỏ.

Và với cả Diệu lẫn Bảo, cánh cửa giảng đường có lúc như đóng sầm trước mắt, khi hoàn cảnh éo le chẳng khác nào rào cản, ngăn ước vọng nuôi chí lớn chinh phục giấc mơ đại học của hai em. Rồi một “ông bụt” đã xuất hiện đúng lúc, trước mắt Diệu và Bảo.

Chia sẻ với chúng tôi, cô sinh viên hiện đang theo học năm thứ 6 Đại học Y dược Huế không kiềm chế nổi những giọt nước mắt. Diệu xúc động: “Chú Nga là người cha thứ hai của em. Chú đã đem đến phép nhiệm màu biến ước mơ của em thành sự thật. Vì em, chú đã lặn lội tìm đến không ít cơ quan, đơn vị kêu gọi tài trợ học bổng. Những năm qua, nhờ các suất học bổng chú đổ mồ hôi, công sức vận động, em mới được đi học và đang sắp sửa bước chân vào đời”.

Diệu vừa dứt lời, chúng tôi liền lập tức bắt gặp nụ cười khẽ nở trên môi của ông Chủ tịch “hai trong một”. Có lẽ ông mãn nguyện với những gì mình đã làm được, có lẽ ông đã thấy tương lai tươi sáng hơn ở chặng đường phía trước của lớp thế hệ như Diệu và Bảo. Và có lẽ nghiệp “vác tù và hàng tổng” sẽ mãi vận vào câu nói ông từng quả quyết: Chừng nào quê nhà còn người nghèo khó, chừng nào chân còn bước vững thì chừng ấy tôi vẫn còn dốc sức ra đi kêu gọi như mấy chục năm qua.

Nhận xét về người cán bộ cấp dưới, ông Nguyễn Thông, Chủ tịch HCTĐ thị xã Điện Bàn, tấm tắc: “Bao năm lĩnh xướng vai trò Chủ tịch Hội, bác Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và xã Điện Phước nơi bác công tác là đơn vị luôn đi đầu trong các hoạt động của HCTĐ. Vừa qua, bác là cán bộ khuyến học duy nhất cấp xã nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học…”.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất