| Hotline: 0983.970.780

Ông chủ trại trứng sạch

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:25 (GMT+7)

Mới gặp Lâm Thanh Đức, nếu không có lời giới thiệu từ trước, chắc chắn tôi không dám nghĩ anh là một ông chủ trại gà bề thế, với tổng vốn đầu tư đã lên tới hàng chục tỷ đồng.

Mới gặp Lâm Thanh Đức, nếu không có lời giới thiệu từ trước, chắc chắn tôi không dám nghĩ anh là một ông chủ trại gà bề thế, với tổng vốn đầu tư đã lên tới hàng chục tỷ đồng...

Mạnh dạn đầu tư

Dáng người tầm thước, đầy vẻ thư sinh, cách đi đứng, nói năng nhỏ nhẹ của Đức dễ khiến người ta nghĩ ngay tới một tay công chức, nhân viên văn phòng, một thầy giáo. Vậy mà từ nhiều năm nay, Lâm Thanh Đức đã được giới chăn nuôi và người tiêu dùng gần xa biết tới với tư cách một ông chủ trại SX trứng sạch đúng nghĩa ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Trước khi đến với nghề nuôi gà, Lâm Thanh Đức là một thợ may cần mẫn. Thấy nghề may chẳng thể khá lên được, năm 1996, khi đã tích lũy được khoản vốn nhỏ chừng vài triệu bạc, vợ chồng Đức quyết định lao vào nghề nuôi gà.

Khi nghe có người giới thiệu về giống gà siêu thịt mới được nhập khẩu, anh mua liền 20 con về nuôi. Đây là một quyết định hơi liều lĩnh vì khi ấy giống gà này còn chưa phổ biến, đồng nghĩa với việc vợ chồng anh sẽ gặp khó khăn, nhất là khi tiêu thụ.

Quả thực, điều ấy đã xảy ra. Nuôi thành công được 20 con gà siêu thịt ấy, vốn đã là một khó khăn không nhỏ với những kẻ mới chập chững vào nghề và vốn liếng còn quá ít ỏi như vợ chồng Đức, thì chuyện đem chúng đi bán còn nan giải hơn nhiều, vì người tiêu dùng chỉ quen ăn gà ta, chưa quan tâm tới giống gà khác.


Lâm Thanh Đức (phải) bên cái máy đóng dấu nhãn hiệu tự động lên vỏ trứng

Không kiếm được thương lái vào bắt gà, vợ chồng Đức đành phải mang gà đi chào bán khắp nơi. Cũng may, chỗ gà ấy cũng bán hết. Vợ chồng Đức không chỉ thu được cả vốn lẫn lời, mà quan trọng hơn là đã có sự tự tin với kỹ thuật nuôi gà và vỡ vạc ra được những kinh nghiệm thương trường.

Từ đó, anh không chỉ mạnh dạn đầu tư mạnh hơn vào nghề nuôi gà mà còn kiêm luôn cả việc làm đầu mối tiêu thụ gà thịt cho các hộ chăn nuôi khác trong vùng. Làm ăn ngày càng phát đạt, Đức bỏ tiền ra mua đất lập hẳn một trang trại gà, đặt tên là trại Thanh Đức.

Đang làm ăn thuận lợi thì trại gà Thanh Đức gặp “đại họa”. Đó là dịch cúm gia cầm cuối năm 2003. Lúc ấy, trong trang trại Thanh Đức, số gà đẻ trứng đã lên tới 16.000 con cùng với khoảng 10.000 con gà hậu bị. Đó là cả một gia sản lớn. Nhưng vì yêu cầu chống dịch, vợ chồng Đức đành phải ngậm ngùi tự nguyện tiêu hủy toàn bộ đàn gà với mức hỗ trợ chỉ vỏn vẹn 5.000 đ/con.

Tự động hóa khâu nuôi

Sau đại họa ấy, Đức mất gần hết vốn liếng. Nhưng cái máu chăn nuôi đã ngấm vào người, không thể bỏ được. Anh xoay sang nuôi heo. Khi đã có trong tay một đàn heo khá lớn, thì lại gặp bất trắc bởi dịch lở mồm long móng. Đức đành bán hết đàn heo và quay trở lại với nghề nuôi gà nhưng theo một hướng đi hoàn toàn mới: Nuôi gà lấy trứng sạch, an toàn dịch bệnh.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh, Lâm Thanh Đức đầu tư chuồng trại nuôi gà lạnh và tự SX con giống để nuôi trong trang trại. Để đảm bảo có sản phẩm trứng sạch đúng nghĩa (không tồn dư kháng sinh, không vi khuẩn...), anh mua các loại nguyên liệu về tự chế biến thức ăn cho gà.

Khi mua nguyên liệu, Đức thường tự đi chọn lựa loại tốt, đồng thời anh cũng tìm được các chất tạo màu có nguồn gốc tự nhiên. Nhờ đó, thức ăn cho gà ở trang trại Thanh Đức không cần phải trộn thêm kháng sinh mà gà vẫn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp, lòng trứng có màu đẹp.

Không những thế, nhờ tự SX gà con, tự làm thức ăn, giá thành chăn nuôi ở trang trại Thanh Đức đã giảm được tới 15 - 20%. Anh nhẩm tính, hiện nay, mỗi ngày trại gà đang tiêu tốn khoảng 8 tấn thức ăn. Do tự mua nguyên liệu về SX nên rẻ được tới 12 triệu đồng so với việc mua thức ăn công nghiệp. Tính ra, mỗi năm, riêng tiền thức ăn đã tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng.

Không dừng ở đó, Lâm Thanh Đức còn mạnh dạn bỏ rất nhiều tiền để đầu tư các hệ thống tự động hóa trong nuôi gà. Đến nay, trong trại gà của anh, đã có nhiều khâu được tự động hóa như cho gà ăn, thu hồi trứng (dây chuyền đưa từng quả trứng từ chỗ nuôi gà sang tận bên xưởng xử lý trứng), thu hồi phân gà...

Gần đây, Đức đã đầu tư máy tự động đóng dấu nhãn hiệu Thanh Đức lên vỏ quả trứng bằng mực thực phẩm rất an toàn đối với người tiêu dùng. Tôi hỏi: “Anh đã đầu tư hết bao nhiêu cho trại gà này?”. Câu trả lời của Đức khiến tôi không khỏi giật mình: “Đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Sắp tới, tôi sẽ còn đầu tư tiếp để hoàn thiện việc tự động hóa hoàn toàn cho trang trại này”.

Nói rồi, Đức mở Ipad, cho tôi xem cái phần mềm có thể giúp anh luôn theo dõi, kiểm soát được mọi quá trình SX trong trang trại của mình, cho dù lúc ấy anh đang ở bất cứ nơi nào. Đức bảo, sắp tới, anh sẽ đưa chương trình này lên trang Web của trang trại để bất cứ khách hàng nào cũng có thể vào và kiểm tra mọi khâu SX của trang trại.

Lâm Thanh Đức đầu tư lớn cho trang trại của mình, trước hết là nhắm tới những lợi ích lâu dài như tiết kiệm nhân công, điện nước, hao hụt thức ăn... Nhưng mục đích lớn nhất của anh không gì khác ngoài việc sẽ kiểm soát được tốt hơn nữa quy trình SX trứng sạch của mình, từ khâu đầu vào, tới suốt quá trình SX, cho tới đầu ra của sản phẩm.

Qua đó, giữ vững thương hiệu trứng sạch của trại gà Thanh Đức, tạo niềm tin ngày càng lớn hơn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Hiện nay, trại gà Thanh Đức đã có hệ thống 38 điểm phân phối trứng gà sạch ở Đồng Nai và các tỉnh, TP lân cận, đảm bảo tiêu thụ nhanh chóng cho 63.000 quả trứng sạch mà trang trại này làm ra mỗi ngày.

Không những thế, Lâm Thanh Đức cũng đang có quyền tự hào rằng trang trại của anh là nơi duy nhất đã SX được trứng gà sạch xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua một Cty thương mại ở TPHCM. Mỗi tháng, đang có khoảng 100.000 quả trứng gà từ trang trại Thanh Đức được xuất sang thị trường rất khó tính này.

Hiện nay, trang trại Thanh Đức đang có doanh thu rất ấn tượng là khoảng 40 tỷ đồng/năm. Trong đó, dù còn phải tiếp tục đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận mỗi năm vẫn đạt từ 3 - 4 tỷ đồng. Sắp tới, Lâm Thanh Đức sẽ tung ra thị trường sản phẩm trứng gà có chứa Omega 3. Mục tiêu của anh đến năm 2015 là nâng số gà đẻ từ 70.000 con hiện nay lên 150.000 con.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm