| Hotline: 0983.970.780

Ông Đinh La Thăng truy trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế TP HCM

Thứ Tư 27/04/2016 , 06:31 (GMT+7)

"Chậm là không vì cái chung, dân chờ còn các anh cứ ngồi đó", Bí thư Thành ủy TP HCM truy vấn Giám đốc Sở Y tế khi Bệnh viện Củ Chi đã xây xong nhưng nhiều phòng chưa có thiết bị y tế.

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng ngày 26/4, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi) có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỷ đồng, trong đó riêng gói thiết bị y tế là 185 tỷ đồng, còn lại là xây lắp.

Bệnh viện đã được đưa vào sử dụng từ tháng 1, gói thiết bị dự kiến ngày 5/5 Ban quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu. "Tới 10/7 sẽ xong gói thầu và sớm nhất tới tháng 8 mới có thiết bị", ông Phú nói và cho biết lý do chậm trễ là trước đây quyền đấu thầu thiết bị y tế do Sở Y tế nắm. Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, quyền này được giao về cho các bệnh viện huyện và mới bắt đầu lập hồ sơ đấu thầu từ tháng 3 năm nay.

ong-dinh-la-thang-truy-trach-nhiem-giam-doc-so-y-te-tp-hcm
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi và lãnh đạo các sở, ngành về dự án bệnh viện Củ Chi. Ảnh: T.N


Nghe đến đây Bí thư Đinh La Thăng hỏi: "Trước đây sao Sở Y tế, với tư cách chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu thiết bị? Sao giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu? Đầu tư phải đồng bộ. Bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế là sao?"

"Anh Bỉnh đâu? Các anh từng làm văn bản đề nghị UBND thành phố giao cho ai đấu thầu? Người dân đang cần bệnh viện, dân số ngày càng tăng lên. Cả Bình Dương và các khu vực đều đến đây chữa bệnh mà các anh cứ đùn đẩy nhau", ông Thăng quay sang truy vấn Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

Theo ông Bỉnh, việc mở thầu chậm trễ là do chưa xây dựng được cấu hình thiết bị riêng cho Bệnh viện Củ Chi. Về đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư là bệnh viện và ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9/2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để đưa bệnh viện vào vận hành.

"Tuy nhiên do năng lực của bệnh viện hiện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp", ông Bỉnh nói.

Ông Đinh La Thăng hỏi tiếp: "TP HCM có bao nhiêu bệnh viện có 300 giường?". Ông Bỉnh đáp: "31 bệnh viện, Sở y tế cũng có hỗ trợ để xây dựng cấu hình nhưng chưa kịp". 

Bí thư Thành ủy TP HCM truy tiếp: "Vậy sao các anh không lấy cấu hình của các bệnh viện tương tự, chỉnh sửa thêm cho phù hợp? Anh làm chậm mà còn đổ cho cấp dưới là sao? Vai trò của anh ở đâu? Anh đừng nói hỗ trợ mà trách nhiệm của các anh là phải làm".

"Có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của giám đốc Sở Y tế. Anh kiểm điểm xem, anh có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không?", Bí thư Đinh La Thăng hỏi giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

ong-dinh-la-thang-truy-trach-nhiem-giam-doc-so-y-te-tp-hcm-1
Ông Đinh La Thăng thăm hỏi, nói chuyện với người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Củ Chi. Ảnh: T.N


Về nhân sự cho bệnh viện Củ Chi, ông Bỉnh cho biết qua đợt lễ 30/4 khoảng 40 bác sĩ từ các bệnh viện chuyên khoa tại trung tâm thành phố sẽ được điều về đây làm việc. Ngoài việc khám chữa bệnh, đội ngũ này còn có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ trẻ mới ra trường.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý, nếu chỉ điều chuyển bác sĩ theo dạng sáng ôtô chở đi, chiều đưa về là không khả thi. Phải xây nhà công vụ để các bác sĩ yên tâm ở lại làm việc. "Bệnh nhân ở Củ Chi, Bình Dương lên khám thì làm thế nào? Bệnh nhân có ốm theo giờ hành chính đâu, nên phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ", ông Thăng nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác bệnh viện Củ Chi và phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Về phía huyện cũng phải xử lý nghiêm những người có liên quan để xảy ra việc chậm trễ.

"Tôi sẽ theo sát. Cái này rõ ràng có vấn đề trong cung cách hành chính. TP HCM xếp thứ 47/63 tỉnh thành về chỉ số cải cách hành chính. Trong xếp hạng 47 đó, Sở Y tế cũng có góp tương đối nhiều", ông Thăng nói.

 

(vnExpress)

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.