| Hotline: 0983.970.780

"Ông già ôzôn" bị nhũng nhiễu

Thứ Hai 26/04/2010 , 10:22 (GMT+7)

Để nhận được quyền lợi chính đáng, một người nổi tiếng và hiểu biết như ông cũng đang chịu những "đòn" nhũng nhiễu.

TS Nguyễn Văn Khải 
TS Nguyễn Văn Khải mà người dân vẫn quen gọi là "tiến sĩ ôzôn" hay "ông già ôzôn" đủ điều kiện được hưởng chế độ theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, để nhận được quyền lợi chính đáng, một người nổi tiếng và hiểu biết như ông cũng đang chịu những "đòn" nhũng nhiễu. 

Tiến sĩ nếm đòn "hành"

Nhập ngũ ngày 27/12/1971, ông Nguyễn Văn Khải, trú tại 42 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm đã từng chiến đấu trong chiến trường Trị Thiên Huế. Tháng 9/1973 ông được điều động ra Bắc và tiếp tục công tác tại Học viện Hậu cần. Từ tháng 9/1979 đến tháng 5/1985, ông về Tổng cục Chính trị, được cử ra nước ngoài nghiên cứu sinh và trở thành Phó tiến sĩ tại Học viện Quân sự Waszawa, Ba Lan.

Về nước, ông được phong hàm thiếu tá, làm việc tại Phân viện Vật lý kỹ thuật, Viện kĩ thuật quân sự. Cho đến tháng 10/1987 thì chuyển ngành. Tính đến thời điểm này tổng thời gian công tác liên tục trong quân đội của ông được 15 năm 11 tháng. Cả quá trình công tác của ông đã được Đại tá Trần Đức Long, Trưởng phòng Chính trị, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự xác nhận. Ngoài ra, còn có xác nhận của Thiếu tướng Lê Mã Lương, từng là thủ trưởng cũ, trực tiếp tiếp nhận ông Khải về tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 304.

Ngày 24/3/2009, ông Nguyễn Văn Khải đã mang hồ sơ quá trình hoạt động trong quân ngũ tới UBND phường Trần Hưng Đạo để làm thủ tục hưởng chế độ “quân nhân tham gia kháng chiến chống Mĩ”. Ông Khải cho biết, sau khi nộp hồ sơ khoảng 3 tháng, ông ra phường hỏi thì được trả lời phải làm bản sao giấy quyết định chuyển ngành. Quay về đơn vị cũ xin bản sao giấy chuyển ngành để nộp rồi, cán bộ phường lại bảo trên Ban chỉ huy quân sự quận yêu cầu phải có giấy xác nhận khi chuyển ngành chưa lĩnh lương hưu và chưa hưởng tiêu chuẩn của người có công tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Lại một lần nữa, ông Khải phải về đơn vị cũ xin xác nhận chưa được hưởng tiêu chuẩn người có công và cũng chưa hưởng “lương hưu” vì sau khi chuyển ngành vẫn tiếp tục công tác tại Sở Khoa học Công nghệ TP. Hà Nội. Ngày 5/7/2009, bổ sung thêm hồ sơ, cán bộ phường lại đòi phải có thêm giấy xác nhận của cơ quan cuối cùng (đơn vị dân sự) là: Chưa hưởng lương hưu và tiêu chuẩn người tham gia kháng chiến chống Mĩ. May mắn vì gặp giám đốc Sở là học trò cũ từ 42 năm trước nên ông nhanh chóng có được giấy xác nhận và nộp vào ngày 16/7. Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, ngày 7/9 cán bộ phường lại đòi phải có giấy xác nhận của từng đơn vị mà ông Khải đã công tác. Vẫn nhẫn nại, ông tới từng đơn vị cũ để xin giấy xác nhận để nộp vào ngày 04/10. Vậy nhưng, hành trình “chạy” hồ sơ của ông Khải vẫn chưa đủ để được hưởng chính sách…

Vì sao phải đi tìm điều đã biết?

Để làm rõ trường hợp khiếu nại của ông Nguyễn Văn Khải, phóng viên NNVN đã trao đổi với thượng uý Vũ Đức Tuấn, Ban Chính trị Quận đội Hoàn Kiếm, người được giao nhiệm vụ “tri ân” với những người có công. Giải thích về việc vì sao ông Khải vẫn không được hưởng chế độ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ, ông Tuấn một mực cho rằng hồ sơ của ông Khải không hợp lý ở chỗ ông chuyển từ Viện Kĩ thuật Quân sự, Tổng cục Kĩ thuật sang Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học nhưng giấy xác nhận chuyển ngành lại là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự.

Trong trường hợp đơn vị đổi tên thì ông Khải phải xin xác nhận là đơn vị trước đây đã đổi tên. Hơn nữa, năm 1987 ông Khải chuyển ngành sang dân sự thì phải có giấy chuyển đơn vị cũ và giấy tiếp nhận của đơn vị chuyển tới. Ở đây chỉ có Giấy xác nhận của Sở KH&CN HN là ông Khải công tác từ tháng 9/1988 - 3/1990 chưa nhận chế độ từ ngân sách nhưng từ đó đến nay ông Khải có công tác ở đâu, đã được hưởng lương chưa thì chúng tôi không biết.

Những “băn khoăn” của thượng uý Tuấn thực chất chỉ là để khoả lấp đi hành trình 14 tháng “chạy” hồ sơ dài dằng dặc. Bởi nỗi “băn khoăn” thứ nhất đã được Đại tá Trần Đức Long giải đáp ngay dòng nội dung đầu tiên Giấy xác nhận: “Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng giai đoạn từ năm 1985-1987 có tên gọi là Viện Kĩ thuật quân sự”. Kế đến nỗi “băn khoăn” thứ hai, cán bộ Tuấn đòi chứng minh mối liên hệ chuyển tiếp giữa Viện Kĩ thuật quân sự với Sở KH & CN là một đòi hỏi hết sức vô lý. Vì lúc này thời gian quân ngũ của ông Khải đã hoàn toàn chấm dứt, Quận đội Hoàn Kiếm chỉ cần làm thủ tục trả lương chính sách theo đúng thời gian 15 năm 11 tháng, đâu cần phải tìm hiểu sau khi ra quân ông Khải làm gì?

Việc ông Khải lấy giấy xác nhận của Sở KH & CN chỉ để khẳng định sau khi nghỉ ở cơ quan cuối cùng này cơ quan ông vẫn chưa làm chế độ để ông hưởng lương từ ngân sách. Nhưng ông Tuấn vẫn “băn khoăn” rằng nếu sau năm 1990, ông Khải tiếp tục đi làm và biết đâu đã và đang hưởng lương ngân sách ở một cơ quan nào đó thì có lẽ ông nên tự vận động tư duy để tìm hiểu. Theo lý lịch, ông Khải sinh năm 1948, đã bước sang tuổi 62 thì đương nhiên không thuộc đối tượng độ tuổi lao động, không thể đang hưởng lương ngân sách.

Trong cả quá trình hoàn thiện hồ sơ, các cán bộ Phường đội, Quận đội luôn bắt ông Khải xin giấy chứng nhận chưa hưởng lương hưu hay chế độ người có công của nhiều cơ quan khác nhau là điều đặc biệt vô lý. Cho tới nay tất cả chế độ, chính sách từ hưu trí đến người có công đều chuyển về lĩnh tại địa phương, vậy hơn ai hết UBND phường là đơn vị nắm rõ nhất. "Hành" ông Khải đi khắp nơi để chứng minh một điều đã biết để điều gì?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.