| Hotline: 0983.970.780

Ông Hoàng “mê” lan

Thứ Ba 10/12/2013 , 11:40 (GMT+7)

Nông dân Phan Tấn Hoàng (phường An Hòa, TP. Huế) triển khai mô hình trồng lan theo công nghệ mới đầu tiên ở tỉnh TT- Huế…

Nông dân Phan Tấn Hoàng (phường An Hòa, TP. Huế) triển khai mô hình trồng lan theo công nghệ mới đầu tiên ở tỉnh TT- Huế…

Trong khi diện tích đất nông nghiệp ở các phố phường ngày càng thu hẹp, trong những năm qua, người dân ở TP. Huế đã tìm ra cho mình những mô hình SX mới, phù hợp với điều kiện địa phương cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho từng hộ gia đình.

Dẫn chúng tôi ra vườn lan, ông Phan Tấn Hoàng say sưa nói về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng lan theo công nghệ mới của các địa phương, các nước mà ông đã học được từ việc tham quan, tìm hiểu qua sách vở, internet. Hơn 10 năm theo đuổi với nghề “quý tộc” này, hiện ông Hoàng đã sở hữu một vườn lan với gần 20 nghìn gốc các loại, có giá trị hàng trăm triệu đồng.


Vườn lan theo công nghệ mới của ông Hoàng

Ông kể về “cơ duyên” đến với nghề trồng lan: “Tui vốn đam mê và yêu thích cây cảnh, trong đó hoa lan luôn là niềm thích thú từ nhỏ. Từ việc “sưu tầm” lan ở bạn bè, thấy họ trồng thì mình cũng thích thử xem. Đến năm 2004, tui mới bắt tay vào nghề trồng và chơi lan. Ban đầu tui trồng theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, chủ yếu dùng than để trồng trong chậu đất nung, với số lượng chỉ từ 300 - 400 chậu lan mỗi năm”.

Các loại lan ông Hoàng trồng khá đa dạng với các chủng loại như đại hồ điệp, vũ nữ, nghênh xuân, đen rô, maccara, vanđa… Sau thời gian trồng, ông Hoàng nhận ra rằng, trồng lan theo kiểu truyền thống mất rất nhiều công sức và thời gian sinh trưởng đến lúc ra hoa kéo dài hơn so với kiểu trồng theo công nghệ mới hiện nay, dẫn đến chi phí SX cũng không nhỏ.

Thế là ông bắt đầu mày mò, tìm hiểu kỹ thuật, bí quyết trồng lan theo công nghệ mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tùy theo điều kiện từng vùng, theo ông Hoàng, thời tiết ở Huế không mấy thuận lợi cho việc trồng lan do vào mùa nắng thì như đổ lửa, mùa mưa lại dầm dề, kéo dài. Để trồng được lan với số lượng lớn phải có hệ thống lưới tự chắn phù hợp điều kiện thời tiết từng mùa.

Ban đầu, ông phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm từ việc đọc, thu thập tài liệu qua sách vở, internet. Hàng tháng ròng rã ông bỏ thời gian và tiền của đi tham quan các mô hình trồng lan từ các địa phương phía Nam, thậm chí phải ra nước ngoài là Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm.

Sau thời gian chuẩn bị, ông chọn mô hình trồng lan theo công nghệ mới của Đài Loan, Thái Lan bởi theo ông Hoàng, mô hình này cho nhiều ưu điểm hơn theo kiểu trồng truyền thống.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng lan theo công nghệ mới, ông Hoàng cho biết: Phương thức trồng chủ yếu sử dụng dớn mềm và chậu ni lông để ươm trồng, với thời gian từ khi lấy cây mô ra đến lúc ra hoa mất khoảng 18 tháng, ngắn hơn nhiều so với thời gian ươm trồng truyền thống.

Phương thức này có ưu điểm là tiết kiệm được đơn vị diện tích cây trồng, khi vận chuyển thuận lợi hơn. Mô hình trồng lan này cũng tranh thủ được thời gian sau công việc chính, vừa nâng cao thu nhập cho người trồng. Với mô hình này, ngoài chi phí, công chăm sóc, mỗi năm ông Hoàng cũng thu được từ 50 - 60 triệu đồng.

Năm nay, để chuẩn bị cho “mùa” Tết Giáp Ngọ, ông Hoàng đã ươm trồng và sắp “cho ra lò” 1.000 - 2.000 chậu lan các loại như nghênh xuân, den rô, đại hồ điệp, vũ nữ. Thời tiết năm nay, theo ông Hoàng cũng khá thuận lợi cho người trồng lan, hứa hẹn một mùa lan đẹp bán trong dịp tết. 

Ông Hoàng cho rằng, trồng lan để “chơi cảnh” thì dễ, nhưng trồng công nghệ cao, mang tính hàng hóa thì không đơn giản chút nào bởi vốn đầu tư khá lớn, phải tính toán kỹ không thua lỗ. Chia sẻ những bước đi trong thời gian tới, ông Hoàng cho biết: “Thử nghiệm, rút kinh nghiệm, trang bị kiến thức cũng đủ cả rồi. Thời gian tới, nếu có điều kiện kinh tế, mặt bằng, sẽ đầu tư thêm mở rộng mô hình nuôi lan theo công nghệ mới mang tính hàng hóa cao.

Trong nghề trồng lan theo công nghệ mới, cái khó là nguồn giống, công nghệ, khoa học kỹ thuật, người trồng lan phải học hỏi, phụ thuộc từ nước ngoài nên không thể chủ động được. Trong khi đó trồng theo công nghệ mới ở nước ta chưa phát triển mạnh bằng các nước”.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.