| Hotline: 0983.970.780

Ông Khoa "bò thịt"

Thứ Hai 30/12/2013 , 10:25 (GMT+7)

Phép tính đơn giản nhất nếu theo giá tại thời điểm bình quân trên 30 triệu đồng/con bò thịt thì trang trại của ông Khoa hiện có khoảng trên 4 tỷ đồng.

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Đinh Văn Khoa ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), nơi mà gần 2 năm qua ông được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội trợ giúp về kỹ thuật xây dựng trang trại chăn nuôi.

Chúng tôi cũng ngỡ ngàng sau một thời gian ngắn đã có một trang trại chăn nuôi khá hiệu quả, nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản song khi vào trực tiếp chuồng nuôi mới thấy một cơ ngơi chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, tiềm lực lớn.

Lãi ròng 600 triệu/năm

130 con bò thịt chất lượng cao, 36 bò sữa, bê sữa, con nào con ấy béo căng tròn mà lòng thấy cảm phục về một người nông dân thực thụ dám nghĩ, dám làm. Phép tính đơn giản nhất nếu theo giá tại thời điểm bình quân trên 30 triệu đồng/con bò thịt thì trang trại của ông hiện có khoảng trên 4 tỷ đồng.

Phương thức ông nuôi bò thịt chủ yếu nuôi bò vỗ béo và một phần nhỏ (khoảng 30 con) nuôi bò sinh sản để thường xuyên bổ sung nguồn và có thêm kinh nghiệm nuôi bò sinh sản. Hỏi tại sao ông chọn phương thức này, ông nói nuôi vỗ béo vốn tuy lớn nhưng lại thu hồi và quay vòng vốn nhanh vì nuôi bò vỗ béo có nhiều lợi thế về đầu vào, đầu ra, thời gian nuôi ngắn, chỉ trong vòng 3 - 4 tháng là xuất bán được.

Hơn nữa nuôi vỗ béo giảm được nhân công lao động, không phải cho bò đi chăn thả, vận động nhiều, chỉ nuôi trong chuồng trong thời gian vài tháng là cho thu nhập được. Về kỹ thuật, mới đầu chưa có kinh nghiệm chủ yếu ông đi chọn bò già yếu kể cả bò loại thải về vỗ béo, sau thời gian thấy hiệu quả không cao, ông chuyển sang nuôi vỗ béo loại bò chất lượng cao.

Hiệu quả rõ ràng nên giờ đây ông tập trung đi theo hướng đó, chọn bò chất lượng cao về nuôi như các giống Droughtmater, Brahman, BBB… Tuy giá thành nhập cao nhưng nuôi rất nhanh lớn, sức đề kháng cao, bò ít bị ốm đau, bệnh tật. Việc nhập giống bò này cũng có nhiều thuận lợi vì mấy năm nay trên địa bàn Thành phố do có chính sách miễn phí thụ tinh nhân tạo bò thịt.


Ông Khoa chăm sóc đàn bò thịt

Các giống bò này nếu cho ăn uống tốt theo đúng quy trình thì lớn rất nhanh, có thể lên tới 0,7 - 1 kg/ngày nên từ lúc nhập về đến thời điểm xuất chuồng (trong vòng khoảng trên dưới 4 tháng) bò có trọng lượng khá lớn và dễ bán.

Bên cạnh xã Quang Lãng là xã Tri Thủy có nhiều hộ hành nghề kinh doanh giết mổ bò nên việc tiêu thụ bò thịt ở khu vực đó rất thuận lợi. Việc nuôi bò vỗ béo trong trang trại phải nhập, xuất thường xuyên nên ông rất chú ý khâu vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhất là việc tiêm phòng, vệ sinh cơ giới, sử dụng thuốc sát trùng trong khu vực chuồng nuôi.

Ông cũng rất chú ý việc sử dụng thức ăn để đảm bảo số lượng nuôi nhiều bò song không bị hẫng hụt về thức ăn. Ông cho ủ nhiều thức ăn các loại, đến mùa gặt thu mua rơm của bà con xung quanh về để ủ với urê nên đáp ứng nhu cầu thức ăn hàng ngày cho số lượng bò trên.

Nói về hiệu quả, ông phấn khởi cho biết mỗi bò mua về sau thời gian vỗ béo thường có lãi khoảng từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/tháng sau khi đã trừ chi phí. Như vậy, mỗi bò khi vỗ béo trong vòng 3 - 4 tháng ông có lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng/con. Năm qua hạch toán sơ bộ ông có nguồn thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ toàn bộ chi phí. Như vậy tổng thu nhập trong năm trên 600 triệu đồng. Số tiền trên ông lại tiếp tục dùng để nhập thêm bò.

Sẽ xây dựng chuỗi liên kết khép kín

Mấy tháng nay, ông nhập cả bò sữa về để nuôi thử, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm để năm tới ông có thể mở rộng nuôi bò sữa, hiện ông đã có 36 bò, bê sữa nuôi trong khu chuồng riêng biệt gần sát ven sông, với quy mô chuồng nuôi trên 50 con. Ông chia sẻ, nuôi bò sữa khó hơn vì phải cho ăn nhiều thức ăn tinh và cỏ chất lượng cao bò mới cho ra sữa và lớn nhanh, mặt khác khả năng kháng bệnh bò sữa không tốt như bò thịt.

Về kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt vỗ béo, theo ông, việc đầu tiên là chọn giống mới nuôi nhanh lớn, sau là phải đảm bảo thức ăn không để đói; nhất là vào mùa đông thường thiếu thức ăn nên phải có biện pháp dự trữ thích hợp. Việc cho ăn chú ý phối hợp đúng khẩu phần giữa thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, đảm bảo đủ lượng nước uống cho bò, không cần cho chúng vận động nhiều. Bên cạnh thức ăn tinh phải bổ sung các loại khoáng chất vào thức ăn hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho bò. Đồng thời phải tiêm phòng đầy đủ, tẩy giun, sán trước khi thực hiện quy trình vỗ béo.

Do có diện tích rộng, bên cạnh nuôi bò ông phát triển nuôi thêm giun quế để giúp cho việc tiêu hủy phân bò vì lượng phân hàng ngày thải ra rất lớn. Hiện ông nuôi giun quế khoảng 500 m2, thu nhập từ giun cũng khá tốt, như ông nói cũng được gần 8 triệu đồng/tháng.

Ông cũng đầu tư thêm diện tích khoảng trên 300 m2 xây dựng chuồng trại để nuôi trên 1.000 gà giống mới, sau gần một năm nuôi đã có thu nhập bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Như vậy với quy mô trang trại trong diện tích khoảng 7 ha như hiện tại chăn nuôi bò thịt, gà và giun ông có thu nhập bình quân khoảng trên dưới 70 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí đầu vào và nhân công lao động (hiện tại ông chỉ thuê khoảng 4 - 5 người làm công). Một thu nhập khá cao so với SX nông nghiệp nhất là trong chăn nuôi như giai đoạn hiện nay ở một huyện ngoại thành.

Hỏi tại sao chọn và đầu tư vào chăn nuôi, ông Khoa chia sẻ, vì bản thân xuất phát từ người nông dân thực thụ, vài năm ở quân ngũ đã giúp ông đam mê với công việc tìm tòi và khám phá cách làm mới. Ông thấy đầu tư cho chăn nuôi bò thịt hiệu quả vì nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao. Hơn nữa chăn nuôi bò thịt đơn giản, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, nhất là ở xã còn trồng lúa nhiều nên mùa vụ thu mua được nhiều rơm, bà con đỡ phải đem đốt vừa có thu nhập thêm kinh tế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với cách làm hiệu quả, tiếng lành đồn xa, năm qua ông cũng đã đón vài trăm bà con nông dân chăn nuôi trên địa bàn Thành phố cũng như các tỉnh đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Ông thấy rất vui vì làm được những điều giúp bà con cùng phát triển và làm giàu trên chính quê hương mình.

Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi bò, giun quế và gà ông cũng thường gặp những khó khăn như việc đi tìm mua bò về vỗ béo giá cả không ổn định, khi mua thường mua từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên mất nhiều thời gian, hơn nữa bò không đồng đều khi về trang trại gặp khó khăn trong việc phân loại để chăm sóc nuôi dưỡng.

Mặt khác giá cả thức ăn tinh trong chăn nuôi biến động nhiều, không ổn định. Hiện tại ở vùng Phú Xuyên chăn nuôi quy mô lớn chưa phát triển mạnh nên chưa hình thành các nhóm hộ hay HTX chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào cũng như việc hợp tác phát triển đầu ra còn gặp nhiều khó khăn.

Định hướng trong thời thời gian tới như ông trao đổi sẽ là tiếp tục phát triển chăn nuôi bò thịt và có kế hoạch xây dựng lò mổ để tạo chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2014 và những năm tới ông dự kiến nâng đàn khoảng trên 200 bò thịt, bò sữa, 5.000 gà và 1.000 m2 nuôi giun quế, 1.000 m2 nuôi cá nhằm tận dụng chất thải từ nuôi bò.

Ông Khoa rất mong muốn Thành phố đầu tư hỗ trợ về các chi phí giết mổ cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để tạo các sản phẩm có giá trị và thuận lợi trong tiêu thụ. Có như vậy chăn nuôi mới phát triển hiệu quả, bền vững.

Đồng thời muốn được thuê diện tích đất trang trại ông đang phát triển được lâu dài khoảng 30 năm trở lên (hiện tại đang thuê 15 năm) để ó sự đầu tư lớn hơn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chắc chắn mô hình chăn nuôi bò thịt như ông Khoa sẽ được nhân rộng trong thời gian tới ở nhiều vùng góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò thịt phát triển.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất