| Hotline: 0983.970.780

Ong ký sinh trừ rệp sáp bột hồng hại sắn

Thứ Tư 24/06/2015 , 06:12 (GMT+7)

Rệp sáp bột hồng đang lây lan nhanh gây hại trên cây sắn ở Phú Yên. Đây là sâu hại nguy hiểm rất khó phòng trừ và là đối tượng dịch hại mới ở VN.

TS. Ignazio Graziosi, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (CIAT-Asia) đã đến Phú Yên nghiên cứu mức độ gây hại và cách phòng trừ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá ra sao tình trạng gây hại của rệp sáp bột hồng ở Phú Yên?

Sự xâm nhập của rệp sáp bột hồng vào VN là điều mà chúng tôi đã dự báo trước, đặc biệt ở Phú Yên và Tây Ninh.

Đây là dịch hại ngoại lai nên chúng rất khỏe mạnh và không bị thiên địch tiêu diệt. Rệp sáp bột hồng tăng mạnh về số lượng trong suốt thời kỳ đầu của mùa khô, gây thiệt hại cục bộ, đặc biệt ở những vùng khô hạn.

Trời mưa làm giảm sự gây hại bằng cách rửa trôi sâu hại trên cây và giảm nhẹ thiệt hại do nước làm tăng cường sức khỏe của cây trồng. Hơn nữa, ở nhiều ruộng mà chúng tôi quan sát cũng bị hại nặng do nhện đỏ gây ra, đây cũng là một dịch hại khác của cây sắn.

Nhện đỏ gây hại mặt dưới lá sắn, chúng chích hút gây vàng, xoăn và rụng lá sắn.

Với tư cách là một nhà khoa học, theo ông cần làm gì để ngăn chặn sự phát triển của rệp sáp bột hồng?

CIAT-Asia tin tưởng rằng điều quan trọng là không phải chỉ dựa hoàn toàn vào việc dùng thuốc trừ sâu và tiêu hủy cây bị hại, bởi điều này làm tăng chi phí SX cho nông dân và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Biện pháp đó không thể làm giảm sự phát tán của rệp sáp bột hồng và không là giải pháp lâu dài.

Đặc biệt, chúng tôi không khuyến cáo biện pháp phòng ngừa rệp sáp bằng thuốc trừ sâu lưu dẫn, như ngâm hom trong dung dịch thuốc Neo-nicotinoid, bởi vì chúng sẽ phá vỡ hệ sinh thái đồng ruộng và làm cho ruộng sắn có nhiều nguy cơ hơn dịch hại khác.

Ngoài ra, điều kiện đất đai nghèo làm trầm trọng thêm sự thiệt hại do cây trồng bị kiệt sức.

Do đó, chúng tôi tin rằng việc đầu tiên nên làm là phải quản lý đồng ruộng tốt hơn, để gia tăng sức khỏe cây trồng. Bón phân hữu cơ, luân canh và xen canh là các giải pháp sẽ làm giảm sự gây hại của sâu bệnh, bao gồm cả rệp sáp bột hồng.

CIAT-Asia khuyến cáo áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM dựa vào biện pháp sinh học, đặc biệt là sử dụng ong ký sinh Anagyrus lopezi phòng trừ rệp sáp bột hồng.

 Biện pháp này đã áp dụng thành công ở Thái Lan và đang được triển khai ở tỉnh Tây Ninh của VN. Sự thiết lập quần thể ong ký sinh ngoài đồng sẽ làm giảm sự bộc phát của rệp sáp bột hồng.

Được biết CIAT-Asia đang nghiên cứu sử dụng loại ong ký sinh mới là biện pháp phòng trừ sinh học hữu hiệu đối với rệp sáp bột hồng. Với loài ong ký sinh mới này, liệu có thể khống chế rệp sáp bột hồng?

Biện pháp sinh học dùng ong Anagyrus lopezi phòng trừ rệp sáp bột hồng rất khả thi. Ong được du nhập thành công vào VN bằng một Dự án của FAO phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật.

Ong có khả năng phát tán rất rộng theo sau sự gây hại của rệp sáp bột hồng. Qua các mẫu vừa thu được chúng tôi khẳng định rằng ong Anagyrus lopezi đã hiện diện ở Phú Yên, mặc dù với mật độ không cao.

Ong cần thời gian để thiết lập quần thể và phát triển mật độ cao để khống chế thành công rệp sáp bột hồng.

Vì vậy, việc tiêu hủy ruộng sắn, phun thuốc trừ sâu (diệt rệp sáp bột hồng và cả ong ký sinh) sẽ ngăn cản ong ký sinh nhân rộng số lượng, thậm chí ngăn cản hay làm chậm sự khống chế rệp sáp bột hồng.

Việc cần làm là đánh giá sự hiện diện của ong Anagyrus lopezi bằng cách thu thập cây sắn bị hại từ những ruộng khác nhau, đồng thời đánh giá mức độ ký sinh.

Nếu số ong ký sinh quá thấp, có thể xem xét đưa nguồn ong đang được nhân nuôi tại Tây Ninh để thả trên ruộng sắn vào giữa mùa khô.

Đồng thời tìm ra nguyên nhân thích hợp cho các hoạt động sống và phát triển quần thể của ong A lopezi trên ruộng sắn.

Chúng ta không cần tiến hành các hoạt động nhân nuôi cho đến khi biết được sự đóng góp trong tự nhiên mà quần thể ong sẽ đem lại trong thời gian ngắn.

Chúng tôi tin rằng áp dụng cơ chế của quan hệ dịch hại - thiên địch và sử dụng những kiến thức sẵn có là một giải pháp bền vững và hiệu quả để đối phó với tình trạng rệp sáp bột hồng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.