| Hotline: 0983.970.780

Ông lang nghèo và món nợ rừng xanh

Thứ Sáu 25/02/2011 , 10:04 (GMT+7)

Người bệnh sau khi được chữa khỏi muốn tạ lễ nhưng thường ông chỉ xin một con dao. Hỏi, ông bảo để trả nợ rừng.

Người bệnh sau khi được chữa khỏi muốn tạ lễ nhưng thường ông chỉ xin một con dao. Hỏi, ông bảo để trả nợ rừng.

>> Những thầy thuốc ít được vinh danh

Thầy lang Toọc moong

Vẫn biết ở lẩn khuất giữa những xứ Mường là các bậc cao nhân về nghề thuốc đông y nhưng tôi cũng chẳng thể ngờ là một thầy mo năm nay đã 83 tuổi vẫn nắm trong tay hàng chục bài thuốc gia truyền kỳ bí đến thế. Càng ngỡ ngàng hơn khi ở thời đại “nhất y nhì dược”, một bác sĩ có khi kiếm hàng chục triệu mỗi ngày thì thầy lang cứu nhân độ thế hành nghề mấy chục năm này lại chịu một cuộc sống nghèo khổ vào loại nhất nhì bản. Những câu chuyện tựa như hoang đường về ông khiến tôi cất bước đến tìm nhưng trong thâm tâm vẫn sờ sợ lỡ gặp phải… lang băm. Chỉ đến lúc ngồi với ông trong căn nhà sàn cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa toàn nhà xây ở bản Mè, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) mới phần nào yên tâm bởi ở ông có sự tinh anh và đức độ.

Đầu bạc trắng, giọng nói ấm vang, ông Đinh Văn Hồng (83 tuổi) mở đầu câu chuyện trở thành lang y từ những bài thuốc gia truyền và món nợ với rừng nghe lạ lắm. “Với người Mường, rừng là kho thuốc quý khổng lồ. Tất cả đều nhờ rừng mà có cả. Tôi chỉ là người biết thuốc thôi. Còn người bệnh muốn tạ lễ thì hãy tạ với rừng”.

Trong ký ức ông lão này, ngày 27 tháng 12 âm lịch hàng năm bà con người Mường lấy làm ngày “đóng cửa rừng”. Từ ngày đóng cửa rừng cho đến ngày mở cửa rừng (quãng từ mồng 7 đến 15 tháng Giêng) tuỳ theo thầy mo chọn được ngày tốt thì làm lễ mở cửa rừng còn gọi là lễ “Toọc moong”. Trong ngày lễ mở cửa rừng, dân bản tụ tập lại một khu đất trong rừng để làm lễ. Khi thầy mo làm lễ xong, trai tráng khỏe mạnh thúc chó vào rừng săn thú, đàn ông, đàn bà luống tuổi cùng các cô gái tỏa đi hái rau, hái thuốc…

 Ban đêm khi tiệc đã tàn, bà con cùng vui múa hát, nghe kể sử thi Mo Mường và đoán lá cây. Lá cây được ông trưởng họ, trưởng bản hoặc các thầy mo xếp kín trong những chiếc giỏ to. Người đoán lá chỉ là trai gái chưa vợ chưa chồng, còn trọng tài là các vị trưởng lão. Mỗi lá cây được đưa ra đố, trai gái thi nhau trả lời. Ai đoán được nhiều loại lá nhất được thưởng cho cả một chiếc vòng tay bằng bạc. Có lẽ vì tục đoán lá này mà người Mường rất giỏi về các bài thuốc nam, giỏi tìm kiếm các loại gỗ quý và sản sinh ra nhiều thầy lang giỏi thuốc nam. Người bệnh trọng mà chữa khỏi thường nhận thầy lang là cha mẹ nuôi hoặc anh em kết nghĩa “sống tết, chết giỗ”.

Không biết từ đời nào, thế hệ trước gia đình ông Hồng trở thành thầy lang nhờ tài đoán lá thuốc trong những lần Toọc moong như thế. Đó là cái ngày mà cả gia đình ông còn sống ở quê cũ lẩn khuất giữa bốn bề là núi trên xã Tiền Phong (Đà Bắc). Cái ngày mà ông cụ thân sinh truyền nghề cho ông chỉ với ước nguyện mong ông chữa bệnh cứu người vì dân trong bản làng nghèo quá. Về tài thuốc, ngay bản thân ông cũng chẳng thể thống kê nổi bao nhiêu bài có thể cứu người, chỉ biết là nhiều lắm. Đâu chừng 30-40 gì đấy. Những bài thuốc chữa bệnh theo đủ kiểu, từ chữa mẹo đến chữa bằng lá cây, rễ cây rừng… Nhưng ông “khoái” nhất là mình có thể chữa được bệnh phong, thứ bệnh trở thành nỗi ám ảnh của người Mường xứ này suốt một thời gian dài với tên gọi rợn cả người: bệnh hủi.

Tài chữa hủi của ông Hồng được chính ông Xa Văn Thắng, Bí thư chi bộ xóm Mè xác nhận. Chẳng là thằng Thiệu con trai ông, cách đây 2 năm tự nhiên bị ngứa ở bàn tay. Dần dần vết ngứa cứ sưng lên rồi lở loét. Dân bản bảo thằng Thiện bị bệnh hủi nhưng chẳng ai biết chữa như thế nào. Người Mường xưa nay sợ hủi lắm. Họ cho đó là ma rừng bắt tội vì vi phạm điều gì với rừng rồi nên ma rừng về trả thù. Căn bệnh này hành hạ Thiệu hơn một năm trời. Một hôm Thiệu lên nhà ông Hồng chơi. Thấy thằng bé cứ gãi liên tục ông xem rồi trấn an: Để đó tao.

Lưng dắt dao quắm ông lặn lội lên rừng. Bằng những kiến thức về thuốc ông lặn lội khắp núi rừng Hang Mẹ, sang rừng Cái rồi về cả bản cũ để tìm thuốc. Một thời gian sau tay Thiệu lên da non rồi lành hẳn. Thiệu lành bệnh, ông Tân ở xóm Tôm, xã Tu Lý bị bệnh hủi ăn cùn cả đôi bàn chân và đôi bàn tay lại tìm đến. Ông Hồng lại lên rừng để ông Tân khỏi bệnh. Từ đó, con ma hủi không còn là nỗi ám ảnh của vùng cao Đà Bắc này nữa.

Địa chỉ của người nghèo

Trở lại chuyện nghèo của ông lang nổi tiếng bậc nhất Đà Bắc này cũng lắm điều phải nghĩ. Lúc tôi đến ông đang lo chống rét cho mấy con trâu bởi đó là tài sản duy nhất có giá trị. Sao không lấy tiền công chữa bệnh mà trang trải cuộc sống? Ông Hồng nhìn lên đỉnh Hang Mẹ như muốn thay cho câu trả lời. Thường thì mỗi lần chữa bệnh cho người ta ông chỉ xin họ trả công một con dao. Và có lẽ đây cũng là lý do khiến gia đình lão nghèo dù người bệnh khắp nơi ngày ngày tìm đến nườm nượp.

 “Cành cây, ngọn cỏ đều là của rừng. Mỗi lần muốn chữa bệnh cho người ta thì phải vác dao lên rừng làm lễ rồi xin thuốc. Xin của rừng thì khi xong việc phải trả lại cho rừng thôi. Con dao tôi trả lại cho rừng ngoài sự biết ơn rừng ban thuốc quý còn là phong tục thể hiện sự tôn kính đối với rừng nữa”. Ra thế, với quan niệm của người Mường thì rừng cũng có linh hồn, có sức sống, tình cảm như chính con người vậy. Chẳng trách trong câu chuyện với tôi ông Hồng cứ buồn buồn mỗi khi nhắc đến sự ban ơn của núi rừng. “Rừng ngày càng cạn kiệt. Người ta đốt nương làm rẫy, cháy rừng nhiều quá. Những cây thuốc quý vì thế cũng ít dần đi. Có khi đi cả ngày trời mà chẳng kiếm nổi một vị thuốc mình cần tìm”.

Đang nhâm nhi chén rượu thì thằng cháu ngoại ông bị hóc xương cá. Mặt mày nó tái xanh, tái mét. Ông bình tĩnh cầm chén nước nguội “mằn” (đọc mẹo) rồi đưa cho đứa cháu uống. Uống xong, ông dùng ngón trỏ miết ba cái vào cổ đứa cháu thì lập tức thằng bé nhổ luôn được cái xương cá ra ngoài. Vừa hết hóc xương thằng bé lại quay ra nấc. Ông bảo nín thở rồi quay ngược cái mâm cơm, tự nhiên cu cậu bưng bát lên ăn tiếp. Chúng tôi há hốc miệng, còn ông chỉ cười rồi tiết lộ: Chữa mẹo chỉ cần đơn giản thế thôi. Quan trọng là hướng sự tập trung của họ vào việc khác.

Nghe những câu chuyện như thế tôi mường tượng thầy lang đang ngồi trước mặt mình giống như “đại sứ” của núi rừng Tây Bắc. Con người ấy chữa bệnh chỉ đơn giản là làm phúc, truyền ân huệ của núi rừng đến cho dân nghèo. Có lẽ cũng vì thế mà người bệnh có nhớ đến ông thì nhớ chứ ít khi ông nhớ tên người bệnh. Năm ngoái, có đôi vợ chồng tên Hào ở tận Sài Gòn tìm đến ông nhờ chữa bệnh vô sinh. Gia đình cố cản vì bệnh này cần nhiều vị thuốc mà tuổi ông thì đã cao nhưng thấy người ta lặn lội đường xa tới ông lại tay dao tay cuốc xẻng lên rừng.

 Những vị thuốc chữa bệnh vô sinh rất khó tìm. Từ tổ tiên ông truyền lại rằng loài thuốc này phải hái hoặc đào lúc không có mặt trời thì thuốc mới phát huy hết công hiệu. Thành thử đi từ sáng nhưng phải tìm đến chập tối hoặc nửa đêm ông mới làm lễ xin và đào mang về. “Bài thuốc nam rất đơn giản, nhưng nó cũng rất cầu kỳ. Các công đoạn hái và phơi sấy phải tuân theo những quy luật rất nghiêm ngặt. Quan trọng ở người bốc thuốc hiểu được vị và pha trộn như thế nào cho hợp lý để nó thành thuốc”- ông chia sẻ.

Chữa cho đôi vợ chồng ở Sài Gòn chưa xong thì ông lại đón mấy người nông dân ở Quảng Bình. Họ nghèo, không tiền thuốc men, ăn ở nhưng ông vẫn chữa cả tháng trời. Lúc ra về chỉ xin một con dao. Những lần ông đi rừng, bà vợ dù chẳng biết bài thuốc nào cũng phải đi theo vì sợ ông tuổi già đi một mình có mệnh hệ gì thì khổ. Ở cái tuổi gần đất xa trời ông cũng muốn truyền lại nghề cho con cháu nhưng chưa tìm được người vừa ý. Muốn học được những bài thuốc bí truyền này phải ngoài bốn mươi tuổi mới được hành nghề. Mấy chục bài thuốc của ông rất kén người. Chỉ những ai ăn ở hiền lành, tốt tính và không có lòng tham mới có thể học.

Thầy lang Mường quan niệm chữa bệnh cứu người là mình gánh thay những điều rủi ro cho họ. Truyền nghề tức là ông chấp nhận để con cháu mình tiếp tục chữa bệnh cứu người và tiếp tục… nghèo. Ông nghèo thật nhưng dân bản nể lắm. Hễ có việc trọng đại người ta đều mời ông đến cúng. Họ nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp vì người cúng có tâm tốt như ông.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm