| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội: Cần có chính sách kinh tế cho từng loại rừng

Thứ Ba 01/11/2011 , 09:54 (GMT+7)

Chương trình 5 triệu ha rừng đã đạt được khá nhiều thành tựu, tuy nhiên bên cạnh đó QH vẫn chỉ ra một số những tồn tại cần khắc phục. Vậy để nâng cao hiệu quả quản lí bảo vệ rừng hơn nữa chúng ta phải làm gì, thưa ông?  

Theo tôi, chúng ta cần phải xác định lại mô hình kinh tế rừng. Trước đây chúng ta giao đất rừng cho các lâm trường, xây dựng các mô hình kinh tế rừng như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 ở Tây Nguyên, rồi giao đất cho các hộ trồng rừng, các doanh nghiệp… Giờ phải so sánh, đánh giá lại hiệu quả trong việc giao đất cho các nhóm đối tượng, như vậy mới tổng kết được là trong chương trình này đối tượng nào làm tốt và có định hướng cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Nếu chỉ dựa vào các con số tổng chi, diện tích rừng bị chặt, diện tích rừng đã trồng mới, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ thì không thể thấy hết được. Mỗi loại rừng chúng ta phải có một chính sách kinh tế khác và mỗi loại rừng phải có một mô hình quản lí khác. Có khi những mô hình lâm trường không phù hợp với việc xây dựng rừng khai thác nữa mà chỉ phù hợp với rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn thì chúng ta lại phải tính khác, lúc ấy chúng ta phải khoán và công nhân lâm trường sẽ là những công nhân trồng rừng.  

Còn rừng kinh tế thì có thể giao cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người trồng rừng. Ngay đối với các loại cây trồng rừng, giống nào khuyến khích hay không khuyến khích Chính phủ cũng nên có những chính sách để điều tiết: Ví dụ như ở khu vực quy hoạch này nếu chủ rừng phát triển rừng cây cao su thì có thể ủng hộ nhưng nếu trồng cà phê thì tôi đánh thuế. 

Tiến độ giao đất giao rừng còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự chỉ đạo đồng bộ và thiếu nguồn lực để thực hiện, làm cách nào chúng ta có thể khắc phục tình trạng này? 

Việc phân cấp quản lí giữa Bộ NN-PTNT -  đại diện cho Chính phủ với địa phương có rừng cần phải rõ ràng hơn nữa.  Mỗi cơ quan phải có trách nhiệm cụ thể trong giao rừng, quản lí phát triển rừng, bồi hoàn tài nguyên rừng. Thí dụ như thủy điện lấy 100 ha rừng thì phải dành một khoản tiền để đầu tư cho rừng. Vốn đấy nếu thuộc ngân sách địa phương thì ngân sách địa phương có được quyền chi hoàn toàn hay chỉ là vốn chi cho phát triển rừng? Chúng ta cần phải thảo luận làm rõ vấn đề này. 

Mặc dù Chính phủ liên tục tăng giá trị đầu tư trên mỗi ha rừng nhưng mức thu nhập bình quân từ các hộ trồng rừng theo dự án vẫn còn quá thấp, chỉ từ 5-6 triệu/năm. Với mức thu nhập này rất khó để người dân gắn bó với rừng?

Chính phủ đang hướng tới mục tiêu người được giao rừng, trồng rừng phải sống được bằng nguồn thu nhập từ rừng. Để làm được điều đó phải phân định rõ ràng các loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng kinh tế. 

 Mỗi loại rừng như thế chúng ta phải có một chính sách đãi ngộ khác nhau. Trong đó rừng sản xuất và khai thác kinh doanh phải đảm bảo sinh lợi, phải kết hợp hài hòa lợi ích của cả chủ rừng và lợi ích của đất nước. Tức là người  khai thác rừng phải có trách nhiệm hoàn trả vào quỹ tài nguyên rừng rồi từ đó ta tiếp tục bù đắp cho người trồng rừng, bảo vệ rừng ở khu vực phi kinh tế chứ không phải các chủ rừng cứ khai thác rồi lại lấy vốn từ NSNN bù đắp vào.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.