| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, GĐ Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh: Phải tổng rà soát lại công tác công nhận giống lúa

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:17 (GMT+7)

Tôi đồng ý với loạt bài của NNVN. Công tác giống lúa thời gian qua có quá nhiều vấn đề. Đã đến lúc Bộ NN- PTNT phải xem xét lại tính hiệu quả của việc công nhận giống mới, bởi công nhận giống là mất tiền của, thời gian, nguồn lực của DN và rộng ra là của cả xã hội. Chúng ta bỏ ra những thứ đó thì phải mang lại một hiệu quả nhất định nào chứ.

Tôi thấy xót tiền quá. Ví dụ Cty tôi bỏ tiền ra khảo nghiệm, chọn tạo giống lúa ĐT34, ĐT52… từ những năm 2000 đến năm 2011 vừa qua mới được công nhận là quãng thời gian quá dài, quá tốn kém. Có cần thiết phải lâu như thế không? DN cổ phần bỏ một đồng ra đều phải tính, nhưng có những Viện nghiên cứu Nhà nước đầu tư toàn bộ tiền thì cũng đâu phải đồng tiền từ trên trời rơi xuống, là tiền đóng thuế của dân cả. Thế mà thời gian qua, Viện Cây lương thực- cây thực phẩm “ra lò” nhiều giống lúa nhưng tôi thấy một số giống không trụ được trên đồng ruộng, diện tích gieo cấy rất ít? Lỗi này ai chịu?

Việc cố tình “lấy trộm” giống của nhau vẫn xảy ra như cơm bữa. Chúng tôi lấy được giống Hương Thơm 1 bên Quảng Đông (Trung Quốc) về, tôi cho một nhà khoa học nọ mấy cân. Chẳng ngờ ông này đem về chọn tạo lại, thay đổi đi vài đặc tính rồi công nhận thành giống HT1. Vừa qua Cty tôi chọn được giống lúa nếp ĐT52 cũng may công nhận kịp thời chứ không lại mất toi. Bởi tôi nghe nói, cũng nhà khoa học "khả kính" nọ định lấy giống ĐT52 về rồi thay dòng đột biến cho ra giống Lúa nương 52. Nhà khoa học mà còn bừa bãi thế thì nói gì DN, chẳng trách ngành giống nhốn nháo.

Tôi đã có kinh nghiệm xương máu rồi, giống công nhận xong hãy trao đổi, cho nhau. Nếu không giống mình làm ra chưa công nhận, người ta đã biến thành của họ mất rồi. Tôi cũng kiến nghị phải xem lại quy định giống. Cứ trong số 60 tính trạng chỉ cần 1, 2 tính trạng khác giống cũ là đã được công nhận giống mới thì các giống không có sự khác biệt. Và nhiều người lợi dụng việc này để công nhận giống mới tràn lan, bởi 1 giống lúa thuần chọn tạo vài vụ là đã có sự thay đổi một số tính trạng rồi.

Cứ hình dung thế này, tôi và anh tuy cao thấp khác nhau, khuôn mặt khác nhau, to béo khác nhau nhưng tóm lại chúng ta vẫn là người Việt Nam, gốc người Việt. Hương Thơm 1 và HT1 cũng thế thôi, tuy là 2 giống khác nhau nhưng tóm lại vẫn cùng một nguồn gốc, dạng "anh em con chú con bác". Giống lúa mới công nhận thời gian qua cũng na ná tình trạng này.

Về giống lúa hiện nay có lúa lai và lúa thuần. Lúa lai không có vấn đề gì qúa lớn vì chúng ta chỉ có mấy tổ hợp trong nước còn lại vẫn lấy giống Trung Quốc về khảo nghiệm đến khi được công nhận thì NK về bán. Giống nào bán được thì tồn tại, không bán được sẽ tự mất đi. Dĩ nhiên có tình trạng 1 DN đưa về nhiều giống lúa lai khảo nghiệm quá cũng không hay, làm “loãng” thị trường giống. Theo tôi thời gian tới cần khắc phục tình trạng này.

Còn lúa thuần thì thực sự lo ngại, nhiều giống đến mức bội thực. DN bán giống, nhà khoa học cũng đi bán giống, tất cả cứ nháo nhào. Phải chăng bây giờ làm giống dễ quá, công nhận giống đơn giản quá, như bên ca nhạc ai lên sấu khấu hát vài bài rồi…cũng bất ngờ trở thành ca sĩ, thành sao hết. Kinh doanh ngành giống cây trồng phải có điều kiện, không thể thả lỏng. Có Cty không mét đất trong tay, lấy nhà riêng làm trụ sở, không kỹ sư trồng trọt cũng không kho tàng vẫn SXKD giống lúa như ai, bán ra mấy trăm tấn giống mỗi vụ thì giống ở đâu ra?

Vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu với các doanh nhân trên truyền hình rồi, doanh nhân Việt Nam kinh doanh để mang lại lợi nhuận cho mình nhưng cũng phải có trách nhiệm xã hội. Theo tôi trách nhiệm xã hội cao nhất của các Cty giống cây trồng là trách nhiệm trước hàng chục triệu nông dân đã tin tưởng mua giống của DN. Chứ ăn lãi mười mấy ngàn đồng mỗi kg giống lúa thuần như có DN vẫn bán là ăn lãi dầy quá, phải xem lại.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.