| Hotline: 0983.970.780

Ông Phấn "dao" làng Đa Sỹ

Thứ Năm 03/10/2013 , 11:17 (GMT+7)

Trong cái nóng nực của lò rèn cùng tiếng rè rè phát ra từ chiếc máy mài, ông Nguyễn Hồng Phấn, làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn ngồi cặm cụi, tỉ mỉ mài từng chiếc dao vừa được tra cán.

Trong cái nóng nực của lò rèn cùng tiếng rè rè phát ra từ chiếc máy mài, ông Nguyễn Hồng Phấn, làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn ngồi cặm cụi, tỉ mỉ mài từng chiếc dao vừa được tra cán. 

Những con dao khắc chữ “Khởi”

Ông Phấn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở làng. Theo gia phả dòng họ ghi lại thì ông là đời thứ 5 tiếp nối nghề rèn của gia đình.

“Dù là con nhà nòi nhưng phải đến năm 18 tuổi tôi mới được rèn con dao đầu tiên. Vì ở độ tuổi ấy, người ta mới đủ sức khỏe để chịu được sự vất vả”, ông Phấn nhớ lại. Tuy nhiên, để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Tích lũy những kinh nghiệm từ bố cộng với sự chịu khó, đến năm 25 tuổi ông Phấn mới trở thành một thợ rèn lành nghề.

Nhắc lại quãng thời gian khó khăn nhất đã lùi vào dĩ vãng, ông bùi ngùi: “Trong những năm tháng chiến tranh, Nhà nước không bán nguyên vật liệu nên người làm rèn phải tự đi kiếm. Để mua được than phải mày mò lên tận các ga tàu hỏa mua than thải. Sắt thì được nhặt nhạnh từ các thanh sắt gãy. Mỗi ngày cả gia đình tôi chỉ làm được 3-4 chiếc dao. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, cơ chế mở rộng hơn, nhận được sự viện trợ từ Liên Xô nên những con dao làm ra đều và đẹp hơn”.

Hiện tại, công việc làm ăn của gia đình ông Phấn đã ổn định. Thương hiệu dao của ông mở rộng đến các tỉnh ở phía Nam như Sài Gòn, Cần Thơ… Trên những con dao của ông đều được khắc chữ “Khởi”. Tại Khánh Hòa, những con dao này luôn trong tình trạng cháy hàng. So với các loại dao của Thái Lan hay Trung Quốc thì dao của ông Phấn có ưu thế rõ rệt về độ sắc bén và bền do được làm thủ công. Ngày càng nhiều người biết đến dao của ông Phấn hơn, đơn đặt hàng tấp nập đến. Trong những thời điểm đông khách, ông đã phải thuê thêm 10-15 công nhân. Bình thường, trong xưởng luôn có 5-6 người phụ việc, lương trung bình của một công nhân đứng máy là 6-7 triệu đồng/tháng.

Trong khi các mặt hàng dao của Thái Lan hay Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam thì dao của nhà ông Phấn vẫn được ưa chuộng và có sức cạnh tranh tốt nhờ kĩ thuật làm thủ công lâu đời. Để cho ra đời một con dao hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng phải trải qua hàng loạt khâu, nào chọn sắt, chặt sắt cho vào lò rèn, nung nóng, đập nguội, tạo dáng dao, đến những khâu cuối như làm chuôi dao, tra cán, mài và khắc chữ lên thân dao. Công đoạn khó nhất có thể kể đến là mài, trong lúc mài dao phải luôn luôn tập trung, nếu sơ sẩy sẽ bị dao “ăn” vào tay.

Nghệ nhân, nghệ sĩ

Ông Phấn không chỉ nổi tiếng khắp vùng vì tài rèn dao mà còn được biết đến nhiều với tài làm thơ, sáng tác truyện ngắn. Những bài thơ của ông luôn nồng ấm hương vị cuộc sống, về cội nguồn và những triết lý nhân sinh. Các tác phẩm của ông được đăng tải trên một số tờ báo như: Hà Nội mới, Quân đội nhân dân... và đạt được một số giải thưởng của về truyện ngắn.

Về thơ, ông có nhiều tác phẩm được chọn đăng chung trong tập thơ “Hương đất Việt” hay “Sông quê thơ” với bút danh là Hoài Phan. Hiện ông là hội viên của Câu lạc bộ thơ Việt Nam và Hội văn nghệ sĩ xứ Đoài.

Hàng trăm bài thơ ra đời nhưng ông chưa có điều kiện in thành  tập. Ông cho biết, khi con cái đã vững tay nghề, có khả năng thay ông làm chủ xưởng rèn, ông sẽ tập trung vào sáng tác thơ ca và thực hiện giấc mơ lâu nay của mình là đi du lịch khắp nơi, chụp ảnh nghệ thuật.

Điều đáng quí là nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn luôn tin tưởng vào sự trường tồn của nghề rèn thủ công truyền thống. Theo ông, nghề rèn là nghề vất vả, nếu không có lòng yêu nghề thì khó trụ được. Khó nhất là công đoạn phân tích thép bằng mắt thường, đòi hỏi kinh nghiệm và sự tinh tường. Vì thế, thợ rèn nào càng giỏi, càng lành nghề thì đến tuổi 50, mắt đều bị lão hóa và phải đeo kính lão nặng độ nhất.

Mỗi gia đình trong làng rèn Đa Sỹ có một bí quyết gia truyền, người ngoài không thể biết được. Trên thân dao của mỗi hộ được khắc những tên khác nhau như để phân biệt và định vị thương hiệu. Lý giải về việc khắc chữ “Khởi” mà không phải tên mình, ông Phấn cho hay: “Khởi là tên con trai trưởng của tôi, việc khắc tên con lên thân dao tuân theo một quy luật bất biến trong gia đình. Con trai đầu lòng là người thừa hưởng những nề nếp truyền thống, người được truyền nghề và có trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền nghề rèn của cha ông”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.