| Hotline: 0983.970.780

Ông Phan Trọng Hổ - GĐ Sở NN-PTNT Bình Định: Nếu hạ tầng tốt, DN sẵn sàng đầu tư vào đất rừng, đất hoang

Thứ Tư 29/06/2011 , 10:11 (GMT+7)

Bình Định là tỉnh từng đưa ra nhiều chính sách "trải thảm đỏ" mạnh mẽ nhằm kéo các DN đầu tư vào chăn nuôi tập trung (CNTT) từ rất sớm. Thế nhưng đến nay, tỉnh này vẫn không đạt được những thành công như mong đợi.

Trao đổi với NNVN quanh câu chuyện đưa chăn nuôi lớn vào tỉnh, ông Phan Trọng Hổ nêu thực tế: Ý tưởng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, mà nòng cốt là các DN chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại Bình Định đã nung nấu từ những năm 2006 bằng cả chủ trương và chính sách cụ thể. 

Các chính sách cụ thể cho CNTT đó là gì thưa ông?

 Từ những năm 2006, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ban hành chính sách khuyến khích CNTT. Theo đó, tỉnh khuyến khích các DN, cá nhân vào đầu tư xây dựng các cơ sở CNTT quy mô lớn. DN nào vào đầu tư chăn nuôi với diện tích trên 200 hecta thì UBND tỉnh sẽ có chính sách đầu tư kinh phí cho toàn bộ cơ sở hạ tầng bên ngoài tường rào như: đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước. Các DN chỉ phải đầu tư hệ thống hạ tầng bên trong tường rào mà thôi. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện phải đầu tư toàn bộ hạ tầng cho các DN đầu tư vào chăn nuôi có diện tích dưới 200 hecta.

Tỉnh cũng đã có quy hoạch kỹ thuật cụ thể với 25 khu CNTT ở 11 địa bàn huyện, thị trên trong tỉnh. Đồng thời, các cá nhân, DN vào đầu tư chăn nuôi cũng sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư... Chính sách ưu đãi thì nhiều, nhưng suốt 5 năm qua chúng tôi cũng mới chỉ xây dựng thành công được 2 trang trại (trong số 25 khu CNTT được quy hoạch). 

Vậy nguyên nhân nào khiến kế hoạch phát triển CNTT mới chỉ đạt chưa được 10% kế hoạch, thưa ông? 

Phải khẳng định rằng, chăn nuôi là lĩnh vực khó thu hút đầu tư nhất trong ngành nông nghiệp hiện nay. Bởi bên cạnh việc bấp bênh, hệ số quay vòng vốn thấp khiến hiệu quả kinh doanh không hấp dẫn. Hơn thế vẫn là câu chuyện cũ của ngành chăn nuôi nước ta, đó là dịch bệnh không kiểm soát được, giá cả thì nay trồi mai sụt đã khiến các DN và nhà đầu tư ái ngại khi quyết định vào đầu tư.

Thứ hai, tuy nói là tỉnh cũng như nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhưng đa số các chính sách đó chúng tôi vẫn phải rút ra một kinh nghiệm là chưa sát thực. Bởi tỉnh thì ngồi chờ DN vào đầu tư, và điều kiện là khi DN phải có dự án, hay thậm chí xây dựng xong hạ tầng rồi thì mới được lĩnh hỗ trợ. Trong khi đó, DN tới nhòm ngó, thấy tỉnh chưa đầu tư hạ tầng gì, lại cũng ngồi chờ nhà nước đầu tư hạ tầng, rồi hỗ trợ vốn trước cái đã thì mới chắc ăn. Vậy nên, tỉnh thì ngồi chờ DN, còn DN thì lại ngồi chờ tỉnh. 

Ông nói phương thức hỗ trợ vốn để kích thích DN vào đầu tư chưa ổn?

Đúng vậy, vấn đề về vốn cho DN đầu tư vào chăn nuôi cũng là một rào cản lớn, đặc biệt là giai đoạn 2007-2008. Ngay như Bình Định, tỉnh có hỗ trợ lãi suất vốn vay của các Ngân hàng thương mại cho các DN đầu tư vào chăn nuôi, nghe thì có vẻ rất tốt, nhưng thực chất DN không thể tiếp cận được chính sách ưu đãi này.

Bởi ngay từ khâu đi vay vốn, rất ít DN đáp ứng đủ điều kiện tài sản thế chấp để có thể vay được vốn của ngân hàng. DN đã thế, còn chủ trang trại hay nông dân nhỏ muốn có vốn để mở rộng lên chăn nuôi lớn lại càng không có khả năng thế chấp tài sản. Tất nhiên, ngân hàng thương mại họ làm như vậy cũng có lý do của họ, bởi họ cũng không dại gì bỏ vốn vào một lĩnh vực nhiều rủi ro như chăn nuôi. 

Nhiều địa phương rất "kêu" về quỹ đất cho CNTT. Ở Bình Định thì sao thưa ông?

 Có thể nói là quy hoạch cho các vùng CNTT ngay từ đầu chúng tôi làm chưa thật hợp lý, nên đã dẫn tới "mắc kẹt" về quy hoạch. Bởi ban đầu, tỉnh hướng các khu CNTT phải là quy mô lớn từ 200 đến 300 hecta, và thậm chí chỉ dành cho một vài DN lớn vào đầu tư. Thế nhưng sau đó thực tế thì vì những nguyên nhân như đã nói, mà quan trọng nhất là vấn đề kẹt về vốn đã khiến các DN không thể nhảy vào đầu tư.

"Về lâu dài, chúng tôi đang tính đến tiềm năng quỹ đất đồi núi, vùng đất hoang, đất nông nghiệp ít hiệu quả để dành đất cho chăn nuôi và đưa DN vào những vùng này. Tôi cho điều này là hợp lý, bởi quỹ đất thuộc dạng này của Bình Định còn rất lớn. Đây là hướng đi tốt không chỉ có Bình Định mà ở nhiều tỉnh khác vì quỹ đất rừng của chúng ta còn rất nhiều.

Hơn thế, chăn nuôi ở vùng đất rừng, đất hoang hóa cũng sẽ có khả năng điều hòa và cách ly dịch bệnh, cũng như cách ly ô nhiễm với dân cư rất tốt. Gần đây, nhiều DN cũng đã lựa chọn đưa DN chăn nuôi vào sâu trong rừng. Nếu các tỉnh có chính sách, đầu tư hạ tầng tốt thì tôi nghĩ các DN sẵn sàng đầu tư ngay. Bởi DN chăn nuôi họ không đặt vấn đề vị trí khu CNTT xa hay gần, mà quan trọng nhất là hạ tầng tốt và kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm với dân cư" - ông Phan Trọng Hổ. 

Cái này một phần do trước đây, việc quy hoạch cho khu CNTT thường đặt vào những vùng có điều kiện tốt và có sẵn về nước, về hạ tầng, giao thông... Tuy nhiên, chẳng hạn để đầu tư cho 1 khu CNTT khoảng 250 hecta vào những năm 2007-2008 cũng đã ngốn từ ngân sách hỗ trợ của tỉnh khoảng 15 tỉ đồng, còn bây giờ thì phải 30-40 tỉ đồng. Số vốn này là quá lớn.

Về sau, khi kế hoạch đưa DN vào chăn nuôi không thành, chúng tôi cũng nhận ra rằng những khu CNTT quy hoạch tới 200-300 hecta đó cũng không thể đầu tư hạ tầng, rồi đưa dân vào đó chăn nuôi và gọi là khu CNTT được. Bởi như thế thì lại càng chết, vì rối rắm về quản lí và kiểm soát dịch bệnh sẽ lại càng dở. 

Vậy bây giờ phải tìm lối ra nào cho CNTT thưa ông? 

Tạm thời những quy hoạch lớn cho CNTT chúng tôi còn phải hoàn thiện thêm chính sách về đất đai, vốn, hạ tầng... sát với thực tế, trình UBND tỉnh để tiếp tục kéo các DN lớn vào đầu tư. Trong khi chờ đợi sự đột phá từ phía các DN, chúng tôi đành phải khuyến khích cho mô hình chăn nuôi quy mô trang trại và bố trí quy hoạch chăn nuôi theo từng cụm theo hướng cách ly với khu dân cư.

Bởi thiết nghĩ, khi chưa có DN vào đầu tư thì người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay chưa thể xóa được, và chúng ta cũng không thể cấm được họ chăn nuôi. Vì vậy, các cụm chăn nuôi này dù sao cũng tạo được điều kiện cho họ được chăn nuôi an toàn, có kiểm soát.

Vì sao chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực? Theo tôi có nhiều lý do. Trước tiên do điều kiện của Việt Nam diện tích đất phù hợp cho chăn nuôi quy mô công nghiệp rất ít, giá tiền thuê mặt bằng cao, cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường giao thông chưa đủ. Do vậy khi đầu tư chăn nuôi công nghiệp sẽ tốn nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, vốn đầu tư cho chăn nuôi công nghiệp sẽ rất lớn trong khi rất khó vay vốn, nếu vay được lãi suất cũng rất cao.

Lý do thứ hai, Việt Nam mới phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp khoảng 10 năm trở lại đây trong khi như Thái Lan công việc đó đã được bắt đầu cách đây chừng 30 năm. Trước đây 10 năm, sức tiêu thụ thực phẩm trên thị trường còn thấp, giá cả thực phẩm rất thấp và người chăn nuôi công nghiệp phải cạnh tranh giá bán lợn, gà với người chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn thừa, không tính đến giá thành. Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chưa có nhiều thay đổi, như gà họ vẫn thích “gà ta” hơn gà công nghiệp còn lợn, chỉ vài năm gần đây lợn nạc mới có sự chênh giá chút ít so với lợn mỡ.

Lý do thứ ba là do Việt Nam rất lúng túng trong xử lý dịch bệnh. Thời gian vừa qua chăn nuôi xảy ra nhiều dịch bệnh phức tạp như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng…Mỗi khi xảy ra dịch bệnh người chăn nuôi thường thiệt hại rất lớn do gà lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Số gia súc, gia cầm còn lại nếu thoát nạn tiêu hủy cũng khó tiêu thụ, khó lưu thông và nếu được cũng với giá bán thấp bởi công tác tuyên truyền còn thiếu định hướng, thường đẩy quá lên khiến người tiêu dùng quay lưng, ít dám mua sản phẩm chứ không “khoanh vùng” được nguy hiểm rồi có khuyến cáo đúng mực. Bởi sai lầm đó mà người chăn nuôi thường thua lỗ đến mức khánh kiệt không còn khả năng khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh.

Từ tình hình thực tế như vậy nên rất khó khăn để phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn. Người có tiền cũng cân nhắc rất kỹ khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bởi họ sợ vốn đầu tư nhiều, thu hồi chậm, rủi ro cao.

(Một chuyên gia chăn nuôi của tập đoàn nước ngoài)

Dương Đình Tường (ghi)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm