| Hotline: 0983.970.780

Ông Phan Văn Vĩnh liên quan đến vụ bán tang vật gỗ trắc

Thứ Sáu 13/04/2018 , 15:02 (GMT+7)

Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc ở tỉnh Quảng Trị do Cơ quan CSĐT (C44) điều tra, Viện KSND tối cao truy tố và TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm đã 3 lần trả hồ sơ. Nguyên nhân chính không xét xử được là lô gỗ vật chứng...

Nguyên nhân chính không xét xử được là lô gỗ vật chứng (NK qua hải quan 535,8 m3 nhưng cáo buộc 614,672 m3) đã bị bán trong quá trình điều tra.

11-39-44_dsc00855
Lô gỗ là tang vật vụ án

Người đề xuất cho bán lô gỗ này là ông Phan Văn Vĩnh, lúc đó là Trung tướng, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Hiện ông Vĩnh đang bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan tới vụ “đánh bạc ngàn tỷ” qua mạng.
 

Bán tang vật vụ án sai luật

Theo tài liệu mà NNVN có được, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế đầy đủ. Hai ngày sau, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai XK nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Trung Quốc.

Khi chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng, một xe container “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” và Tổng cục Hải quan ra lệnh bắt giữ, khám xét, sau đó khởi tố vụ án “buôn lậu” và chuyển hồ sơ sang C44 điều tra. Ba lần TAND TP Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vào cuối năm 2014, giữa năm 2016 và cuối năm 2017 đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì vật chứng đã bị bán vào tháng 1/2014.

Quá trình bán vật chứng như sau: Ngày 31/7/2013, C44 có “Quyết định xử lý vật chứng” số 21/C44-P4 do Đại tá Lê Đình Nhường - Cục trưởng C44 ký, cho tổ chức bán đấu giá. Nhưng ngày 12/8/2013, cũng Đại tá Nhường ký Công văn số 468/C44-P4 tạm dừng tổ chức bán đấu giá vì “có một số vấn đề mới phát sinh cần phải xử lý liên quan lô gỗ”.

Theo kết luận điều tra ngày 15/10/2013 của C44 thì có cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương vào ngày 24/9/2013 bàn việc xử lý vật chứng. Kết luận của cuộc họp: “Cơ quan CSĐT - Bộ Công an chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”.

Ngày 11/12/2013, Viện KSND tối cao (Vụ 1) có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hơn 10 ngày sau, ngày 23/12/2013, Đại tá Lê Đình Nhường ký Công văn số 3599/C44-P4 gửi Trung tướng Phan Văn Vĩnh xin ý kiến chỉ đạo “xử lý vật chứng của vụ án”.

Ngày 27/12/2013, Trung tướng Phan Văn Vĩnh ký Công văn số 900/C41-C44 “V/v xử lý vật chứng vụ án” gửi Bộ trưởng Bộ Công an. Trong công văn, ông Vĩnh đề xuất: “Cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ vật chứng của vụ án”. Bộ trưởng Bộ Công an phê vào Công văn: “Đồng ý xử lý theo pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”.

10-38-09_img_20180411_153838
Công văn ông Vĩnh đề nghị bán đấu giá lô gỗ trắc

Theo pháp luật, việc xử lý vật chứng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS): “Cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra”, còn vụ án này đang điều tra thì cơ quan điều tra không được phép bán. Bên cạnh, kết luận của cuộc họp liên ngành là “chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”. Rõ ràng, pháp luật quy định cũng như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là C44 không được phép bán lô gỗ vật chứng.

Thế nhưng, ngày 31/12/2013, Đại tá Lê Đình Nhường đã ký công văn số 905/C44-P4 gửi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP Hà Nội “tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng vụ án”. Cuộc bán đấu giá diễn ra ngày 10/01/2014, với giá 63 tỷ 920 triệu đồng. Như thế, lô gỗ vật chứng đã bị bán trước khi Viện KSDN tối cao ra cáo trạng lần thứ nhất (ngày 07/5/2014), qua đoạn đường khá vòng vèo nhưng có những dấu mốc khá quyết định với các công văn do Trung tướng Vĩnh và Đại tá Nhường ký.
 

Gỗ trắc giá “bèo” (?!)

Về giá trị lô gỗ vật chứng, PGĐ Cty Ngọc Hưng, ông Trương Huy Liệu cho biết, giá thị trường tại thời điểm đó là hơn 300 tỷ đồng, số tiền chênh lệch bị “tham ô” và việc bán đấu giá không thông báo với Cty Ngọc Hưng là hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 6/7/2017, ông Liệu đã có đơn tố giác gửi cơ quan Trung ương: “Việc một số cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) và Vụ 1, Vụ 3 – Viện KSND tối cao đã liên danh thành một nhóm lợi ích, áp dụng pháp luật tùy tiện trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố; vu khống DN “buôn lậu” và cán bộ hải quan “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để lợi dụng hoạt động điều tra tham ô tài sản có giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng”.

Liên quan đến vụ án, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, người có mặt ở các phiên xét xử với vai trò theo dõi quá trình xét xử và giám sát vụ án cũng có văn bản gửi các cơ quan TƯ. Theo ông Thắng, “C44 ban hành quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá lô hàng tang vật đang trong giai đoạn điều tra vụ án là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật TTHS”.

Ông Thắng còn khẳng định: “Rõ ràng, bán đấu giá tài sản là lô gỗ có vấn đề vi phạm không chỉ về quy trình xử lý vật chứng, mà còn thiếu minh bạch, khuất tất. Giá trị bán lô hàng vật chứng là 63,8 tỷ đồng, trong khi giá thời điểm thực tế mà Cty Ngọc Hưng cho rằng trên 300 tỷ đồng”.

Trong văn bản gửi đến các cơ quan TƯ, ông Hoàng Đức Thắng nêu rõ: “Các cơ quan điều tra, truy tố có những dấu hiệu cố tình làm sai lệch hồ sơ, làm trái quy định của pháp luật, thiếu minh bạch trong việc xử lý vật chứng vụ án (bán toàn bộ vật chứng vụ án đang trong quá trình điều tra)”.

Đây là vụ án hết sức đặc biệt, có quan điểm bất nhất giữa hải quan và công an. Công an nói có tội, còn hải quan lại nói các bị cáo không phạm tội, hàng hóa hợp pháp.

LS Nguyễn Văn Tú, GĐ Cty Luật Fanci Hà Nội, cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án vật chứng là quan trọng nhất. Việc bán đấu giá lô gỗ tang vật trái quy định tại điều 75 của Bộ luật TTHS. “Cơ quan điều tra chỉ có quyền quyết định bán vật chứng khi chứng minh được hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản. Lô gỗ của Cty Ngọc Hưng không thuộc loại đó. Ngoài ra, việc bán đấu giá lô gỗ không những xóa đi dấu vết xác định nguồn gốc hàng NK hợp pháp mà còn gián tiếp gây áp lực lên cơ quan xét xử khi giải quyết vật chứng vụ án hoặc xem xét vật chứng tại tòa”, LS Tú phân tích.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm