| Hotline: 0983.970.780

Ông Thái 'đầu bơm' mang lại lợi ích cho hơn 500 hộ xã viên

Thứ Hai 17/10/2016 , 13:20 (GMT+7)

Ông Trần Văn Thái, ở thôn Ngọc Lâm 1, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên), nghiên cứu “độ” thành công cánh bướm (van đóng mở) trong đầu bơm của trạm bơm điện.

14-08-53_img_2816
Ông Thái bên “công trình” đóng mở cánh bướm, đó là cáp inox được thông qua lỗ khoan ống hút, mắc song song lên hệ thống ròng rọc dọc theo ống hút
 

Việc đơn giản nhưng “cứu” được chi phí đầu tư sửa chữa kéo dài nhiều năm số tiền lên đến 100 triệu đồng, trong khi chi phí “độ” của ông không quá 50.000 đồng.

Trạm bơm điện Ngọc Lâm, đặt tại Bến Nhiễu, hút nước từ sông Bánh Lái tưới 150ha lúa ở cánh đồng Cây Duối, Canh Yên, Bến Lở, Bầu Ấu, Đồng Phẫn của xã Hòa Mỹ Tây. Trạm bơm này do HTX Nông nghiệp Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Mỹ Tây quản lý. Trạm có 3 máy, công suất 33 KW/máy, đường kính ống lỗ miệng ống hút, xả 35cm, chiều cao cả ống hút đẩy dài 8m. Đầu bơm được cấu tạo bằng gang, hệ thống ron bằng cao su, 2 cánh bướm (còn gọi là van đóng mở) cũng bằng gang hình bán nguyệt gắn trên 1 trục nằm ở giữa đầu bơm.

Nguyên lý của nó là khi tắt máy 2 cánh bướm sập xuống đóng lại tạo thành một hình tròn khép kín trên mặt ron cao su, mục đích là để khi vận hành tạo một dòng chảy có sẵn trong đường ống (áp suất) hút nước lên từ bể hút. Đồng thời khi máy hoạt động bơm tưới nước thì lập tức 2 cánh bướm xếp lại để cho nước tràn vào đầu bơm, máy hút lên.

Thế nhưng trong việc vận hành bơm tưới, hàng ngày máy phải tắt nghỉ 1 lần, do tránh hoạt động giờ cao điểm. Trong khi đó, mỗi lần ngưng hoạt động ngắt cầu dao điện thì nồi đầu bơm (carabin) thường bị vỡ. Nguyên nhân một phần do cao trình của hệ thống hút xả quá cao lên đến 8m, địa thế đặt trạm bơm có độ dốc lớn dựng đứng, vì vậy khi máy ngưng hoạt động, lượng nước trong ống hút, xả trả về bị 2 cánh bướm giữ nước lại, lượng nước tống lại mạnh làm vỡ nồi đầu bơm.

Mỗi lần vỡ nồi đầu bơm, HTX thuê người lặn xuống nước tháo đầu bơm ra rồi dùng xe cẩu kéo lên đưa đi đăng, hàn lại, máy phải ngưng hoạt động 5 - 7 ngày. Còn việc tìm kiếm vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế là rất khó khăn và tốn kém.

Ông Cao Văn An, phụ trách bộ phận kế hoạch HTX Nông nghiệp Kinh doanh-Dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: Vùng này ở đầu nguồn sông Bánh Lái, nằm sát chân núi, xa đường lộ. Có lần trạm bơm hư, chúng tôi đi xuống tận trạm bơm Đông Bình (huyện Đông Hòa) mượn đầu bơm nhưng trạm bơm này do Cty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý nên quay về công ty xin giấy giới thiệu. Chạy đi chạy lại “năm hồi mười hịch”, thế nhưng khi mượn về sau vài lần trạm bơm ngưng hoạt động, nước dộng xuống đầu bơm mới lại tiếp tục gặp sự cố.

14-08-53_img_2823
 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Thái tìm ra nguyên lý, nếu giữ lại được 2 cánh bướm đầu bơm xếp lại không cho đóng khi tắt máy thì lượng nước trong ống hút, xả trả về trong đầu bơm không còn giữ lại thì hiện tượng vỡ đầu bơm sẽ không còn xảy ra.

Với nguyên lý ngày, ông Thái nghiên cứu bằng cách, 2 cánh bướm được mắc vào sợi dây cáp Inox. Cáp Inox được thông qua lỗ khoan ống hút, mắc song song lên hệ thống ròng rọc dọc theo ống hút, một đầu dây cáp được mắc vào 1 tăng đơ, đầu kia của tăng đơ được gắn chặt vào chốt của ống hút.

Ông Thái cho hay: Sau khi nghĩ ra nguyên lý, tôi đem ý tưởng đó thông qua tập thể của HTX Nông nghiệp Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Mỹ Tây và được tập thể đồng tình, bước đầu thực hiện thí điểm 1 máy. Khi máy chuẩn bị khởi động tôi mở tăng đơ, thả cáp cho cánh bướm đóng lại, mồi nước vào đầy ống hút, cho máy hoạt động. Nước hút lên, kéo dây cáp kéo căng ra gài nhanh vào tăng đơ, để 2 cánh bướm đầu bơm ở tư thế mở và cánh bướm giữ nguyên trạng thái xếp lại. Khi máy ngưng hoạt động, nước sẽ tuột trả nhẹ nhàng hết về bể hút chứ không giữ lại trong đầu bơm. Trường hợp này khi mất điện đột xuất 2 cánh bướm của đầu bơm vẫn tương tự vậy.

Hiệu quả thành công, 2 máy còn lại được tiếp tục thực hiện và 3 máy bơm được hoạt động tốt. Đến nay, qua 7 vụ sản xuất 3 đầu bơm không phải trục vớt, kéo lên để thay sửa như trước đó.

Ông Lương Lộc, nhân viên vận hành trạm bơm cho biết: Qua thống kê chi phí các năm trước đó, khi chưa cải tiến được hệ thống đóng, mở chủ động đầu bơm nước, chi phí tu sửa, phụ tùng thay thế mỗi vụ tốn trên 5 triệu đồng, một năm 2 vụ lúa tốn 10 triệu đồng, tình trạng đầu bơm bị hư lặp đi lặp lại gần 10 năm. HTX gặp khó khăn về nguồn thu nhưng phải “cõng” chi phí sửa chữa mất gần 100 trệu đồng. Riêng về chi phí “độ” đầu bơm của ông Thái không quá 50.000 đồng. Từ đó đến nay “ăn” qua 7 vụ sản xuất, 3 đầu bơm khỏi phải trục vớt, kéo lên để thay sửa như trước đây, trạm bơm hoạt động liền lạc.

Bà Trương Thị Minh, nông dân làm ruộng ở cánh đồng Bầu Ấu, nhớ lại: Trước đây khi trạm bơm thường xuyên bị hư hỏng, có lần tôi bưng thúng phân ra vãi ruộng thấy khô nước bưng về, lúa khô héo thấy mà nóng mặt. Còn mấy năm nay trên cánh đồng trồng lúa, lúc nào cũng có nước chân trong ruộng.

"Đây là ý tưởng độc đáo phát xuất từ những trăn trở và mang lại lợi ích hơn 500 hộ xã viên làm ruộng trên cánh đồng này. Khi ông Thái sáng kiến ra kỹ thuật ngăn được tình trạng vỡ nồi đầu bơm, HTX không còn cảnh chạy ra chạy vào và mất ăn mất ngủ vì trạm bơm. Ông Thái được UBND tỉnh Phú Yên cấp bằng sáng kiến cấp tỉnh", ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh - Dịch vụ Hòa Mỹ Tây.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.