| Hotline: 0983.970.780

"Ông trùm" khóm Cầu Đúc

Thứ Tư 03/09/2014 , 08:59 (GMT+7)

Xuất thân từ nông dân, nay ông Dương Văn Thanh đã trở thành tỷ phú với doanh thu mỗi năm khoảng 80 tỷ đồng nhờ trồng khóm.

Xuất thân từ hai bàn tay trắng không có "cục đất chọi chim", lão nông Dương Văn Thanh (67 tuổi ở ấp Thạnh Xuân, xã Quả Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang) đã gây dựng nên trang trại SX khóm Cầu Đúc quy mô lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 100 ha, mỗi năm lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

Chinh phục đất phèn

Ông Dương Văn Thanh (Hai Thanh), sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Sau cách mạng tháng 8/1945 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông lập nghiệp ở đất Hậu Giang. Do trình độ học vấn thấp nên không thể xin vào cơ quan nhà nước, ông quyết định về quê làm nông trên diện tích 1,3 ha.

Ông Thanh kể, xưa kia vùng này hoang vắng, cây rừng um tùm không bóng người, đất đai bị nhiễm phèn nặng dưới nước không có con cá nào sống, trên bờ không thể trồng trọt cây gì để sinh nhai như rau màu hay lúa, nên ít người dám vào khai hoang.

Năm 1976, sau khi có đất trong tay, ông mừng lắm, nhưng cái khó lúc này không biết trồng cây gì cho phù hợp ở vùng đất phèn nặng mà có thể đem lại hiệu quả kinh tế. Với ý chí quyết tâm, hai vợ chồng ông bỏ công cải tạo, thau chua rửa phèn cho đất nhưng chỉ giảm được phần nào.

Ông Thanh thử trồng nhiều loại cây nhưng đều chết sạch vì đất nhiễm phèn nặng. Tình cờ ông ra phía sau nhà có một bụi khóm tuy không được chăm sóc nhưng vẫn phát triển tốt, cho trái ăn rất ngọt và ngon.

Cũng chính từ lẽ đó ông bật ra ý tưởng trong đầu loại cây này thích hợp, chịu phèn nhất trong những số cây khác từng đem về trồng. Ông và người vợ bắt đầu ngày đêm cày cuốc, phát hoang bụi rậm, lên liếp trồng khóm.

07-46-09_nh-3
Ông Thanh đi thăm ruộng bằng xe máy

“Do năm đầu tiên bắt tay vào trồng khóm, gia đình nghèo không có vốn, ông được người bạn thương tình giúp đỡ số vốn đầu tư mua cây giống trồng khóm trên diện tích 1,3 ha. Tuy vụ đầu chưa am hiểu hết kỹ thuật, nhưng với sự cần cù chịu khó, vườn khóm cho thu trên 20 tấn trái, hai vợ chồng mừng muốn khóc”, ông Thanh chia sẻ.

Có trong tay số tiền cộng thêm tiền bán con giống cho các hộ dân trong xóm, ông tiếp tục đầu tư vào ruộng khóm như phân, thuốc, hệ thống mương lấy nước tưới tiêu… cho nên mấy năm liền ruộng khóm của ông Thanh đều đạt năng suất cao, bán có giá và mua thêm 1,3 ha đất lân cận mở rộng diện tích trồng khóm.

Làm giàu

Dẫn chúng tôi ra tham quan trang trại khóm bạt ngàn, con đường bê tông rộng 1,2 m vừa làm giao thông vận chuyển khóm vừa là bờ bao, xe gắn máy chạy mất gần 30 phút mới giáp hết ruộng khóm, ông Hai Thanh chỉ tay về ruộng khóm bạt ngàn trái.

Ông cho biết: "Cây khóm thích hợp nhất là vùng đất phèn, nếu so ra các loại cây khác thì khóm ít tốn công chăm sóc hơn, chúng có sức chịu đựng hạn tốt, cây ít sâu bệnh mà lại cho trái ngon và ngọt. Khóm từ lúc mới trồng đến thu hoạch phải mất ít nhất 18 tháng, mà có thể ăn từ 7 - 8 năm mới đem đi cải tạo trồng mới lại".

07-46-09_nh-4
DN của ông tạo công ăn việc làm cho hơn 60 lao động

Tuy không học cao nhưng nhờ lúc nghèo khổ có thời gian xin đi trồng khóm thuê, nên ông đã học được một số kỹ thuật trồng khóm. Khi về ruộng khóm nhà áp dụng vào, cộng thêm kinh nghiệm rút tỉa qua nhiều vụ nên năm nào ruộng khóm của ông cũng cho năng suất cao hơn ruộng lân cận. “Có thể nói từ năm 1980, tôi đã thành công trong việc xử lý cho khóm ra hoa đồng loạt”, ông chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng của khóm rất lớn, ông tiến thêm bước là làm lái khóm vận chuyển bỏ mối cho bạn hàng khắp các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM.

Từ những chuyến ghe ngược xuôi đây đó, ông đã làm quen được rất nhiều bạn hàng. Đến năm 1995 khóm có lời, ông mua xe tải đưa khóm đến các chợ và giao cho các Cty chế biến nông sản từ Cà Mau đến Bình Dương.

Nhờ vận chuyển bằng xe có thể đi xa, số lượng hàng cũng tăng gấp 4 - 6 gần chở ghe, còn đi xe rút ngắn thời gian hơn 1 ngày một chuyến, khóm vận chuyển đường bộ bảo quản lâu hơn. Bình quân một chuyến giao hàng của ông trên 20 tấn khóm, lời cả chục triệu đồng.

Do nhu cầu và mối lái quen biết càng rộng, trong đầu ông nghĩ đến ý tưởng thuê đất mở trang trại trồng khóm Cầu Đúc. Năm 2003, ông Hai Thanh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, chuyên SX và tiêu thụ mặt hàng nông sản chính là khóm, với số vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng.

Năm 2006, ông quyết định ký hợp đồng thuê hẳn 100 ha đất thời gian 20 năm, để mở trang trại trồng khóm.

“Vùng đất phèn này ngoài trồng khóm ra thì chẳng còn trồng được cây gì nữa. Để có được 100 ha khóm cho trái như ngày hôm nay, tôi đã mất rất nhiều công sức cải tạo lại”, ông Hai Thanh bộc bạch.

07-46-09_nh-6
Nhiều năm liền ông Thanh được nhận bằng khen nông dân SX giỏi từ địa phương đến Trung ương

Hiện DN của ông Hai Thanh tạo công ăn việc làm cho hơn 60 lao động trong xã với mức lương 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Niềm hãnh diện lớn nhất đối với ông là 10 người con (5 trai, 5 gái) đều nối nghiệp kinh doanh khóm và đã khá giàu.
Với những thành quả đạt được, nhiều năm qua ông được nhận nhiều bằng khen là nông dân SX giỏi từ cấp tỉnh đến Trung ương, đồng thời năm 2011 ông được vinh dự ra Hà Nội gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn bỏ ra gần 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào kênh rãnh, xây dựng toàn bộ hệ thống đê bao khép kín, làm lộ bê tông kiên cố bao trọn trang trại để chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như vận chuyển khóm khi thu hoạch. Ông còn đứng ra thu mua khóm của bà con nông dân trong huyện.

Về kỹ thuật canh tác, theo ông Thanh chia sẻ, trước tiên cần làm hệ thống mương rộng 3 - 4m và mặt liếp rộng 5 m, sau đó xóc đất cho bằng phẳng rồi mới trồng khóm. Mật độ lý tưởng nhất từ 20.000 - 25.000 chồi/ha, khoảng cách giữa các chồi là 50 x 50cm, chú ý lựa những chồi đồng đều kích cỡ, trọng lượng trồng trên từng liếp.

Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào tháng 5 - 6 dương lịch để tận dụng nguồn nước mưa, giúp tiết kiệm chi phí bón phân và nước tưới. Khi khóm được 15 tháng thì xử lý ra hoa, 1 tháng sau tiếp tục bón nhiều loại phân có kali giúp trái ngọt hơn.

Khoảng 4 tháng từ khi xử lý ra hoa thì thu hoạch trái đợt 1. Năng suất khóm của trang trại ông đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm, bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg.

Theo ông Thanh, những năm gần đây khi cây khóm phát triểm mạnh thường vào mùa rộ khóm rớt giá thê thảm, rút được kinh nghiệm này ông xử lý cây cho trái nghịch vụ, có thể chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm. Khóm rải vụ bán giá cao gấp 3 - 4 lần so với vụ thuận (tháng 4 - 5 âm lịch).

Cách xử lý ra trái nghịch vụ của ông Thanh rất đơn giản, khi khóm sắp ra bông cho bón thúc phân NPK vào giai đoạn đó thì khóm vượt qua sẽ cho trái muộn 3 - 4 tháng sau.

Hằng năm, DN tư nhân Dương Thanh bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL và TP.HCM trên 25.000 tấn khóm, tính ra trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30 - 70 tấn với doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm.

Ông Hai Thanh cho biết thêm: "DN mở rộng thuê 20 ha đất trồng khóm ở Tây Ninh đang cho kết quả tốt, trong tương lai sẽ mở rộng thuê đất ở vùng đất mới này lên hàng trăm ha. Nhằm hướng đến hội nhập và XK, DN sẽ SX theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao vị thế của thương hiệu khóm Cầu Đúc ở thị trường ngoài nước.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hạn hán khốc liệt, nhiều diện tích cà phê bị cháy khô

GIA LAI Tình trạng khô hạn khắc nghiệt kéo dài tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khiến cho nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, nguy cơ chết cả vườn cây.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm