| Hotline: 0983.970.780

Ớt đông sớm sau vụ lúa chét

Thứ Năm 26/12/2013 , 10:15 (GMT+7)

Cụm xã Quỳnh Minh, Quỳnh Hội, Quỳnh Hải, An Ấp, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vốn nổi tiếng là vùng trồng ớt từ nhiều năm nay.

Cụm xã Quỳnh Minh, Quỳnh Hội, Quỳnh Hải, An Ấp, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vốn nổi tiếng là vùng trồng ớt từ nhiều năm nay. Ớt ở đây thông thường được gieo từ cuối tháng 8 để trồng vào nửa cuối tháng 9; diện tích ớt đại trà sẽ thu hoạch vào tháng 11 và sang tháng 12 đến tháng 1 năm sau.

Cây làm giàu

Quỳnh Phụ có tổng diện tích ớt năm 2013 là 1.200 ha, chiếm trên 90% diện tích ớt gieo trồng của cả tỉnh. Ớt Quỳnh Phụ có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, được giới thương gia thu mua, sơ chế và xuất đi các tỉnh của Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Nhiễm, Trưởng phòng NN-PTNT Quỳnh Phụ cho biết: Vụ đông 2013 mặc dù thời tiết khó khăn, bất thuận, nhưng là vụ mà nông dân trồng ớt trúng đậm với cách làm sáng tạo và hiệu quả. Thường thì mọi năm tình trạng ớt được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa là chuyện “thường ngày ở huyện” là "điệp khúc" với không chỉ ớt mà nhiều mặt hàng nông sản khác. Ớt vẫn là loại cây trồng có thu nhập cao ngất ngưởng và hiệu quả lớn nhất trong một loạt các cây trồng vụ đông.

Điều này lý giải tại sao ớt của Quỳnh Phụ đã tăng nhanh từ khoảng 600 ha năm 2008 lên 900 ha năm 2010 và 1.000 ha, rồi 1.200 ha vào năm 2013. Một vụ ớt ở đây có giá trị thu hoạch bằng 2 lần công thức luân canh 2 lúa - vụ đông với những cây trồng khác và bằng 4 lần làm lúa.


Cây ớt đem lại thu nhập cao cho nông dân tỉnh lúa

Nhiều cán bộ địa phương các vùng trồng ớt khẳng định, dù giá ớt có rớt, thì đây vẫn là loại cây trồng cho hiệu quả cao nhất trong các cây vụ đông. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng trồng được, chân đất nào cũng mở được, và vấn đề quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Đốc ở thôn Đồng Thanh, xã Quỳnh Hội có nhiều năm trồng ớt, cho biết: Những năm trước, nếu trồng ớt sau lúa mùa sớm thì nhà ông thu bình quân trên dưới 15 triệu đ/sào. Những năm thiên tai, thời tiết bất thuận ớt bị héo xanh đang mùa thu quả, sản lượng mất đi già nửa, giá cũng tụt xuống, chỉ thu được 7 - 10 triệu đ/sào; lúc thu rộ cũng khó bán vì xã có tới trên 100 ha ớt, đấy là chưa kể các xã lân cận.

Đồ thị về giá ớt thường là cao chót ở đầu vụ, nếu đầu và giữa tháng 10, khi mà vùng khác ớt mới bắt đầu chớm hoa, mà vùng nào có ớt chín thì tư thương đến mua tận nhà và giá cũng thường gấp đôi ba lần giá chính vụ; sau đó giá hạ dần theo mức tăng về cung của SX và thường xuống đáy vào lúc thu rộ.

Cái khó ló cái khôn

Ở Quỳnh Phụ, để trồng được ớt nông dân thường phải bố trí gieo mạ rất sớm, nhiều năm vụ xuân gặp rét kéo dài phải gặt non lúa xuân để gieo mạ vụ mùa và phải cấy vào giữa và cuối tháng 6 dương lịch thì mới có ruộng trồng ớt sớm; nhiều khi cấy mà vùng khác lúa xuân còn chưa thu.

Ông Nguyễn Văn Nhiễm cho biết, ban đầu chỉ là từ mấy hộ khu vực gần làng, vì cấy lúa mùa sớm nên chuột tập trung phá hoại và cuối cùng thì khi thu hoạch để trồng ớt sớm không đủ chi phí làm lúa vụ mùa. Các hộ này bỏ ruộng vụ mùa không cấy sau khi thu lúa vụ xuân.

Họ được cán bộ kỹ thuật của gợi ý và hướng dẫn khi thu hoạch để chiều cao gốc rạ khoảng 30 - 40 cm, sau thu giữ nước đều rồi bón thêm phân NPK, phân đạm urê, theo dõi phòng trừ sâu bệnh; vụ ấy chỉ cuối tháng 7 họ đã thu được 80 - 90 kg lúa khô, trong khi chi phí chỉ mất có chưa tới 100.000 đồng tiền phân và thuốc; 80 kg lúa thu được tương ứng với giá gần 500.000 đồng; vậy là “một vốn, bốn lời”.

Tất cả các hộ để chét đều cho rằng gạo từ lúa chét ăn rất ngon. Lời từ vụ lúa mùa là vậy, cái quan trọng và được lớn hơn rất nhiều là quỹ đất được giải phóng sớm. Và ngay cuối tháng 7, đầu tháng 8 các giống ớt lai như GS88 Thái Lan; Thiên Trường GM 319, Việt Nông… đã được bà con ở đây tập kết và mỗi hạt ớt được gieo trong những bầu lá chuối hoặc nilon nhỏ với giá thể là đất bột trộn phân chuồng mục, phân vi sinh đã chuẩn bị từ cuối vụ xuân.

Khi cây ớt được 2 - 3 lá thật thì lúa chét cũng đã được thu xong, nước nền ruộng được tháo khô và các luống được đánh cao, rãnh thoáng, rộng để tiêu thoát nước tốt khi mưa bão.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Quỳnh Phụ, vụ mùa 2013 cả huyện có trên 500 ha lúa chét đã được thu hoạch từ cuối tháng 7, năng suất trung bình đạt 70 - 80 kg/sào, với giống lúa BC15 tái sinh khỏe, chăm bón và phòng trừ đục thân tốt (khoảng 2 đợt) cho thu trên 100 kg/sào; tương đương 2.500 - 3.000 kg/ha. Trà ớt được trồng từ diện tích này mặc dù bị ảnh hưởng của các cơn mưa, bão số 9, 10 năng suất ớt chỉ thiên đạt khoảng 350 - 400 kg/sào, giá đầu vụ cao ngất ngưởng tới 60.000 đ/kg, sau đó hạ dần đến chính vụ thu rộ cũng còn 35.000 đ/kg; mỗi sào ớt thu 15 - 18 triệu đồng.

Các hộ ông Nguyễn Văn Thâu, Đặng Văn Thăng, xã An Ấp đã trồng với diện tích 7 - 8 sào/hộ, đến thời điểm này đã thu được trên 100 triệu đồng. Theo các ông thì năng suất ớt vụ này không cao do mưa bão, nếu thuận trà ớt này thu không dưới 550 kg/sào.

Tại xã Quỳnh Minh, một xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, diện tích để lúa chét ở đây cũng gần 100 ha; và sau lúa chét là gần 100 ha ớt trà sớm. Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Phụng Công trồng 6 sào, anh Trần Văn Loan trồng 6 sào, chị Nguyễn Thị Măng ở An Kỳ Tây trồng hơn 5 sào đều đã thu trên 100 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện phấn khởi thông báo và đưa chúng tôi ra cánh đồng ớt đã thu những trà quả cuối cùng; bên cạnh luống ớt, su hào, xà lách đã được cấy xen vào mép luống, và trà rau này sẽ được thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Đồng ruộng ở xã nông thôn mới này đã được chỉnh trang, mỗi hộ dồn lại chỉ còn 2 mảnh, mương tưới tiêu đã được cứng hóa bằng bê tông chất lượng cao, đúc sẵn, bờ vùng, bờ thửa thẳng tắp và xe vận tải nhỏ có thể lưu thông.

Các xã Quỳnh Minh, An ấp, Quỳnh Hội, Quỳnh Hải là những vùng ớt sớm, cùng với những vùng An Ninh, An Bài, An Thái, Quỳnh Thọ... đã hình thành nên vùng ớt hàng hóa 1.200 ha của Quỳnh Phụ mang lại nguồn thu gần 600 tỷ đồng cho huyện nội đồng.

Lúa xuân - lúa chét - ớt chỉ thiên sớm - rau đông là công thức đã giúp nông dân thực sự làm giàu từ SX nông nghiệp, giá trị thu hoạch đã đạt tới con số 400 - 500 triệu đ/ha. Quan trọng hơn là tiết kiệm chi phí từ vụ mùa, lợi nhuận của nông dân nhờ đó mà tăng thêm, tiêu chí nâng cao thu nhập có tính khả thi cao hơn.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.