| Hotline: 0983.970.780

Pa Ay ngày mới

Thứ Hai 26/09/2011 , 12:02 (GMT+7)

Từ đỉnh đèo Pe Ke phóng tầm mắt nhìn về xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, TT- Huế), khu tái định cư Pa Ay vạch lên nền trời màu xanh thẳm với những căn nhà phảng phất mùi sơn mới.

Từ đỉnh đèo Pe Ke phóng tầm mắt nhìn về xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, TT- Huế), khu tái định cư Pa Ay vạch lên nền trời màu xanh thẳm với những căn nhà phảng phất mùi sơn mới. Nó mang theo bao khát vọng của người dân Hồng Thủy về một miền đất mới đầy hứa hẹn…

Mơ ước từ thời ông, cha... 

Một bận, ngồi trò chuyện cùng ông Hồ Văn Liên, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, ông bảo đồng bào mình ở đây vui lắm, có mái nhà khang trang che nắng che mưa, cái bụng cũng ấm vì có được ăn no, có đất sản xuất. Từ ngày khu tái định cư được khánh thành, bà con được vào ở, bỏ lại những mùa du canh du cư, phát nương làm rẫy trong quá khứ.

Đặt chân tới trụ sở ủy ban xã, trời đã quá trưa, anh cán bộ văn phòng người Pa Cô đưa chúng tôi đến khu tái định cư. Con suối Pa Ay vào mùa này nước đã cạn, từ dưới chân đồi nhìn lên, dọc hai bên đường liên thôn, đồng bào đang thu hoạch ngô rẫy, đóng vào bao bán cho thương lái. Ngồi trò chuyện cùng những cư dân mới tại đây, chúng tôi được biết về ký ức hãi hùng của đồng bào Hồng Thủy khi phải sống nơi vùng sạt lở những năm trước.

Đang lúi húi gom ngô giữa sân nhà, anh Hồ Văn Quê, một hộ dân ở đây, phấn khởi: “Từ ngày miềng ra khu tái định cư ở đến nay không còn phải lo lắng khi mưa lũ nữa. Đời ông mình, bố mình vẫn mơ ước được một ngôi nhà như ri. Giờ có nhà ở rồi, nương rẫy cũ vẫn còn, xã sắp cho đất sản xuất, mình trỉa hạt ngôi, trồng cây sắn không còn lo đói nữa”.

Khu tái định cưa Pa Ay nhìn từ trên cao

Anh Quê kể rằng, trước đây, gia đình anh sống ở thôn 1 xã Hồng Thủy, nằm trong vùng sạt lở núi rất nguy hiểm. Cứ đến mùa mưa lũ, cả nhà phải canh chừng nhau ngủ, sợ núi lở vùi lấp. Bão số 9 năm 2009, nước sông Đakrông dâng cao, căn nhà sàn đơn sơ của anh cùng nhiều nóc nhà khác trong làng bị nước cuốn phăng. Cả nhà phải dắt díu nhau chạy lên vùng đồi cao chờ người mang lương thực, thuyền tới cứu. Đứa con trai út của anh đói quá lả cả người, ôm bụng khóc quặt quẹo. Từ những trận bão kinh hoàng với bao đêm chợp mắt không yên bởi căn nhà phên tre run lên bần bật trước mùa gió chướng, đã bao lần anh Quê muốn rời bỏ vùng đất này, đến nơi khác phát nương làm rẫy mong có cái ăn. Đắn đo bao nhiều lần, cuối cùng anh nghĩ: “Đốt rừng phát nương rẫy thì Nhà nước cấm. Mà cấm cũng phải thôi vì cán bộ nói cho dân bản mình biết nếu phá rừng thì lụt bão sẽ to hơn nữa".

Những ngày đến xã Hồng Thủy, chúng tôi được nghe câu chuyện xúc động về những đứa trẻ ở thôn Pa Ay mừng đến phát khóc khi lần đầu có được…đôi dép. Từ xưa đến nay, chúng chỉ biết lội suối Pa Ay đến trường hay theo bố mẹ lên rừng lấy măng khi cái đầu đã cao lút ngọn môn rừng, hôm nay, về ngôi nhà mới khang trang, chúng được mặc trên đôi chân của mình đôi dép mới. Những đôi bàn chân chai sạn, đen màu tro của núi rừng một thời bố mẹ chúng đã đốt, giờ đã có đôi dép êm để sớm mai chúng đến trường khoe với lũ bạn.

Trong 105 hộ dân được cấp nhà ở khu tái định cư Pa Ay, có 15 hộ ở thôn Pa Ay - một trong những vùng sâu vùng xa nhất của xã Hồng Thủy. Thôn Pa Ay (cũ) có một thời người ta nói rằng đó là bản làng bị lãng quên giữa lớp lớp cây rừng và đá núi. Những hộ dân với lèo tèo một vài lán trại được dựng sâu trong rừng. Vừa là vùng sâu, vùng giáp ranh giữa hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy nên người dân sống không hộ khẩu, đất sản xuất thì phát đâu trỉa đó. Chị Kê Thị Hải, người từng “định cư” ở Pa Ay nhớ lại: “Do thiếu đất sản xuất nên mấy gia đình bọn miềng vào Pa Ay để khai hoang vì đất đó rất tốt. Lâu dần ở mãi thành quen không ra Hồng Thủy nữa. Đến khi trận bão năm 2009, cả bản bị cô lập, nước vây bốn bề. Cả mấy ngày bản đói rã vì ngô, lúa đã bị nước cuốn trôi hết. Đợt đó may có cán bộ xã và bộ đội biên phòng vào giải cứu không thì nguy”.

Sau bao nỗ lực của các ngành, các cấp cùng chính sách tuyên truyền vận động, những hộ dân ở “bản bị lãng quên” đã ra với khu tái định cư Pa Ay. Giờ được ở trong căn nhà khang trang, chị Hải phấn khởi: “Trước đây miềng trồng 3 ha cây bời lời và lúa rẫy, cũng bữa đói bữa no. Bây chừ miềng biết ơn chính quyền lắm, đã cho nhà ở còn cấp thêm giống sản xuất, cả nhà không phải lo chạy gạo nữa".

"Muốn nhận thì phải cho đã chứ!"

Giở danh sách những nhà tài trợ, chung tấm lòng xây nên khu tái định cư mang theo ước mơ của đồng bào Hồng Thủy, ông Hồ Văn Liên, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết trong 105 nhà ở cho các hộ tái định cư có 90 hộ từ thôn 1 đến thôn 7 của xã Hồng Thủy nằm trong vùng thiên tai, sạt lở và 15 hộ dân bản Pa Ay với mức hỗ trợ 38,5 triệu đồng/nhà do Ngân hàng TMCP Công thương VN tài trợ 28 triệu đồng/nhà và 10 triệu đồng vốn đối ứng của địa phương. Ngân hàng TMCP Công thương VN cũng tài trợ thêm 2 tỷ đồng để xây nhà sinh hoạt cộng đồng và trường học. Bên cạnh những nguồn tài trợ chính còn có sự chung tay góp sức của chính những hộ dân Hồng Thủy đã hiến đất rẫy làm đất xây nhà và trường học cho khu tái định cư.

Những ngày này, đến bản mới Pa Ay, chúng tôi vẫn nghe đồng bào ở đây nhắc đến câu chuyện cảm động về việc hiến đất vì sự nghiệp chung là xây dựng nơi ở mới mang theo ước mơ của đồng bào Hồng Thủy. Một trong những hộ hiến đất nhiều nhất là ông Quỳnh Dê (53 tuổi, thôn 5) nhường 5ha đất rẫy xây mặt bằng nhà ở. Gặp ông khi vừa vác a - chói (gùi) trở về sau một ngày lam lũ trên rẫy. Với ông, cái “khái niệm” hiến đất xây nhà cho đồng bào thật đơn giản: “Bà con ai cũng có nhà mới, mình cũng muốn có một cái vì lâu nay sống trên nhà sàn, mưa dột tứ bề khổ sở. Mà muốn nhận thì phải cho đã chứ! Đất rẫy đó do những lớp người đi trước khai hoang để lại, người đồng bào mình cùng chung một nguồn cội cả mà".

Niềm vui của người dân khi đến nơi ở mới

Để hiến đất trở thành một phong trào không phải chuyện một sớm một chiều. Và, cũng không phải hộ dân nào ở Hồng Thủy cũng hiểu được cái “khái niệm” đơn giản ấy như ông Quỳnh Dê. Bí thư Liên nhớ lại: “Hồi mới triển khai dự án xây nhà cho đồng bào, nghe nói đến việc dọn đến nơi ở mới thôi, đồng bào đã chối đây đẩy. Họ bảo sao không “bưng” mấy cái nhà vào trong thôn Pa Ay (cũ) đi mà ra ngoài này làm gì cho nó xa xôi, trong đó lại có đất trồng lúa, ngô rẫy? Bà con nghe nhà mới cũng không muốn ở vì sợ “không quen”. Có hôm mình đang ở trụ sở ủy ban, có anh thanh niên đi làm rẫy về, quần ống cao ống thấp chạy xồng xộc lên xã, đòi gặp cho được đồng chí bí thư để “hỏi cho ra nhẽ” cái khu tái định cư là cái chi chi mà mấy cán bộ cứ bảo bà con hiến đất. Dù phải giải thích cặn kẽ cho bà con, đến từng nhà thuyết phục mình vẫn không nản. Từ những tấm lòng đầu tiên, sau khi khu tái định cư hoàn thành, bà con Hồng Thủy đã hiến gần 15 ha đất với hàng chục hộ dân tham gia.”

Ông Bùi Viết Dũng, Phó chánh văn phòng UBND huyện A Lưới, cho hay: “Niềm phấn khởi của bà con vào khu tái định cư mới đã thấy rõ. Vấn đề ổn định lâu dài, nhằm tránh tình trạng như những khu tái định cư khác bà con không ở, hoặc ở một thời gian quay về chỗ cũ, vừa qua, địa phương đã tiến hành họp các ban ngành nhằm xúc tiến việc cấp đất sản xuất và hỗ trợ giống cây, phân bón cho người dân. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững mới giúp bà con Hồng Thủy định cư lâu dài được”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất