| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS Dương Văn Viện, Hiệu trưởng Trường CĐ Nông nghiệp Nam bộ: Quy hoạch thủy lợi phải phục vụ đa mục tiêu

Thứ Sáu 17/02/2012 , 10:21 (GMT+7)

PGS.TS Dương Văn Viện
Nhận định về dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phạm Hồng Giang cho biết phần lớn các gói thầu đều phải điều chỉnh, bởi khi làm dự án mới chỉ tính đến việc xây dựng công trình thuỷ lợi phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt để trồng lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế tác hại của gió bão...

Nay chuyển đổi cơ cấu SX theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi; không độc canh cây lúa cần điều chỉnh lại quy hoạch thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trao đổi với NNVN, PGS.TS Dương Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ- người đã gắn bó nhiều năm với công tác thủy lợi, cho biết: Đúng như nguyên Thứ trưởng Phạm Hồng Giang đã nói, ngay từ những năm đầu tiên làm thuỷ lợi ở ĐBSCL chúng ta tập trung vào vấn đề làm sao để SX đủ lương thực cho đất nước. Những năm đó, mục tiêu 21 triệu tấn lương thực cho cả nước mãi không đạt được. Vì thế việc quy hoạch thủy lợi cho khu vực ĐBSCL chủ yếu đáp ứng yêu cầu hạn chế thiên tai, khai thác nước để SX lúa.

Thưa PGS. TS, với tư cách chuyên gia thủy lợi, xin ông cho biết vì sao các công trình thủy lợi ĐBSCL phải điều chỉnh?

Ngày nay, trong điều kiện đã có nguồn lương thực dồi dào, chúng ta buộc phải nghĩ đến cách khai thác thủy lợi sao cho có hiệu quả bền vững. Mặt khác, điều kiện nguồn nước, sử dụng đất đai, sự phát triển KT- XH cũng như khí hậu, thời tiết... đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận và thực hiện khác đi; vì vậy phải điều chỉnh lại quy hoạch thủy lợi.

Theo ông, hướng xây dựng công trình thủy lợi ĐBSCL, cần chú ý những yêu cầu nào?

Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL cần đáp ứng các yêu cầu:

1. Phải phù hợp với định hướng phát triển KT- XH của vùng ĐBSCL, với các quy hoạch phát triển ngành, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hoá, thâm canh cao, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, chú ý lợi ích quốc gia và phải hài hòa lợi ích giữa các vùng, các ngành.

2. Quy hoạch phát triển thủy lợi nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước phù hợp với phát triển ở thượng lưu và vùng lân cận, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình. Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: Bão, lụt, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, sạt lở đất...

Có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại. Cần kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển thủy lợi với quy hoạch giao thông, quy hoạch dân cư và các quy hoạch khác (vùng cây ăn quả, khu công nghiệp, khu nông nghiệp chất lượng cao...) trên các địa bàn.

3. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phải theo hướng phục vụ đa mục tiêu và toàn diện, phát huy các lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, bảo đảm tính thống nhất toàn vùng, phù hợp với đặc thù từng khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, giải quyết nước sinh hoạt phục vụ đời sống nhân dân. Nói chung, mỗi công trình, hệ thống công trình thủy lợi đề xuất đầu tư xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường.

4. Tận dụng một cách có hiệu quả các lợi ích do thiên nhiên mang lại, như nước lũ mang phù sa, nguồn lợi thủy hải sản và vệ sinh đồng ruộng, nước mặn với rừng ngập mặn, sinh thái vùng ven biển và nuôi trồng thủy sản… Quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước đảm bảo các yêu cầu trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vì thế, giải pháp quy hoạch phát triển thủy lợi của vùng cần tiếp tục cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với nhu cầu và tình hình mới nảy sinh.

Nhưng điều kiện tự nhiên, thời tiết ở ĐBSCL cũng đã có những chuyển biến. Vậy để đối phó với BĐKH, theo ông, cần chú trọng điều gì trong các dự án về thủy lợi?

Để đối phó với BĐKH, nước biển dâng cần có các giải pháp:

- Rà soát, bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông và các công trình phụ trợ bảo đảm an toàn và thuận tiện cho dân sinh, cho sản xuất.

- Từng bước xây dựng các dự án ngăn mặn, giữ ngọt, các công trình ngăn cửa sông làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng.

- Nghiên cứu, áp dụng các chỉ tiêu thiết kế phù hợp nhằm nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ.

- Xây dựng chương trình đánh giá để tiến tới nâng cấp các hệ thống thủy lợi đã có nhằm phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, đảm bảo công trình hoạt động an toàn.

- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến vào việc thiết kế, xây dựng các công trình thủy lợi; xây dựng các quy trình quản lý, vận hành hệ thống phù hợp điều kiện mới.

Kinh nghiệm của các nước trong khu vực, có điều gì để ta học hỏi?

Học hỏi kinh nghiệm các nước trong khu vực và trên thế giới luôn là một đòi hỏi đối với các nhà khoa học nói chung trong đó có khoa học thủy lợi. Việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nguồn nước đòi hỏi tính đồng bộ trong lưu vực. Đối với ĐBSCL, công việc này có liên quan chặt chẽ đến các nước trong khu vực, thông qua vai trò của Ủy ban sông Mê-Kông, với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào...

Ngoài ra, kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến nước biển dâng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia có nhiều vùng đất thấp trên thế giới như Hà Lan với đại công trình Zuiderzeewerken (Zuiderzee Works), Deltawerken (Delta Works). Và ở Mỹ ta có thể rút ra bài học từ cách chỉnh trị sông Mississippi, cách bảo vệ bờ biển Louisiana.

Đơn vị của ông đã thực hiện những dự án thủy lợi nào ở ĐBSCL nhằm thích nghi cho điều kiện và yêu cầu mới của vùng?

Trường chúng tôi cũng đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu để tìm cách nâng cấp cải tạo các cống vùng triều vừa và nhỏ ở Bến Tre, Tiền Giang, xây dựng quy trình vận hành cho các hệ thống nhằm thích ứng với BĐKH và bước đầu triển khai áp dụng ở địa phương.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất