| Hotline: 0983.970.780

Phá rừng kiểu mới

Thứ Ba 04/09/2012 , 10:32 (GMT+7)

Phá rừng kiểu “truyền thống” như đốt, đục gốc, cày cho đứt rễ cây… đã trở nên lỗi thời. Bây giờ có cách phá rừng kiểu mới là chặt hết cành, xới gốc khiến cây rừng bị chặt hết “chân tay”, trơ trụi và cao lêu nghêu như chiếc đũa, còn dưới gốc thì mất rễ!

Phá rừng kiểu “truyền thống” như đốt, đục gốc, cày cho đứt rễ cây… đã trở nên lỗi thời. Bây giờ có cách phá rừng kiểu mới là chặt hết cành, xới gốc khiến cây rừng bị chặt hết “chân tay”, trơ trụi và cao lêu nghêu như chiếc đũa, còn dưới gốc thì mất rễ! Điều đáng nói, kẻ ra tay không phải là lâm tặc mà chính là những người dân đã ký hợp đồng giao, chăm sóc những khoảnh rừng này.


Rất nhiều những cây rừng to đã bị chặt hạ

RỪNG ĐŨA

Trở lại rừng phòng hộ Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa phận các xã Tân Thành, Tân Hòa, Suối Ngô (huyện Tân Châu, Tây Ninh), chúng tôi không khỏi sửng sốt khi tận mắt nhìn rừng cây hoang tàn, trơ trụi lá cành. Những cây dầu, cây sao khoảng 10 tuổi, đường kính từ 10-20cm, bị chặt cành tỉa nhánh trụi lủi, chỉ còn ngọn cây cao chót vót, nhìn chẳng khác gì cây chông chĩa mũi lên trời. Ngửa cổ nhìn lên, chỉ thấy vài chiếc lá đang phất phơ trong gió. Phía dưới những cây rừng này là những hàng cây cao su, cây mì vừa được trồng, đang lên xanh tốt.

“Những cây này còn nhỏ, gỗ chưa sử dụng được nên họ chỉ chặt cành thôi”, anh S, người dân địa phương dẫn đường cho chúng tôi, nói.

Quả như lời anh S nói, chỉ quanh quẩn một lát trong một diện tích nhỏ, chúng tôi đã thấy cả chục gốc cây có đường kính 40-50cm bị cắt sát gốc. Trong số này, có nhiều gốc đã lên chồi cao gần bằng đầu người, nhưng nhiều cây dấu cắt còn rất mới. “Những cây này gỗ đã sử dụng được nên bị “thanh lý”, mà ai “thanh lý” thì không biết. Nhưng phá rừng kiểu này thiệt hại rất lớn: bên trên thì cây bị chặt hết “chân tay”, bên dưới thì cày xới sát gốc, đứt hết rễ làm cho cây sống thoi thóp và sẽ chết dần. Mục đích của họ là làm thoáng không gian bên dưới để trồng khoai mì, cao su”, anh S nói tiếp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là khu vực thuộc rừng phòng hộ, bảo vệ hồ Dầu Tiếng, thuộc BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn bộ diện tích rừng này được ký hợp đồng giao cho người dân trồng, chăm sóc từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, người dân được giao khoán với tiền công chỉ có…200 ngàn đồng/ha/năm.

Xác minh vấn đề này, chúng tôi cố gắng tìm gặp những người dân đứng tên trong hợp đồng trồng, chăm sóc rừng, nhưng không thể tiếp xúc được với họ. Đến nhà nào chúng tôi cũng bị từ chối tiếp bằng những câu: “Ổng đi làm xa rồi, tui đâu biết gì mà nói”, “Ổng không có nhà”…

Sau cùng, người duy nhất chịu nói chuyện với chúng tôi là ông L, ngụ xã Suối Ngô, là một trong số những hộ nhận khoán trồng rừng và trồng xen cao su từ đầu, nay cao su của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông S tiếp chúng tôi với lời “giao kèo” không được nêu tên ông trên báo vì ông biết việc phá rừng này là sai.

“Họ không chịu gặp các anh là phải, bởi vì họ đâu còn làm nữa, khoảng 80% diện tích đã được sang nhượng lại cho người khác rồi. Và chính những người nhận sang nhượng họ trồng cao su, khoai mì chứ không phải những người nhận khoán ban đầu. Tôi nhận khoán trồng, chăm sóc 12ha rừng ở tiểu khu 68, trồng cây dầu và sao. Ban đầu tôi không biết việc chặt cành cây này là sai, cứ nghĩ mình không chặt cây, chỉ trồng xen cây mì, cao su giữa hai hàng cây rừng thì đâu có hại gì. Tôi cũng được biết, cây cao su là cây đa mục đích nên sau khi thu hoạch keo tai tượng (cây phụ trợ), tôi đã trồng cao su thay thế cho cây keo. Anh tính, mỗi năm được trả có 200 ngàn tiền công chăm sóc, bảo vệ một ha rừng, làm sao mà sống? Cho nên, buộc chúng tôi phải tận dụng đất để sản xuất thôi”, ông S nói.

Tuy nhiên, đến nay ông S đã biết hậu quả của việc chặt cành cây và cam kết sẽ chặt bỏ cây cao su để trồng lại cây phụ trợ theo quy định.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng chặt cành tỉa nhánh cây rừng trong thời gian gần đây, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, cho biết: “Do cao su và khoai mì có giá nên thời gian qua xảy ra tình trạng những hộ dân có hợp đồng trồng rừng lén lút tỉa nhánh hoặc chặt phá rừng để lấy đất trồng cao su, khoai mì. Nghiêm trọng nhất là ở các tiểu khu 50, xã Tân Hòa, tiểu khu 54, xã Tân Thành”.

“Để ngăn chặn tình trạng phá rừng tiếp diễn, chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn và lập hồ sơ xử lý nhiều vụ vi phạm. 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng đã phát hiện, lập biên bản 141 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm trước). Sắp tới đây, có thể tình trạng chặt cành, hủy hoại rừng trồng để canh tác nông nghiệp còn diễn biến phức tạp. Chúng tôi sẽ tăng cường mọi biện pháp có thể để chặn đứng tình trạng phá rừng kiểu mới này”, ông Măng Văn Thới.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 4/2012, trong Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã có 25 trường hợp hộ hợp đồng trồng rừng lén lút chặt cành, tỉa nhánh cây rừng với diện tích lên đến 126,4ha. Ngoài ra, trong tháng 1/2012, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng còn có 6 trường hợp khai thác cây rừng trái phép với diện tích 1,57ha, đã bị Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh xử phạt hành chính.

“Để ngăn chặn tình trạng tỉa nhánh cây rừng, ngoài việc giám sát chặt, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm và mạnh những trường hợp vi phạm để răn đe. Đặc biệt, kinh phí chăm sóc, bảo vệ rừng chỉ có 200 ngàn đồng/ha/năm là quá thấp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng chặt cành cây rừng ngày càng trầm trọng hơn. Muốn họ chuyên tâm bảo vệ rừng, tối thiểu chúng ta phải đảm bảo đời sống kinh tế cho họ”, ông Thuần nói tiếp.

Ông Măng Văn Thới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cho biết: Theo quy định hiện hành về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, những hành vi phá rừng có mức xử phạt từ 20 triệu đồng trở xuống thì Chi cục Kiểm lâm được quyền ra quyết định xử phạt, còn từ 20 triệu đồng trở lên, chúng tôi phải chuyển lên UBND tỉnh, do UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Tính đến cuối tháng 6/2012, Chi cục Kiểm lâm đã chuyển lên UBND tỉnh 31 trường hợp có hành vi phá rừng phòng hộ trái pháp luật, mức xử phạt từ 25 đến 50 triệu đồng/trường hợp. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 8 trường hợp vi phạm, mỗi trường hợp 50 triệu đồng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm