| Hotline: 0983.970.780

Phải bắt chồng cháu rõ ràng chuyện tiền nong

Thứ Sáu 24/01/2014 , 09:54 (GMT+7)

Nhất định phải bắt chồng rõ ràng nghĩa vụ tiền nong với vợ con vào lúc nào đó. Nếu đến khi ấy mà chồng vẫn để cháu tự chi phí nuôi con thì sẽ phải chuẩn bị tinh thần đối thoại không xong, túi ai nấy giữ và dĩ nhiên, rồi sẽ là đường ai nấy đi.

Cô Dạ Hương ơi!

Cháu và chồng đều là viên chức của xã (hai xã khác nhau). Tụi cháu cũng yêu nhau 3 năm rồi mới đi đến hôn nhân. Giờ con của cháu đã được 3 tuổi.

Chuyện của cháu liên quan rất nhiều tới tiền bạc. Tụi cháu đã ra ở riêng, nhưng từ lúc ở riêng đến giờ chồng cháu không đưa lương cho vợ, anh có phụ giúp mẹ anh và để tiêu xài riêng. Mẹ chồng cháu nợ nhiều lắm (vì lo cho anh với mấy em đi học, làm ăn thua lỗ, ba chồng cháu mất khi chồng cháu đang học đại học năm thứ 2).

Cháu cũng thông cảm, nhưng lương của cháu giờ không đủ sống, cô biết mà. Ở riêng phí sinh hoạt rất nhiều, còn lo cho con nhỏ. Mà hầu như tất cả đều do cháu lo. Cháu đã nhiều lần nói với anh phụ tiếp cháu, mà lần nào cũng vậy, gần tới lương thì mẹ hỏi, rồi về cháu hỏi thì chồng cáu giận. Không ít lần tụi cháu cãi nhau dữ dội.

Còn mẹ chồng cũng không thông cảm với cháu. Bà nói “ở được thì ở không thì đi”. Những lần cãi nhau, chồng cháu cũng nói vậy. Lúc còn sống chung với mẹ chồng, cháu cũng có mượn tiền của bên cháu cho mẹ chồng xoay sở, rồi vàng cưới khi về một thời gian mẹ chồng cháu cũng mượn lại.

Lương của chồng lãnh dồn mấy tháng mẹ chồng cháu mượn, khi thấy mẹ có tiền cháu nhắc thì bà nói trả cho chồng cháu rồi. Lúc đầu anh phủ nhận nhưng vài ngày sau thì anh im luôn, cháu cũng không nhắc nữa. Nói chung là nhiều chuyện lắm.

Sắp Tết, tụi cháu quyết định sửa nhà (chỉ thay toilet hư cũ thôi, vì là nhà cũ của bên chồng cho). Lãnh lương tụi cháu tranh thủ thứ bảy, chủ nhật sửa. Chồng của cháu chưa lãnh tiền nên tất cả chi phí đều là lương của cháu.

À cháu còn trả nợ cho anh và đưa anh tiền để đi làm nữa. Sửa nhà xong thì cháu cũng hết tiền. Mới đây cháu biết anh có lương mà hỏi thì anh nói chưa có. Có lẽ là do mẹ chồng cháu hỏi mượn. Hễ đụng tới tiền là tụi cháu lại cãi nhau. Chồng cháu còn nói “Thấy sống không nổi thì thôi”.

Cô ơi cháu buồn lắm, cháu phải làm sao để chồng hiểu và chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với cháu? Đã ở riêng rồi giúp mẹ nhưng cũng phải lo cho vợ con chứ. Nhiều lần hết tiền cháu đã phải về mẹ đẻ để mượn (nhưng ít khi trả được). Cháu thấy mình bất hiếu quá. Ba mẹ lo cho ăn học giờ có chồng rồi không giúp được gì còn về làm gánh nặng cho ông bà.

Cô giấu e-mail giúp cháu.

Cháu thân mến!

Mọi cuộc chung sống, bao giờ cũng là chuyện muôn thuở như: Ở đâu, tiền bạc ra sao, đẻ mấy đứa con…Các cháu đã có nhà riêng do bên chồng cho, vậy cũng là quý, là cơ bản. Rất nhiều đôi vẫn phải ở với cha mẹ chồng, từ đó mà nảy sinh bao nhiêu là mâu thuẫn.

Có nhà và đã có con, các cháu đã có hai điều ước của hôn nhân. Cô nghĩ vấn đề tiền bạc khúc mắc là do hai yếu tố.

Thứ nhất, mẹ chồng góa bụa, nuôi nhiều con ăn học và thua lỗ làm ăn. Bước vào một gia đình nợ nần, cầm chắc không khí sẽ rất u ám, căng thẳng. Cô không biết bà mẹ chồng cháu nợ bao nhiêu nhưng cháu thì phải biết. Biết để có thời hạn với chồng mình, lúc nào đó anh phải thôi giúp mẹ trả nợ để lo cho vợ con anh chứ. Dĩ nhiên, nói như vậy là có chia sẻ rồi đó.

Thứ hai, còn là vì các cháu làm ở xã, thu nhập không bao nhiêu, góp lại còn chưa đủ sống huống chi mạnh ai nấy chi riêng.

Cãi nhau nhiều, cãi nhau mãi nên chồng cứ tạt ngang: Không sống được thì thôi đi. Ấy là lúc nóng giận, các cháu vẫn chữa nhà, thay toilet. Chứng tỏ cãi nhau đã thành nhàm, các cháu vẫn yêu thương và xây dựng cuộc sống. Cô thấy rất nhiều đôi lục cục mãi vì chuyện lương anh lương em.

Không có cách nào khác là thủ thỉ điều đình nhau. Chồng hết mực yêu thương vợ con thì chồng sẽ tự giác. Với các anh lương ít, chữ hiếu lại nặng nên vợ con mất nhờ. Chồng không chia sẻ, cãi nhau nhiều cũng vậy thì làm sao?

Mượn tiền bên mình cho nhà chồng thoát nợ và dùng vàng cưới để trả nợ cho họ, đó cũng không cá biệt mặc dù việc ấy là kỳ cục, khó coi. Thôi thì coi như mình đã làm một việc nghĩa khi mới bước vào nhà chồng vậy.

Nên chịu đựng một thời gian nữa. Bên mẹ cháu khá giả thì bù cho con gái, cho cháu ngoại cũng lẽ thường. Con mình thu nhập thấp, bên nào có thể chia sẻ thì cứ việc chứ đừng phân biệt bên nội bên ngoại gì cả. Rồi sẽ thoát ra lúc con mình lớn hơn (nhưng khoan hãy đẻ đứa thứ hai nhé).

Đến một lúc nữa hẵng hay. Để xem có phải nhà người ta là dân thực dụng, thủ túi và lợi dụng bên mình hay không. Có thể người ta nghĩ người ta lo cái nhà, mọi thứ khác cháu phải xin thêm bên cháu để góp sức. Nghĩ vậy không sai nếu quả tình bên nhà người ta vẫn nợ mà bên cháu lại thảnh thơi.

Nhất định phải bắt chồng rõ ràng nghĩa vụ tiền nong với vợ con vào lúc nào đó. Nếu đến khi ấy mà chồng vẫn để cháu tự chi phí nuôi con thì sẽ phải chuẩn bị tinh thần đối thoại không xong, túi ai nấy giữ và dĩ nhiên, rồi sẽ là đường ai nấy đi.

Đàn ông vốn sinh ra để cáng đáng gia đình, chồng không quan tâm đến trách nhiệm đó, tức là chồng từ chối vai trò người chồng người cha. Lúc đó, quả là cháu bất hạnh mới gặp một người như vậy và mình sẽ phải tính đến một giải pháp khác.

Đây là kỳ thư cuối cùng của năm âm lịch. Chúc cháu bình tâm, vui vẻ với căn nhà mới sửa và có một năm mới bình yên.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất