| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/01/2013 , 10:04 (GMT+7)

10:04 - 30/01/2013

Phải biết chờ đợi thôi!

Thông tin 30% lượng công chức cả nước “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Thông tin về 30% số lượng công chức trong cả nước không làm việc, hay nói nôm na là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mới đây không khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi trước đó, trong một phiên điều trần trước UB Thường vụ Quốc hội, chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thanh Bình cũng phải thừa nhận ý kiến của một vị đại biểu: “Khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải cầm tay, chỉ việc và hơn 30% còn lại là cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm”.


Ảnh minh họa

Thông tin không mới, nhưng hệ lụy của nó chẳng bao giờ cũ. Hằng năm, Nhà nước phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách vốn eo hẹp để trả lương cho khoảng gần bảy triệu công chức không làm việc được, tức là nhân dân đóng thuế để nuôi một đội ngũ vô tích sự này. Đội ngũ không làm được việc không chỉ hưởng lương, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Họ là lực cản cho sự vận hành của hệ thống hành chính công vì sự trì trệ, kém cỏi của mình, chưa kể họ có thể là nguyên nhân của nhiều tiêu cực, sách nhiễu người dân, gây mất đoàn kết nội bộ.

Ngoài số tiền lương, Nhà nước còn phải trả tiền cho những chi tiêu khác như điện, nước, điện thoại, công tác phí cho số công chức không làm được việc, chi phí này không nhỏ, và đây là một sự lãng phí ghê gớm, kéo dài năm này qua năm khác.

Biết rõ mồn một như vậy, nhưng sự bất hợp lý này vẫn tồn tại và gần như chưa thấy có phương sách giải quyết. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, cái cảnh ngồi “buôn chuyện” hay chơi game chờ hết giờ vẫn còn khá phố biến. Có những người suốt đời công chức chủ yếu là đi họp, từ cuộc họp nhỏ đến hội thảo, hội nghị. Họp rồi để tiếp tục họp nữa mà chẳng mang lại lợi ích, sáng kiến gì cho đơn vị. Chính vì vậy nên người dân đến cơ quan công quyền, thường phải gặp ách tắc vì cán bộ bận đi họp.

Trở lại với 30% công chức “không đem lại hiệu quả gì cho công việc”, một câu hỏi được đặt ra, làm cách nào để giảm (chưa dám mơ đến thay thế) con số trên? Chẳng lẽ trong thời gian chờ đợi, số công chức trên vẫn mặc nhiên “sớm cắp ô đi, tối cắp về”, trong khi biết bao người trẻ được đánh giá là có năng lực đang phải vật lộn do các DN phá sản, ngừng sản xuất, giảm biên chế trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp khó khăn?

“Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, và đến năm 2003 có sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ”, theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, được kỳ vọng giải quyết những tồn tại trên, nhưng xem ra, tỏ ra không mấy hiệu quả. Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn nạn này cũng được đặt ra phân tích, phê phán, nhưng biện pháp xử lý vẫn chỉ là lý thuyết.

Vì thế, nhiều người có trách nhiệm than thở rằng, chỉ còn cách chờ đợi thôi, chứ còn biết làm gì? Hô hào đuổi hết những kẻ vô dụng ra khỏi bộ máy có khi chỉ là khẩu hiệu phải hô nhiều lần và trong thời gian rất dài. Bởi vì đào thải được những người như thế không dễ, nếu chúng ta không có một cơ chế căn bản, khoa học về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ, đào thải cán bộ, công chức.