| Hotline: 0983.970.780

Phải biết nhìn xa hơn!

Thứ Hai 01/07/2013 , 09:37 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ tọa đàm giữa ông Shane Emms - Tổng GĐ Cty Syngenta Việt Nam với báo chí...

Cuối tuần qua, tại TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ tọa đàm giữa ông Shane Emms - Tổng GĐ Cty Syngenta Việt Nam với báo chí trong không khí thân thiện, cởi mở để chia sẻ quan điểm về sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam và những thách thức cũng như cơ hội qua con mắt của một chuyên gia nước ngoài từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này ở nhiều quốc gia trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam.


Ông Shane Emms - Tổng GĐ Cty Syngenta Việt Nam

Thưa ông, suốt quá trình sống và làm việc tại Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam?

Vâng, trong suốt nhiều năm sống và làm việc tại đây, riêng bản thân tôi đã cảm nhận được nhiều sự thay đổi tích cực trong nền kinh tế nói chung cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng ở đất nước Việt Nam của các bạn. Tôi rất vui mừng khi chứng kiến người nông dân rất ham học hỏi để ứng dụng TBKT vào sản xuất và đã gặt hái được nhiều vụ mùa bội thu trên đồng ruộng của họ, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trước thực trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và mức thu nhập của người nông dân, hiện nay họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

Thực tế việc trồng bắp sẽ ít bị ảnh hưởng tác động bởi yếu tố thị trường giá cả so với trồng lúa. Vậy tại sao lâu nay việc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp cho năng suất cao ở các địa phương vẫn còn rất chậm?

Theo tôi được biết, riêng trong lĩnh vực trồng lúa hiện tại người nông dân đang đứng trước rất nhiều thử thách bởi yếu tố thị trường tác động. Công ty Syngenta chúng tôi cũng đang có kế hoạch và chiến lược mới để tác động đến chính quyền các địa phương nhằm giúp người nông dân chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp cho năng suất, chất lượng cao. Thực tế, trước nguồn tài nguyên đất đai có hạn thì việc canh tác bất cứ cây trồng gì cũng phải đảm bảo nguồn thu nhập tốt, ổn định cho nông dân, nâng cao cuộc sống của họ. Chính vì thế, trong thời gian qua chúng tôi đã giới thiệu cho nông dân ở nhiều tỉnh, thành cả nước, đặc biệt ở vùng miền núi, cao nguyên những phương thức canh tác mới cũng như giống bắp mới của Syngenta để bà con thấy được lợi ích thực tế khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp.

Tôi được biết Việt Nam đang đặc biệt chú trọng đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ đạo nhằm đem lại nguồn lợi cao cho đất nước. Nhìn nhận thực tế ngoài mặt hàng lúa gạo là chủ đạo thì tiếp theo chúng ta có thể tập trung đầu tư đẩy mạnh sản phẩm bắp lên thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam. Để thực hiện điều này, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cũng đang có định hướng rất rõ để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hơn nữa, ngành chăn nuôi ở Việt Nam đang rất phát triển, nếu chúng ta chú trọng vào việc phát triển trồng bắp cho năng suất cao thì không những đáp ứng tốt cho xuất khẩu mà còn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do vậy, quan điểm của tôi, Việt Nam cần chú trọng vào hai cây trồng chính là lúa và bắp.  

Bộ NN-PTNT đang có chủ trương chuyển đổi từ lúa cho năng suất thấp ở vùng ĐBSCL sang trồng bắp. Tuy nhiên, đến nay diện tích mới chỉ khoảng 14.000 ha bắp, việc chuyển đổi vẫn rất chậm? 

Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của Bộ NN-PTNT vì tất cả các nước láng giềng của Việt Nam như Myanmar, Campuchia hay Indonesia… cũng có đầy đủ các điều kiện về thời tiết, khí hậu, đất đai tốt để trồng lúa xuất khẩu. Do vậy, việc loại bỏ bớt diện tích của vụ lúa xuân hè để chuyển sang trồng bắp là một chủ trương rất đúng đắn. Còn đến nay diện tích bắp của vùng ĐBSCL mới chỉ đạt được phần nào theo kế hoạch thì đây rõ ràng là một thử thách lớn. Hơn nữa, vào mùa mưa lượng nước trên đồng ruộng khá cao sẽ bất lợi cho cây bắp phát triển, dễ phát sinh nguồn bệnh hại bắp. Nhất là bệnh sọc lá vẫn đang xảy ra tại nhiều địa bàn mà ngay cả một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng khẳng định rất khó khăn trong việc quản lý loại bệnh này trên cây bắp.

Trước thực tế giá nguyên liệu bắp trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Vậy, ông có ủng hộ việc áp dụng cây trồng chuyển gen nhằm đạt năng suất cao và hạ giá thành sản phẩm. Nếu không sử dụng công nghệ chuyển gen thì có thể ứng dụng giải pháp nào thay thế hiệu quả?

Theo tôi, khi nền kinh tế bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau thì tùy vào từng thời điểm mà giá cả thị trường của các sản phẩm cây trồng cũng sẽ thay đổi theo. Một số DN sản xuất thức ăn gia súc của VN hiện phải nhập khá nhiều nguồn nguyên liệu bắp từ Ấn Độ về, nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng rất mong muốn tìm được nguồn bắp tốt trong nước với mức giá hợp lý để phục vụ sản xuất sẽ tiện lợi hơn. Mặt khác nếu áp dụng CNSH tiên tiến vào sản xuất thì sẽ giúp cho cây trồng nâng cao năng suất và người nông dân cũng thu được lợi nhuận vượt trội. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng cân nhắc việc sử dụng hạt giống chuyển gen hay dùng hạt giống bình thường. Xu hướng hiện nay trên thế giới là nâng cao việc sử dụng hạt giống chuyển gen, giảm dùng hạt giống bình thường phải dùng thuốc BVTV vì ít nhiều sẽ gây hại tới môi trường. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Syngenta là một trong những công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực nông dược và công nghệ sinh học. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ xu hướng trong tương lai toàn thế giới sẽ sử dụng CNSH vào ngành nông nghiệp và các cây trồng nhiều hơn.

Việt Nam dự kiến sẽ đưa cây trồng chuyển gen ra trồng đại trà vào năm 2015, vậy theo ông có chậm hay không?

Theo tôi, tất cả những gì thuộc về công nghệ mới bao giờ cũng phải mất một khoảng thời gian để kiểm nghiệm rồi mới đưa vào sử dụng. Công ty Syngenta chúng tôi đang tích cực hoàn thiện mọi thủ tục để sớm đưa ra sản phẩm hạt giống chuyển gen ra thị trường. Việc sử dụng hạt giống chuyển gen vào sản xuất sẽ chẳng gặp khó khăn gì, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ “nhà nông tiên phong” tại các địa phương trong cả nước. Từ những nông dân tiên phong này họ sẽ là “đại sứ” tuyên truyền kỹ thuật để nhân rộng mô hình hiệu quả. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi khi phân phối hạt giống chuyển gen trên thị trường nhằm đem lại sự thay đổi tư duy tích cực cho người nông dân Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập. Khi làm được điều đó chúng tôi thấy rất tự hào và thấy có ý nghĩa đối với với mình.

Là một chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm, trước khi chia tay về nước, ông dành lời khuyên như thế nào cho người nông dân Việt Nam?

Tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều nông dân ở khắp các tỉnh, thành Việt Nam, họ rất thân thiện và cầu tiến, ham học hỏi kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, tôi chỉ khuyên bà con nông dân khi tiến hành nuôi bất cứ con gì và trồng bất cứ loại cây gì trên đồng ruộng của mình thì cần phải suy nghĩ xa hơn rằng việc đầu tư của ngày hôm nay sẽ mang lại điều gì có lợi trong tương lai. Đồng thời họ cũng nên xác định tinh thần sẵn sàng đầu tư để đem lại lợi nhuận cao trong mùa vụ sản xuất. Tôi luôn tin tưởng rằng trong vòng 10 hay 15 năm nữa bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất đáng kể mà chúng ta có thể nhìn thấy điều đó được thể hiện ngay trên gương mặt của những trẻ em nông thôn. Đặc biệt khi người dân mạnh dạn áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm