| Hotline: 0983.970.780

Phải bít các kẽ hở trục lợi khi sửa đổi Nghị định 67

Thứ Sáu 22/09/2017 , 14:05 (GMT+7)

Trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã lộ diện kẻ hở, bất cập dẫn đến tiêu cực, trục lợi chính sách. Vấn đề đặt ra là phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định để mục tiêu đặt ra đúng với chủ trương.

Đeo bám cơ sở đóng tàu như ngư dân bám biển

Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bộc bạch rằng, nếu tính từ tỉnh Quảng Nam trở ra miền Bắc thì Nghi Sơn là chi nhánh đầu tiên cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép có công suất trên 800CV. Nói ra để thấy chúng tôi không nề hà ngay từ đầu.

18-24-16_ong_nguyen_vn_hoe
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Agribank chi nhánh Nghi Sơn

Tại thời điểm này, không ít nơi ngần ngại cho ngư dân vay đóng tàu 67 với các lý do khác nhau, song chúng tôi vẫn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của ngư dân. Hiện đơn vị có 12 dự án đóng tàu 67 với tổng dư nợ 112 tỷ đồng; đã có 7 tàu hạ thủy và 3 chủ tàu có tiền trả nợ theo kế hoạch.

Nghe ông nói, có vẻ việc triển khai Nghị định 67 ở Nghi Sơn khá thuận lợi và rất ổn? - PV hỏi. Ông bảo, gian truân lắm. Ngay khi chưa có Nghị định 67, tại chi nhánh đã có 100 dự án cho ngư dân vay đóng tàu rồi, tưởng sẽ có kinh nghiệm nhưng không phải. Đây chính là thử thách cho chúng tôi.

Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Agribank Nghi Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của ngư dân trong vận hành tàu cá 67. Chính vì trình độ học vấn hạn chế, việc đào tạo vận hành tàu có công suất lớn của đa số ngư dân chưa được bài bản nên không ít thiết bị hiện đại, ngư dân không thể vận hành đúng dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Chẳng hạn, cái tời được thiết kế kéo 30 tấn cá nhưng có tàu kéo đến 50 tấn cá thế là cha, con đành nhảy xuống biển cắt lưới cho cá ra bớt đi để kéo được lưới lên.

Sau 3 năm triển khai tôi rút ra nhiều bài học với mong muốn Chính phủ và Bộ NN-PTNT nghiên cứu xem sửa đổi Nghị định đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc đầu tiên theo ông Hòe đó là lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho ngư dân. Cái này thực sự là gánh nặng cho cán bộ tín dụng.

“Tôi phải nói thực lòng rằng, hầu hết ngư dân miền biển có trình độ học vấn rất thấp. Vì thế để hoàn thiện bộ hồ sơ với đủ các loại giấy tờ rườm rà là nỗi vất vả cho cán bộ tín dụng. Mang một bộ hồ sơ từ huyện lên tỉnh phải có ô tô chở vì nó quá nhiều. Nếu cán bộ tín dụng không trực tiếp làm với ngư dân, hướng dẫn từng khâu, từng chữ một thì không biết đến bao giờ mới đóng được tàu”, ông Hòe bày tỏ.

Có một vấn đề ông Hòe đưa ra gây chú ý cho nhiều người trong đoàn chúng tôi đấy là việc ông cùng các cộng sự đeo bám cơ sở đóng tàu đến mức ông chủ Cty đóng tàu tại Nam Định “phát ghét”. Ông Hòe nói, việc mười mấy con tàu vỏ thép ở Bình Định gặp sự cố sau khi ra khơi không khiến ông bất ngờ vì ông đã cảm nhận được trong quá trình theo dõi việc đóng tàu cho ngư dân.

Ông Hòe khẳng định, hầu hết tàu vỏ thép 67 đều không được như mong muốn. Về phía ngân hàng, chi nhánh tôi giám sát kỹ như thế, đưa cả ngư dân đi cùng nhưng cũng không biết hết được. Đấy là lý do vì sao ngư dân không mặn mà tàu vỏ thép. Ngư dân cho rằng, họ biết được chất liệu từng loại gỗ còn vỏ thép thì chịu. Vậy thì cán bộ tín dụng sao biết được.

Ngay khi hạ thủy tàu, ông Hòe yêu cầu Cty đóng tàu phải cử cán bộ kỹ thuật lên tàu đi cùng với ngư dân và cán bộ tín dụng. Chính vì thế, quá trình tàu vận hành đã phát hiện được các lỗi. Có một tàu, ông Hòe yêu cầu Cty đóng tàu phải thay tời đến 3 lần.

“Đến cái tời thứ 3 thì nó mới ổn và hoạt động tốt. Nếu ngư dân thả lưới xuống mà tời không được thì coi như ngư dân mất toi cái lưới từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Đấy là lý do tôi kiên quyết với đơn vị đóng tàu”, ông Hòe kể.

“Cũng nhờ tàu 67 mà tôi có thêm kiến thức và nhận thấy rõ những mánh khóe của việc làm gian lận các Cty đóng tàu”, ông Hòe tủm tỉm cười rồi bảo, ngay cái việc sơn con tàu cũng đặc biệt quan trọng. Nước biển mặn, sóng lớn, dùng sơn đểu và sơn không đến nơi đến chốn lại gặp phải thép kém chất lượng ra khơi vài chuyến là tàu hỏng. Do đó, giám sát việc sơn tàu cũng phải nhờ người.

Một tàu khác, ông Hòe đề nghị nổ máy để kiểm tra trước khi cho hạ thủy, phía Cty đóng tàu bảo phải mất 4 tiếng đồng hồ. Ông Hòe dứt khoát, 16 tiếng tôi vẫn ngồi được. Thế là khi máy phát lên, hệ thống bóng đèn phát sáng tốt lắm, nhưng khi tàu hạ thủy đánh bắt cá thì máy phát không đủ điện, bóng cháy liên tục. Ngay lập tức tôi yêu cầu Cty thay máy khác cho con tàu.
 

Giao Cty đóng tàu khái toán là kẽ hở

Nếu được kiến nghị vào dự thảo Nghị định 67 sửa đổi bổ sung, ông sẽ đề xuất những vấn đề gì? Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Chi nhánh Agribank Nghi Sơn không ngần ngại bảo rằng, trước hết, đề nghị Chính phủ khắc phục các kẽ hở và những bất cập trong Nghị định hiện hành. Chẳng hạn, việc giao cho Cty đóng tàu trực tiếp khái toán giá đóng con tàu là kẻ hở dễ xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

“Tôi ví dụ, thực tế đóng 1 tàu vỏ thép với kích cỡ, mẫu tàu, chất liệu… mọi thứ như nhau nhưng tại sao, nơi thì khái toán con tàu 13 tỷ, nơi lại 15, có nơi 19 tỷ đồng? Đó là chưa nói đến việc, ngư dân được vay đến 95% tổng giá trị con tàu, với tư cách chủ đầu tư, theo lệ bất thành văn, nhà thầu sẵn sàng chi lại quả cho chủ đầu tư một khoản, như vậy không khéo đóng xong tàu ngư dân còn có tiền bỏ túi. Vậy thì việc khái toán con tàu lên cao, chênh lệch xa với thực tế là một kẻ hở trong chính sách hiện hành”, ông Hòe kiến nghị phải sửa ngay chỗ này bằng việc thuê Cty độc lập bên ngoài thực hiện.

Đề nghị thứ hai của ông Hòe đó là Nghị định hiện hành chưa có chế tài xử lý ngư dân không chịu trả nợ mặc dù việc đánh bắt không phải khó khăn. Cái này ông Hòe và rất nhiều tổ chức tín dụng khác đều có chung quan điểm này. Đó là việc chúng ta cho vay nhưng lại không có tài sản đảm bảo để buộc trách nhiệm với ngư dân. Việc lấy con tàu hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo là mong manh với khả năng thu hồi vốn cho ngân hàng. Bất hợp lý đó cần phải được điều chỉnh ngay...

18-24-16_tu_vo_go_67_cu_mot_ngu_dn_o_tinh_gi_thnh_ho
Tàu 67 vỏ gỗ của ngư dân Nguyễn Văn Thân (Tỉnh Gia, Thanh Hóa)

Lãnh đạo một số địa phương cũng từng có ý kiến như đề xuất trên của ông Hòe. Cách đây 3 năm, ngay sau khi Nghị định 67 ra đời, PV đã tìm hiểu tại xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên một trọng điểm đánh bắt cá của Hải Phòng và toàn miền Bắc.

Theo nhận định của ông Vũ Văn Nghía, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ lúc bấy giờ thì mọi “nút thắt” đều từ chính sách. Giải pháp mà ông Nghía đưa ra là chẳng hạn ở Lập Lễ đóng mới con tàu hết 10 tỷ đồng thì ngư dân phải có ít nhất 2 - 3 tỷ đồng tiền mặt. Số còn lại vay của ngân hàng nhưng phải thế chấp.

Tài sản thế chấp được xác định từ chính còn tàu đóng mới nhưng chỉ áp cho mức 5 - 6 tỷ đồng. Phần còn lại thế chấp bằng số tài sản của ngư dân như nhà cửa, đất đai. Quá trình thu hồi vốn thì tiến hành thu khoản thế chấp của con tàu trước, rồi đến phần thế chấp tài sản của ngư dân.

Nhưng đòi hỏi đối ứng như vậy, liệu ngư dân có chịu đựng được không? - PV băn khoăn.

Chủ tịch UBND xã Lập Lễ khẳng định, phải tùy thuộc từng địa bàn để làm. Chúng ta không nên cứng nhắc kiểu đại trà nơi nào cũng phải có tàu vỏ thép mà phải căn cứ vào đặc thù ở mỗi vùng, mỗi ngành nghề để đầu tư. Hơn nữa, ngư dân đó thực sự có tiềm năng và năng lực sử dụng đội tàu cá hiện đại để vươn khơi chứ không phải cứ có chính sách là lập hồ sơ vay tiền mà khai thác chẳng đâu vào đâu. Cuối cùng khổ cho ba bề bốn bên.

Khác với nhiều nơi, các ngân hàng thương mại tại Thanh Hóa được trực tiếp tham gia ngay từ đầu quá trình lập danh sách, thẩm định năng lực của ngư dân nên khi trình danh sách phê duyệt đủ điều kiện vay vốn là hầu hết các hồ sơ không bị trả lại. Trong khi đó nhiều địa phương, khi tiếp nhận danh sách từ tỉnh chuyển sang, ngân hàng mới đi thậm định thì có nhiều hồ sơ không giải ngân được.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.