| Hotline: 0983.970.780

Phải chăng không thể quản nổi kháng sinh trong thủy sản?

Thứ Tư 29/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Hiện nay, việc mua bán kháng sinh nguyên liệu thú y thủy sản giữa các doanh nghiệp trên thị trường và thành phẩm ở các đại lý, cửa hàng đang rất bát nháo, lộn xộn. Liệu siết chặt được không?

Chỉ riêng vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm hàng năm đạt trên 500 ngàn ha, chỉ cần sử dụng 2 kg/ha trong 2 vụ tôm/năm thì đã tiêu tốn hết 1.000 tấn thuốc kháng sinh.

Quản lý thế nào để khối lượng kháng sinh “khủng” này vừa không gây hại cho môi trường mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu thực sự là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý và cơ quan chức năng.

“Mê hồn trận" kháng sinh nguyên liệu

Theo số liệu của Sở KH-ĐT TP.HCM, tính đến cuối tháng 6, có 53 DN được cấp phép SXKD thuốc thú y và thủy sản. Tuy nhiên hoạt động của các doanh nghiệp này sau cấp phép như thế nào thì Sở không thể biết được.

Thế nên, theo tìm hiểu chúng tôi, số DN có thực lực để xây dựng nhà máy SX có Giấy chứng nhận thực hành tốt SX thuốc thú y GMP chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại tất cả đều đi gia công. Đây là thị trường cạnh tranh phức tạp, nhất là lĩnh vực thuốc kháng sinh thủy sản do nó là mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận.

Trên thị trường các loại kháng sinh nguyên liệu có nguồn gốc từ thú y thủy sản hiện đang được các công ty giao dịch mua bán rất dễ dàng, phổ biến nhất là kháng sinh Oxytetracyline, Tetracyline, Amoxiciline, Doxyciline, Norfloxacin, Cephalexin, Tylosin, Colistine... và cả chất cấm Enrofloxacin được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ về được đựng trong các thùng quy cách 25 kg.

Trong đó, các chất hạn chế sử dụng trong thủy sản như Oxytetracyline, Tetracyline, Amoxiciline, Colistine có giá từ 1-2 triệu đồng/kg, các chất còn lại khoảng 800 ngàn đồng/kg. Riêng chất Enrofloxacin do Cục Thú y tạm thời dừng nhập khẩu 3 tháng (từ ngày 15/4 đến 15/7 - PV) nên giá bán rất cao, lên đến 5-7 triệu đồng/kg, mà vẫn không có hàng.

Ngày 24/6, trong vai một nhân viên công ty thủy sản, chúng tôi liên hệ với Cty Hóa chất Hồng Hân ở quận 5, TP.HCM, để mua 2 loại kháng sinh nguyên liệu là Oxytetracyline và Enrofloxacin. Chị Vân, nhân viên giao dịch sau khi báo giá đã căn dặn tôi: “Chất Enrofloxacin được sử dụng sản xuất thuốc thú y, nhưng hiện là chất cấm dùng trong thủy sản, sau tháng 7 này là bị xử lý hình sự đó, nếu có dùng thì cẩn thận chút xíu nghe”.

- Vậy số lượng Enrofloxacin hiện còn nhiều không?

- Cty em đang bán là hàng tồn, chờ sau giữa tháng 7, bên Cục Thú y cho phép nhập khẩu trở lại thì giá chắc chắn sẽ hạ, mua bán cũng dễ dàng hơn thôi.

Trong khi giá 1 kg nguyên liệu kháng sinh như nói trên dao động khoảng 800 ngàn đến 2 triệu đồng/kg, nhưng sau khi đưa vào độn với tá dược vừa đủ mà chủ yếu là bột mì, sô đa... là có thể sản xuất ra 30-40 kg thành phẩm với vô số tên thương mại được đóng gói trong bao bì bắt mắt có trọng lượng tịnh 500 gr đến 1 kg, chỉ cần bán giá thấp nhất 200 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí gia công, bao bì là đã có lãi gấp 3-4 lần giá vốn.

10-17-41_h2
Tôm chết đáy do bệnh hoại tử gan tụy (tác nhân vi khuẩn) đang là nỗi lo thường trực của các ao tôm

 

Chính vì siêu lợi nhuận nên hầu hết các Cty thuốc thú y đổ xô SXKD thuốc kháng sinh thủy sản ngày một nhiều, có Cty ăn gian hàm lượng đăng ký trên bao bì bằng cách tăng chất độn (dạng bột) hoặc pha loãng (dạng nước), điều này dẫn tới người nuôi tôm thay vì nếu sử dụng đúng liều lượng ghi trên bao bì chỉ có 2 kg/ha thì phải tăng “đô” lên gấp 2-3 lần mới có hiệu quả. Thậm chí, họ còn đưa kháng sinh không nhãn mác đến các ao tôm tiếp thị với giá cực rẻ chỉ có 100-150 ngàn đồng/kg.

Quản lý kiểu nào?

Trong khi diện tích vùng nuôi tôm ở khu vực ĐBCSL lên đến hàng trăm nghìn ha liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nhưng trách nhiệm chính quản lý giám sát hiện nay lại thuộc về Chi cục Thú y các tỉnh.

Vừa gánh trách nhiệm quản lý thuốc thú y, rồi còn “đè” thêm cả thủy sản (kháng sinh, men vi sinh, chất khoáng, vitamin...) thì đúng là quá tải, quản lý không tới.

“Cái khó của cơ quan quản lý là làm việc theo quy trình, trong đó việc kiểm tra, lấy mẫu chuyển đi phân tích, rồi chờ kết quả tốn rất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc giám sát tại chỗ cũng chưa có biện pháp hữu dụng, ngay cả dụng cụ hỗ trợ để xác định được có kháng sinh thủy sản cấm trong ao nuôi hay không thì đến nay vẫn chưa có” - ông Lê Minh Khánh.

Chính vì “quản lý không tới” nên khi chúng tôi liên hệ với một số thanh tra Chi cục Thú y để “xin” số liệu kết quả thanh, kiểm tra xử phạt các đại lý, cửa hàng bán thuốc thú y thủy sản, kể cả nhận định về tình hình quản lý thời gian qua thì gần như đều lắc đầu, bởi ngay cả thanh tra cũng không được phép phát ngôn, cung cấp thông tin ra bên ngoài nếu như chưa được sự đồng ý của Chi cục trưởng.

Vì vậy, khi hỏi về kết quả hoạt động kiểm tra thuốc thú y thủy sản trên địa bàn các huyện, lãnh đạo các Trạm thú y cũng gần như mù tịt, bởi có tham gia đoàn kiểm tra nhưng chỉ với vai trò thành viên “thụ động”.

Tại tỉnh Long An, nơi có diện tích nuôi tôm lên hơn 5.000 ha nhưng trách nhiệm quản lý thuốc thú y thủy sản tập trung chính vào phòng thanh tra Chi cục với nhân lực vỏn vẹn có 5 người kể cả lãnh đạo trưởng, phó phòng.

Thế nên, dù có tăng cường kiểm tra cao nhất 2 lần/năm cũng không tài nào giám sát hết hàng trăm đại lý cửa hàng bán thuốc kháng sinh thủy sản trải dài từ thị trấn đến tận các ấp vùng sâu, vùng xa.

Tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đang có diện tích thả nuôi trên 100 ha. Ông Nguyễn Quốc Bảo, cán bộ thú y địa bàn xã nhẩm tính, có 20 cơ sở, hộ dân mua bán thuốc thú y thủy sản rải đều trên 6 ấp, nhưng chỉ có 2-3 cơ sở là có cấp phép, còn lại đều chui.

10-17-41_h3
Hộ nuôi chuẩn bị xử lý ao tôm bằng kháng sinh

 

Trong đó, có hộ dân tận dụng nhà ở làm kho chứa hàng, chuyên đi lấy thuốc kháng sinh thủy sản từ nơi khác, sau đó mang trực tiếp đến các ao tôm bỏ mối. Đối với các hộ mua bán “linh động” như vậy thì quản lý kiểu gì cũng bó tay.

Vẫn theo ông Bảo, hàng năm, trước các vụ nuôi, ngành chức năng của tỉnh và huyện có thông báo quán triệt người nuôi thực hiện đúng khung lịch thời vụ, cung ứng nguồn giống chất lượng, đồng thời tuyên truyền các hộ nuôi tránh dư lượng kháng sinh nhằm đảm bảo chất lượng tôm nuôi.

Tuy nhiên, các chủ ao nuôi có thực hiện hay không là quyền của họ, thậm chí có sử dụng kháng sinh cấm, nếu biết, cũng không có quyền xử lý.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, nơi có diện tích nuôi tôm hơn 4.000 ha, theo ông Lê Minh Khánh (PGĐ Sở NN-PTNT), dù dịch bệnh trên tôm thời gian gần đây có giảm nhưng trái lại việc kiểm soát sử dụng kháng sinh đang gặp rất nhiều khó khăn, do bởi các hình thức mua bán kháng sinh, chất cấm trong thủy sản ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, tình trạng các doanh nghiệp không phân phối sản phẩm thông qua các kênh thông thường như cửa hàng, đại lý mà chuyển thẳng đến ao nuôi đang gần như công khai.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.