| Hotline: 0983.970.780

Thông tin lãnh đạo ngành đường sắt nhận hối lộ:

Phải chăng tham nhũng hết thuốc chữa?

Thứ Tư 26/03/2014 , 13:51 (GMT+7)

Những nhà chính trị, xã hội tâm huyết nhận định nghi án nhận hối lộ 16 tỷ chẳng khác nào vụ PMU 18 và dường như nạn tham nhũng đang... hết thuốc chữa!

+ Chính con cháu chúng ta phải trả nợ

Chia sẻ với phóng viên NNVN ngày 25/3, một số chuyên gia ngành đường sắt đau lòng, xót xa. Còn những nhà chính trị, xã hội tâm huyết nhận định chẳng khác nào vụ PMU 18 và dường như nạn tham nhũng... hết thuốc chữa!

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chính con cháu chúng ta phải trả nợ

Trên 16 tỷ đồng - thông tin số tiền đưa và nhận hối lộ này ở ngành đường sắt có thể gây sốc cho nhiều người nhưng riêng tôi không lạ, bởi cách đây 6 năm, cơ quan điều tra đã phải vào cuộc để làm rõ vụ nhận hối lộ Đại lộ Đông Tây ở TP.HCM. Khi đó, cơ quan điều tra Việt Nam đã khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM về tội nhận hối lộ của một nhà thầu tư vấn Nhật Bản rồi.

Thế mà cho đến bây giờ, Việt Nam chẳng rút ra cho mình bài học gì từ vụ tham nhũng đó. Vì thế, nhiều người vẫn cho rằng đây không phải là hai vụ đơn lẻ và cũng không phải vụ cuối cùng. Thêm nữa, ở hầu hết vụ án tham nhũng, Việt Nam luôn ở thế bị động, chỉ khi nào báo chí hay nước ngoài cung cấp thông tin thì chúng ta mới phát hiện ra.

Cuối cùng, chỉ khi nào ăn chia không công bằng, nội bộ tố cáo nhau mới lộ ra. Tôi cho rằng, những lý do trên hoàn toàn có cơ sở.

Tôi nghĩ, quy định pháp luật của ta có vẻ rất chặt chẽ nhưng người thực hiện lại không như vậy. Trong khi tình trạng “nghiêm với dân nhưng lại lỏng với các quan” ở một số cơ quan thanh tra nhà nước đang khá rõ. Thêm vào đó, hiện nay ở VN chưa có quy định rõ ràng về vận động hành lang, trong khi đây là cách đi rất công minh mà nhiều nước đang áp dụng.

Căn nguyên của nhiều vụ việc tiêu cực chính là không công khai, minh bạch, thiếu sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan với nhau. Có lẽ tất cả bởi cơ chế hiện nay của ta đang là như vậy. Bạn hình dung xem, nếu trong một doanh nghiệp, một ông vừa làm Tổng giám đốc lại kiêm Chủ tịch HĐQT, kiêm Bí thư Đảng ủy thì ai dám động vào.

Bây giờ đây, ở góc độ một người dân, theo tôi, để giải quyết dứt điểm vấn đề không hề đơn giản bởi nó không dừng lại ở 1 đối tượng cụ thể, 1 vụ việc cụ thể. Chúng ta cần phải thay đổi cơ chế nhằm hạn chế thấp nhất hiện tượng như thế này.

Tại sao cho đến giờ, Việt Nam không thể giải quyết dứt điểm những vụ việc này bởi chúng ta không công khai, minh bạch. Rồi cơ quan nào cũng được giao nhiệm vụ giám sát nhưng chẳng có ai thực hiện vì không có quyền. Ngay như cơ quan cao nhất là Quốc hội, có chức năng giám sát nhưng lại nói rằng, không có đủ thông tin?!

Tôi cũng để ý đến báo cáo trong mỗi kỳ họp Quốc hội, liên quan đến công tác chống tham nhũng chỉ được vài dòng và biện pháp thì rất chung chung. Ai cũng thừa nhận có cán bộ tham nhũng nhưng cán bộ nào tham nhũng? Ai chứng minh được khối tài sản to khổng lồ mà cán bộ công chức nhà nước kia có được (dù nhiều đời cũng không thể dành dụm được)?

Chẳng có ai làm cả. Vì thế, vụ việc lại chìm vào quá khứ. Hay như việc chạy chức chạy quyền cũng vậy. Một anh từng làm bảo vệ, sau 10 năm, lại chễm chệ ngồi trên ghế Phó Chủ tịch một tỉnh. Sự việc rõ ràng như thế nhưng ai vào cuộc để làm sáng tỏ đây? Chẳng có ai.

“Lo ngại nếu minh bạch quá, rõ ràng quá thì sẽ không có dự án bằng nguồn vốn ODA nào dám bắt tay”, điều này theo tôi hoàn toàn sai. Bởi vì nếu chúng ta càng để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng lình xình thế này thì nước ngoài càng e ngại viện trợ. Chúng ta phải hiểu rõ rằng, viện trợ ODA không phải là cho không. Mà thực chất, chúng ta đang vay nợ và chính con cháu chúng ta phải trả nợ.

Ông Trần Đức Giao, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, TCty Đường sắt Việt Nam: Đau xót, hổ thẹn quá!

Hôm nay 26/3, danh sách tất cả cá nhân đang làm trong Ban Quản lý các dự án đường sắt từ năm 2008 đến nay (kể cả cán bộ luân chuyển việc làm khác, cán bộ đã nghỉ hưu) có báo cáo tường trình, giải trình gửi về Bộ GT-VT. Tổ điều tra vụ việc do ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GT-VT làm Tổ trưởng cũng chính thức được thành lập
chiều ngày 25/3.

Hơn 30 năm trong nghề đường sắt, thế mà đọc được những thông tin này, tôi thấy đau xót quá. Thậm chí có cảm giác hổ thẹn xen lẫn bức xúc cho ngành. Thế hệ chúng tôi không làm nghèo đường sắt như vậy. Thế mà, chính một số lãnh đạo đã làm nát bét kết cấu đường, làm nghèo đường sắt khi không có hiểu biết gì về ngành cả. Họ đã bố trí hàng loạt cán bộ không đúng năng lực, không có trình độ lên ngồi ở vị trí lãnh đạo.

Tôi cho rằng, không chỉ có ngành đường sắt mới xảy ra tình trạng này đâu. Còn nhớ khi Quốc hội họp, nhiều đại biểu nói rằng, xây dựng cơ bản bị thất thoát từ 30-40%, là hoàn toàn đúng. Nhưng biện pháp gì để giải quyết được tình trạng thất thoát vì tham nhũng, hối lộ này, đến nay vẫn chưa có.

Bây giờ trách nhiệm sẽ thuộc về ai ư, tôi sẽ không bàn tới. Thế nhưng, bất kể dự án hợp tác nào (trong nước hay hợp tác với nước ngoài), cũng phải để Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đầu tiên. Sau đó mới đấu thầu, chào thầu, xét thầu… Và mỗi công đoạn là gắn với trách nhiệm của từng cán bộ.

Còn việc bạn muốn quan tâm đến công đoạn nào dễ xảy ra các “chi phí mềm” nhất? Theo tôi, bất kỳ dự án sử dụng bằng nguồn vốn ODA nào, chủ đầu tư bỏ tiền ra thì cũng muốn chính họ dành được quyền thiết kế và thi công. Bởi chỉ có công đoạn này, các nhà đầu tư mới dễ lấy tiền ra một cách công khai nhất, cho dù theo quy định vẫn phải trải qua công đoạn bỏ thầu, xét thầu.

Và tất nhiên, khi thấy trình độ thiết kế, thi công của Việt Nam kém thì càng là cơ sở để các nước đưa các đơn vị của mình vào để triển khai. Để dễ hình dung, bạn có thể thấy hiện nay ở Việt Nam, chỗ nào có dự án của đối tác Trung Quốc cùng tham gia thì chỗ đó, chắc chắn có đông công nhân người Trung Quốc.

Còn nếu nhìn riêng ở góc độ giá trị dự án lớn, nếu tôi chấp nhận mua giá đắt của anh thì đồng nghĩa với việc anh phải chi hoa hồng lớn cho tôi. Cái này cũng dễ hình dung, dễ thấy mà.

Tôi thấy vụ việc này chẳng khác nào vụ tham nhũng PMU 18 mà chắc hẳn rất nhiều người còn nhớ rõ.

Bộ Công an: Kiên quyết xử lý theo đúng quy định

Liên quan đến nghi án lãnh đạo ngành đường sắt nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã giao cho các đơn vị chức năng thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Cơ quan thanh tra của Bộ GT-VT tiến hành xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, nhất là các dự án mà Công ty tư vấn JTC Nhật Bản đã trúng thầu để xác định trong quá trình thực hiện dự án có những sai sót, vi phạm gì không.

Mặt khác căn cứ vào kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan tư pháp Nhật Bản, trên cơ sở đó CQĐT Bộ Công an sẽ thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật.

Trung tướng Triệu Văn Đạt cũng khẳng định, khi có đủ căn cứ pháp lý, cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ kiên quyết xử lý vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất