| Hotline: 0983.970.780

Phải chỉ tên, vạch mặt 'thủ phạm' vụ dứa thối bất thường

Thứ Tư 22/03/2017 , 06:50 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, ông Lê Ngọc Dương cho biết, sau vụ hàng trăm ha dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương có dấu hiệu thối quả, táp lá...

Trao đổi với NNVN, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, ông Lê Ngọc Dương cho biết, sau vụ hàng trăm ha dứa tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương có dấu hiệu thối quả, táp lá, chết bất thường, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập 1 đoàn thanh, kiểm tra xác định nguyên nhân cây chết.

17-20-06_1
Hàng trăm tấn dứa của người dân không biết đổ đi đâu
 

Trong đó, sẽ tập trung kiểm nhà hoạt động nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Ngọc Hưng dẫn đầu đoàn công tác.
 

Mạnh tay nếu phát hiện vi phạm

Tại đây, ông Lê Ngọc Hưng cho rằng, nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh là đơn vị SX công nghiệp duy nhất trên địa bàn. Cây trồng bị thiệt hại đã được xác định là không phải sâu, bệnh gây ra. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, 80 – 90% cơ sở đủ để khẳng định, nguyên nhân là do tác động của SX công nghiệp.

Tuy nhiên, mức độ đến đâu, đoàn kiểm tra sẽ xác định cụ thể, chi tiết, quy rõ trách nhiệm và có hướng xử lý đối với doanh nghiệp. Về lâu dài, nhà máy luyện kim màu nếu không giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại về báo cáo đánh giá tác động môi trường, công nghệ, thi công xây dựng thì tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp mạnh và quyết liệt, không loại trừ phương án tạm thời đóng cửa cơ sở SX.

Ông Lê Ngọc Hưng cũng yêu cầu doanh nghiệp cần có ý thức hợp tác tốt hơn với cơ quan chức năng, phải mở cửa nhà máy cho đoàn kiểm tra khi có yêu cầu và tham gia vào các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm đếm mức độ thiệt hại cây trồng.

Còn ông Lê Ngọc Dương cho biết, nhiệm vụ chính của đoàn công tác là sẽ tiến hành thanh, kiểm tra việc vận hành, xử lý môi trường của nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh. Trong đó, đoàn sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ từ mặt hồ sơ pháp lý cho tới việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, quan trắc, đánh giá tác động môi trường. Từ đó, xác định các vi phạm ảnh hưởng tới việc vận hành của nhà máy.

Đoàn sẽ lấy mẫu, tiến hành phân tích các loại khí trong khu vực nhà máy kể cả lúc hoạt động hay không. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục thống kê các thiệt hại mà người dân gánh chịu trong thời gian vừa qua. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh có phương án hỗ trợ người dân kịp thời.

17-20-06_2
Người dân bàng hoàng, xót xa nhìn những đồi dứa thối nhũn

 

Qua kiểm tra, về cơ bản, những diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nề nhất đều nằm quanh khu vực nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh. Ngành nông nghiệp đã báo cáo gửi UBND tỉnh, khẳng định nguyên nhân hoàn toàn không phải do sâu bệnh hay thời tiết. Nguyên nhân có thể là liên quan đến một số loại hóa chất trong không khí. Tuy nhiên, hóa chất này từ đâu ra thì phải chờ kết quả phân tích khoa học mới có thể kết luận được.

"Trước đây, khu vực xung quanh nhà máy này cũng từng xảy ra hiện tượng cây chết, nhưng ở mức độ và phạm vi nhỏ. Chúng tôi cũng đã kiểm tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Có thể nhận định, việc xảy ra thiệt hại cho cây trồng trên diện rộng như hiện nay là do một sự cố môi trường nào đó", ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đoàn là phải kết luận được nguyên nhân dẫn tới việc hàng trăm ha dứa và nhiều loại cây khác chết bất thường. Nếu như, nhà máy nào có liên quan thì phải đứng ra chịu trách nhiệm, bồi thường, khắc phục hậu quả về môi trường.
 

Vi phạm chồng vi phạm

Theo tìm hiểu của PV NNVN, vào tháng 8/2016, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai đã có báo cáo kết quả kiểm tra rà soát nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh sau khi người dân phản ánh nhiều loại cây bị chết bất thường.

17-20-06_3
Toàn cảnh nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh

 

Cụ thể, lực lượng chức năng đã đo đạc, tiến hành lấy mẫu môi trường giao cho Trung tâm quan trắc tỉnh Lào Cai phân tích. Kết quả, đối với nước mặt khu vực nhà máy, trong 3 mẫu nước bề mặt, tất cả 19 thông số hóa học đều vượt quy chuẩn cho phép theo QCVN 08:2015 của Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, nhà máy này cũng bị chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Đó là chưa có giấy phép xây dựng theo giấp phép đầu tư điều chỉnh lần hai khi dự án đã đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm là sten đồng; chưa lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan chức năng để phê duyệt; chưa vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án…

Đặc biệt, đơn vị này sử dụng nhiều thiết bị, công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc không có giấy chứng nhận chất lượng và xuất xứ của hàng hóa. Dây chuyền SX lò đứng hỏa luyện đồng chưa được thẩm định về công nghệ.

Ngoài ra, kết luận này của Sở TN&MT cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý chất thải nguy hại, vận hành các hệ thống xử lý chất thải phát sinh.

+ Ngày 6/9/2016, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Lào Cai đã ra quyết định số 80 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Cty CP Tứ Đỉnh, địa chỉ tổ 7, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, số tiền 60 triệu đồng. Lý do Cty không đăng ký, báo cáo theo quy định về việc lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại quá 6 tháng kể từ ngày phát sinh.

+ Chiều 21/3, ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu thông tin, buổi sáng cùng ngày, phía Cty CP xuất nhập khẩu Kim Sơn, địa chỉ tổ 7, thị trấn Sa Pa đã tạm dừng không thu mua dứa cho người dân, tự ý phá bỏ cam kết. Lượng dứa thối đã tiêu thụ là 39 tấn. Trong khi đó, trên đồi vẫn còn khoảng gần 300 tấn dứa bị thối. Nhiều diện tích dứa còn lại đang có dấu hiệu táp lá, thối quả.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.