| Hotline: 0983.970.780

Phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi

Thứ Tư 16/11/2011 , 08:56 (GMT+7)

Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Chăn nuôi & TĂGS Thanh Bình...

Ông Phạm Đức Bình
Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Chăn nuôi & TĂGS Thanh Bình- người được biết tới là rất am tường và tâm huyết với ngành chăn nuôi.

Thưa ông, công ty của ông đã chuẩn bị heo, gà cho mùa Tết sắp tới chưa?

Cty của tôi chăn nuôi chuyên nghiệp, nuôi là để cung ứng sản phẩm quanh năm chứ không chỉ để bán Tết. Bây giờ người ta ăn thịt bình thường, ăn quanh năm, đâu chỉ ngày Tết mới ăn thịt như ngày xưa. Theo tôi, làm chăn nuôi mà chỉ nhắm vào vụ Tết hay những lúc thấy giá cao mới ào ào nuôi là chăn nuôi kiểu đánh quả.

Chăn nuôi Việt Nam muốn phát triển mạnh và bền vững thì trước hết phải ra khỏi tình trạng đánh quả, cứ thấy giá cao là đua nhau nuôi, lúc giá thấp thì ào ào bỏ chạy. Thay vào đó là chăn nuôi một cách chuyên nghiệp. Người nuôi chuyên nghiệp, 1 năm chấp nhận lỗ 4 tháng, 2 tháng hòa vốn, chỉ cần 6 tháng có lời là sống được rồi.

Ông vừa nhắc tới vấn đề chăn nuôi bền vững, ngoài việc phải nuôi chuyên nghiệp, còn cần tới những yếu tố nào nữa?

Chăn nuôi bền vững phải dựa trên 2 yếu tố: bền vững môi trường (an toàn dịch bệnh) và bền vững về kinh tế. Muốn bền vững về môi trường, bắt buộc phải đưa các trại chăn nuôi tới vùng sâu, vùng xa. Mỗi trại chỉ nên xác định thời gian tồn tại tối đa từ 15-20 năm, sau thời gian đó nên tiếp tục di dời đi nơi khác.

Sở dĩ thời gian tồn tại chỉ nên như vậy vì sau 15- 20 năm, chuồng trại đã lạc hậu, xuống cấp, ô nhiễm và có thể đô thị hóa đã lấn tới. Vì thế, khi quy hoạch trang trại, cần phải tính toán làm sao để sau 15-20 năm có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để chuyển sang thành một khu nhà kho hoặc phân lô, bán nền nếu tình hình đô thị hóa ở địa bàn đã chín muồi. Nếu làm được như thế, các chủ trại có thể yên tâm di dời trang trại của mình mà không lo tốn kém, thua lỗ.

Còn để bền vững về kinh tế, theo tôi chăn nuôi phải kết hợp với trồng trọt. Một hộ chăn nuôi mà nuôi toàn bằng cám công nghiệp, con giống phải mua, nhân công phải đi thuê … thì không thể tồn tại lâu dài. Mô hình chuẩn là một trang trại gia đình rộng chừng 3 ha, một phần làm chuồng trại, phần khác trồng trọt. Vợ chồng con cái trực tiếp tham gia sản xuất, tự sản xuất con giống, tự mua nguyên liệu về phối trộn làm thức ăn, tự tay chăm sóc con heo, con gà. Chất thải của heo gà sẽ được dùng để bón cho cây cối trồng trong vườn nhà. Như vậy, chi phí sản xuất sẽ giảm được đáng kể, và trang trại đó sẽ tồn tại được lâu dài.

Quy mô trang trại cũng không nên làm quá lớn. Trên thế giới hiện nay người ta cũng đang quay trở về với quy mô trang trại gia đình, vì những trại nuôi lớn tới 50.000-70.000 con heo đang cho thấy sự khó khăn, bế tắc, bất ổn. Với quy mô trang trại gia đình, riêng về nuôi heo, tổng đàn không quá 1.200 con, trong đó có 1/10 là nái để tạo giống, như vậy là hợp lý nhất.

Đó là những giải pháp cụ thể cho trang trại, còn ngành chăn nuôi nói chung thì cần những giải pháp nào?

Ngành chăn nuôi cũng nên xác định lại thế mạnh của mình cũng như xem xét lại những chính sách đang áp dụng lâu nay. Theo tôi, về nuôi gà, con gà trắng (gà công nghiệp) sẽ không có tương lai ở nước ta vì người tiêu dùng không ưa chuộng. Còn con heo, phải chấp nhận “sống chung với tai xanh”.

Theo đó, nên cấp giấy chứng chỉ chăn nuôi cho các trang trại. Trại nào thực hiện an toàn dịch bệnh tốt thì cấp chứng chỉ hạng A. Những trại kém hơn hoặc không an toàn dịch bệnh thì cấp chứng chỉ hạng B, C … Khi có dịch, heo ở trại hạng A vẫn được xuất bán bình thường, hạng B thì phải xem xét, còn hạng C thì cấm xuất bán.

Nhà nước cũng cần có những trung tâm đánh giá chất lượng con giống, TĂCN. Đánh giá chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi phải kèm theo việc thẩm định giá thành của các sản phẩm đó. Các trại sản xuất giống, cơ sở sản xuất TĂCN phải trả tiền cho việc thẩm định này. Mọi kết quả đều được công khai minh bạch. Như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng mù mờ về chất lượng, giá cả con giống cũng như TĂCN như lâu nay, qua đó tạo sự công bằng cho người chăn nuôi.

Người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể giúp đỡ cho việc phát triển chăn nuôi. Về người tiêu dùng, tôi chỉ mong họ thay đổi một số thị hiếu chưa hợp lý hoặc không tốt. Chẳng hạn, trong khi người tiêu dùng nước ngoài đã quen với việc sử dụng thịt đông lạnh, thì người tiêu dùng nước ta chỉ ưa dùng thịt nóng (mới giết mổ), do đó các lò mổ thường tới 1- 2 giờ sáng mới bắt đầu làm việc để 5 giờ đã có thịt cho người ta bán. Thành ra mỗi ngày đêm, mỗi lò giết mổ chỉ hoạt động có vài tiếng đồng hồ, rất lãng phí.

Người tiêu dùng cũng không nên đòi hỏi vô lý về màu sắc sản phẩm chăn nuôi như lòng trứng phải thật đỏ, da gà luộc lên phải vàng ươm. Vì để có được những màu đó, người ta phải đưa những chất tạo màu vào trong TĂCN. Những chất này chẳng có tác dụng gì về dinh dưỡng, mà lại làm gia tăng giá thành chăn nuôi lên thêm 500-600 đ/kg, hay tạo điều kiện cho những người chăn nuôi gian dối đưa các chất tạo màu độc hại vào trong thức ăn cho heo, gà.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên có những khuyến cáo kịp thời với người chăn nuôi. Khi nguồn cung tăng khiến giá giảm mạnh, thì khuyến cáo người chăn nuôi nên bán sớm heo, gà so với bình thường để tránh làm tăng thêm nguồn cung. Còn khi giá tăng cao do nguồn cung giảm, nên khuyến cáo người chăn nuôi để heo gà thêm một ít ngày trong chuồng nhằm tăng thêm trọng lượng.

Chẳng hạn bình thường heo xuất chuồng ở trọng lượng 100 kg/con. Nếu mọi người chăn nuôi để đến 110 con/kg rồi mới bán, chúng ta hoàn toàn có thể làm tăng thêm một nguồn thịt đáng kể trong thời gian ngắn.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất