| Hotline: 0983.970.780

Phải dành khoảng trời trong xanh cho hoa nở, chim hót

Thứ Hai 11/02/2013 , 14:17 (GMT+7)

“Phải đấu tranh triệt để, loại bỏ cái xấu, cái ác dành lấy đất cho hoa nở, chim hót, không thể để cỏ dại lấn lướt”, NSND Doãn Hoàng Giang tâm niệm.

Cho rằng sân khấu phải nói lên điều mà khán giả đang bức xúc và phải đấu tranh bảo vệ được lẽ phải, đạo diễn Doãn Hoàng Giang luôn đưa vào các tác phẩm của mình những hình tượng nhân vật “có vấn đề”. “Phải đấu tranh triệt để, loại bỏ cái xấu, cái ác dành lấy đất cho hoa nở, chim hót, không thể để cỏ dại lấn lướt”, NSND Doãn Hoàng Giang tâm niệm.

Sân khấu không có chỗ cho lời biện hộ

Tình hình kinh tế khó khăn năm vừa qua có khiến công việc, hoạt động nghệ thuật của ông bị ảnh hưởng không?

Khủng hoảng kinh tế không được chấp nhận trong nghệ thuật! Tình hình đang khó khăn như thế, nhưng anh có chấp nhận được cuộc chơi hay không là tùy anh. Tôi vẫn “dính chặt” với các nhà hát, bận túi bụi không có lúc mà nghỉ và hiện đang dựng 2 vở cho Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Chèo Quân đội.

Ông từng làm những vở có kinh phí lên tới cả tỉ đồng. Một người nổi tiếng “chịu chơi”, chịu chi như ông liệu có dám “phóng tay” trong thời buổi này?

Sân khấu “ác” ở chỗ không thể có chỗ đứng cho những lời biện hộ. Khán giả không cần biết kinh tế khủng hoảng hay hưng thịnh mà chỉ có quyền đòi hỏi những gì xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Tôi không thể ra trình bày với khán giả vì kinh tế đang khủng hoảng nên sân khấu của tôi nhếch nhác lôi thôi. Nghệ thuật không đối thoại với khán giả theo kiểu đó.

Năm 2012 vừa qua, ông đã dựng được bao nhiêu vở? Vở nào khiến ông tâm đắc nhất?

Dựng thì dựng nhiều nhưng tâm đắc nhất phải kể đến vở “Nguyễn Công Trứ” mà tôi dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội.

Vở này đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao người ta thờ Nguyễn Công Trứ?” Vì Nguyễn Công Trứ đem lại đời sống ấm no cho dân, ông dung nạp tất cả những người lầm lỡ để cải tạo họ, cho họ cuộc sống mới. Nguyễn Công Trứ là người không màng danh lợi, lấy dân làm quan trọng, tất cả vì nhân dân. Khi lo được cho dân ấm no hạnh phúc thì đó là lúc ông cảm thấy đạt được ước nguyện của mình trong nghiệp quan trường.

Nói thật thì có gì phải sợ?

Vì sao ông lại cảm thấy tâm đắc với một vở chèo mà mô-tuýp nhân vật dường như không có điều gì mới mẻ?

Không mới mẻ nhưng vẫn thời sự lắm, nóng lắm.

Trong vở tôi xây dựng hình tượng về những thằng mù, thằng câm, thằng điếc. Đã mù, đã câm, đã điếc mà lại làm quan thì làm sao mà nghe được, thấy được, nói được những bức xúc của đời sống, của con người?

Trong vở “Nguyễn Công Trứ”, tôi đã mô tả cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái xấu với cái tốt. Đó là những tên quan tham lam chỉ biết lo cho lợi lộc của mình mà không quan tâm đến nhân dân. Người làm lãnh đạo mà quên đi cái lý tưởng lấy dân làm gốc, phụng sự nhân dân thì cần phải bị lên án và phê phán. Cái đó đến bây giờ vẫn còn thời sự, vẫn còn nóng bỏng lắm.

Một vở kịch “gai góc” như vậy có gặp khó gì khi thực hiện hay ra mắt không, thưa đạo diễn?

Vở nào trước khi ra mắt cũng phải kiểm duyệt. Nhưng nói lên những vấn đề đó thì có gì mà phải kiểm duyệt, phải gắt gao? Cũng có thể có chi tiết bị cắt nhưng cũng có những chi tiết tôi nói đúng thì có gì mà anh phải cắt? Tôi đấu tranh với cái xấu cái ác, tôi bảo vệ nhân dân thì sao mà phải cắt?

Sân khấu của ta bị kiểm duyệt nhiều. Có những người làm nghệ thuật chân chính, họ khao khát đặt ra những vấn đề dữ dội, khốc liệt, then chốt của đời sống, của hiện thực. Nhưng người duyệt họ không đồng ý. Họ thích được ca ngợi. Lưới kiểm duyệt của mình đã kìm hãm những suy tư tự do của người nghệ sĩ. Từ một vở gai góc, sau khi cắt sửa, cuối cùng nó lại thành ra một cái khác.

Tuy nhiên, tôi tin là những người làm việc tử tế họ vẫn đồng tình, ủng hộ với những ai dám nói lên sự thật. Do đó, có những cái mình đưa vào rất gai góc nhưng vẫn trót lọt. Ví dụ như vở “Những mặt người thấp thoáng” tôi mới dựng, nói về những kẻ đứng sau những người làm quản lý lãnh đạo, thao túng chính quyền.

Trong vở đó, tuyên ngôn được đưa ra là: “Ta không cần chức tước, ta không cần quyền uy, ta chỉ cần là người đứng sau các người để điều khiển các người, biến các người thành con rối của ta”. Nếu không cẩn thận thì những nhân vật đó sẽ làm loạn xã hội, làm người ta không phân biệt được tốt xấu, trắng đen.

Phải dành đất cho hoa nở, chim hót

Đấu tranh trực diện với cái xấu, đó có phải quan điểm làm nghề của ông?

Đúng. Tôi nghĩ thế này: Tôi bắt một thằng ăn cắp, tống giam một thằng ăn cắp thì tôi không sợ thằng ăn cắp giận tôi. Khi tôi cùng với đồng đội của tôi đấu tranh với sai lầm, với tội ác thì tôi không sợ tội ác đó nó bất mãn, không sợ mất đoàn kết. Chả nhẽ tôi đi đoàn kết với một thằng trộm cắp?

Thời gian vừa qua, đọc báo chí tôi thấy các lãnh đạo thừa nhận có những “ung nhọt” trong bộ máy nhưng lại nói biết thế thôi rồi vẫn để đó để giữ đoàn kết nội bộ, vì sợ bất mãn, vì sợ hận thù. Làm như thế là không làm tới.

Anh nói có một bộ phận lớn sai lầm, thoái hóa thì anh phải tìm cách loại bỏ bộ phận ấy ra khỏi bộ máy. Đó mới là cuộc đấu tranh trọn vẹn. Đã đấu tranh là phải triệt để thì mới mang lại sự thay đổi tích cực. Chứ đấu tranh mà sợ mất đoàn kết, sợ oán hận nội bộ thì cuộc đấu tranh đó không đi đến đâu cả.

Trong các vở tôi dựng, tôi luôn nhấn mạnh điều này. Đã đấu tranh là phải quyết liệt, phải không khoan nhượng và diệt trừ cái ác, phải diệt đến nơi đến chốn thì cái ác nó mới không sinh sôi nảy nở được. Anh phải dành những khoảng trời trong xanh, dành khoảng đất tốt cho hoa đua nở, cho chim hót, chứ đừng vì sợ cỏ mà không dám.

Có thể kể ra những vở tôi dựng như “Hà Mi của tôi”, “Hoa cỏ dại”,… đã thể hiện triệt để tinh thần này. Hoa phải là hoa, phải dành đất cho hoa, đừng để cỏ dại nó mọc nó lấn lướt hết.

Theo đánh giá của ông, những vở kịch có tính đấu tranh mạnh mẽ như ông nói hiện nay có nhiều không? Những đạo diễn có dám xông thẳng vào những điểm nóng của cuộc sống để phản ánh không?

Tôi cho là cũng có nhiều, nhưng có thể nó đang nằm trong ngăn kéo ở đâu đó mà chưa được ra mắt. Sân khấu mình cũng có nhiều vở nhạt nhạt, không có tác động. Cũng phải nói rằng sân khấu của mình chưa phản ánh được những bức xúc của đời sống, chứ không phải là không phản ánh, nhưng ở mức độ còn hạn chế.

Nhiều lãnh đạo ở ta đi xem sân khấu xong thì khen hay, khen “không có vấn đề gì”. Tôi thấy lạ lắm. Hay mà lại không có vấn đề gì? Hay là phải tạo được vấn đề nhức nhối, khiến tất cả phải quan tâm, phải suy ngẫm. Chứ xem xong mà về nhà ôm vợ, ôm người yêu ngủ ngon lành thì không thể gọi là hay được. Nghệ thuật đích thực phải khiến người ta day dứt.

Tôi ao ước sân khấu của ta phải được như thế. Với tôi, vở nào tôi thích, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để làm những kịch bản có vấn đề, nói được trung thực những điều bức xúc của xã hội.

Sân khấu chưa nói điều khán giả muốn nghe

Trong khi sân khấu truyền thống khá “ảm đạm” với không ít những vở nhàn nhạt như ông vừa nói thì hài kịch lại đang phát triển rầm rộ trong những năm trở lại đây. Theo ông, hiện tượng này nói lên điều gì?

Nó phản ánh một nhu cầu của người xem. Anh có cầu thì tôi có cung. Tấu hài, hài kịch ùn ùn ra đời mà vẫn có chỗ diễn thì đó là nhu cầu của khán giả. Nhu cầu đó là nhu cầu giải trí, nhu cầu đó là có thật.

Nhu cầu đó rất bức thiết, rất cần thiết nhưng tôi cho rằng đó không phải một nhu cầu thiêng liêng, nhu cầu lớn và thiết thân với người ta.

Sân khấu hiện nay đang có sự lệch lạc: Ào ạt một loạt hài kịch nhạt nhẽo lăng nhăng, một loạt những vở ma quỷ hù dọa ra đời. Nhưng ác cái là thị hiếu của con người lại thích những cái trò đó. Nhưng tôi tin đó chỉ là thị hiếu nhất thời. Thị hiếu lớn lao quan trọng nhất của khán giả là được tham gia vào những vấn đề của cuộc sống, được đóng góp một điều gì cho cuộc sống.

Hiện nay, thị hiếu nhất thời nó đang lấn lướt thị hiếu lớn lao. Vì người làm muốn tìm cái an toàn, muốn tìm cái câu khách, vừa dễ làm, vừa tránh “động chạm”. Chỉ những nghệ sĩ chân chính mới đi tìm cái nhức nhối.

Những vở hài kịch lăng nhăng, “an toàn” xem xong chả chết ai thì cần duyệt cái gì? Hài kịch chân chính đánh vào lũ quan tham vô lại hoặc phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, bức thiết của nhân dân. Hài kịch chân chính xông thẳng vào vùng cấm kị, vùng khó khăn nhất. Nhưng hiện nay người ta không dám động chạm đến cái đó.

Ví dụ trước đây đã có những vở kịch dám xông vào vùng cấm kị, đề cập đến những tên đồ điếc, hương câm, lý trưởng,… đánh trực diện vào cả một hệ thống phong kiến mụ mị, độc đoán như thế. Người ta đã làm rồi, và làm được. Nhưng giờ có ai dám làm về một ông đảng ủy viên ở một xã, một huyện mà lăng nhăng, mà tham lam không? Chưa có!

Hiện nay, sân khấu phải làm sao để không bị lấn lướt bởi những tác phẩm hài kịch “tầm phào” như ông vừa nói? Cái khó nhất của sân khấu miền Bắc là gì, thưa ông?

Cái khó nhất của sân khấu miền Bắc là khán giả đang thay đổi dữ dội.

Khán giả miền Bắc lười đến rạp, thậm chí mất thói quen đến rạp. Vì bây giờ người ta có nhiều thứ để thưởng thức. Nhà người ta đẹp hơn cả rạp, tiện nghi hiện đại hơn cả rạp, hệ thống âm thanh ánh sáng có thua kém gì các rạp mới mở? Băng đĩa đủ các thể loại cũng quá nhiều. Thế nên tội gì mà người ta phải đến một cái rạp ọp ẹp hơn cả nhà mình để mà chui rúc, để mà xem những vở diễn nhạt nhẽo?

Hơn nữa, người ta đang mê man kiếm tiền, thời buổi này là thời buổi làm ăn, thời buổi của tiền, bỏ một buổi làm người ta tiếc. Anh phải làm sao để khán giả qua được cái tiếc đó.

Chưa hết, muốn đến rạp thì đường phố phải an toàn. Cứ ra đường là sợ gặp cướp, lúc lại kẹt xe, lúc lại rơi xuống hố. Xã hội phải tổ chức an lành thì người ta mới muốn ra đường, rồi mới nghĩ đến chuyện đi xem kịch.

Nhưng cái quan trọng nhất là sân khấu hiện nay không nói được vấn đề của người ta. Cái tôi đang quan tâm, cái tôi đang nhức nhối thì tôi không thấy trên sân khấu.

Trước đây, làm vở nào người xem cũng đi xem ào ạt. Những vở kịch một thời của những tên tuổi lớn như Lưu Quang Vũ chẳng hạn, đã đặt ra được những vấn đề muôn thuở nhưng thiết thân với từng con người.

Ví dụ như vở “Lời thề thứ 9”, nó nói lên khát vọng được cống hiến, được hi sinh cho dân tộc. Đó là những người lính nguyện trung thành với lý tưởng vì nhân dân. Hay như vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng đặt vấn đề rất nhân văn: Tôi phải được là chính tôi cơ. Đến vừa rồi làm lại mà những vở này vẫn còn ăn khách, chứng tỏ sức hút của nó đến từ chính vấn đề mà nó đặt ra.

Thiếu tài năng

Lại nhắc đến Lưu Quang Vũ, xin được hỏi ông đã dựng bao nhiêu vở cho Lưu Quang Vũ? Ông đánh giá thế nào về những gì mà Lưu Quang Vũ để lại?

Tôi rất thích những vở của Lưu Quang Vũ. Vở đầu tiên Vũ tập viết có tên “Trời xanh mái phố” đã được tôi dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Ngày đó, Vũ tuy mới viết nhưng đã ánh lên những mảng ý tưởng rất hay.

Tôi đã làm cho Vũ vở “Nàng Xi ta” mà lúc đó nhiều người không dám làm. Không ai dám làm nhưng tôi đã nhảy vào làm và biến nó trở thành vở chèo ăn khách nhất Việt Nam. Gần đây tôi khôi phục lại với dàn diễn viên mới vẫn ăn khách.

Vũ rất nhanh nhạy với xã hội, mà lại rất khéo léo khi đưa ra vấn đề xã hội. Đó là điều đáng tiếc nhất của sân khấu vì mất đi một tài năng quá sớm.

Những tên tuổi gạo cội trong lĩnh vực của ông hiện có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở tuổi thất thập, ông vẫn lăn lộn đủ ở các nhà hát, vẫn sang sảng chỉ đạo và vẫn là gương mặt độc tôn trong lĩnh vực của mình. Điều đó, theo ông là đáng vui hay đáng buồn?

Có lần tôi đi làm kịch và có một bầu đoàn đạo diễn trẻ kéo theo đi xem. Xem xong chúng bảo: “Thôi thầy ạ, thế này thì em không đi học nữa, học cũng có làm được như thầy đâu!”

Tre già mà măng chưa mọc, đó là điều đáng buồn. Tôi không tự đắc nhưng phải nói là đường dài mà không có ai chạy cùng thì vui thế nào được? Đó là cái đáng báo động của sân khấu hiện nay. Mỗi năm diễn vài vở kịch, chẳng ai biết đến tên tuổi, nó khiến các diễn viên không còn mặn mà với nghề.

Nền sân khấu của ta không cẩn thận rồi sẽ hiu hắt bơ vơ. Bây giờ, các nghệ sĩ tinh thần sa sút hơn nhiều, vì kiếm được ít tiền và các vai diễn hầu như không mang lại cho họ cái gì nên họ không tập trung, không đầu tư cho vai diễn. Đến với sân khấu kịch, họ đẹp nhưng một tháng được hơn một triệu đồng, chẳng ai biết đến, không tiền, không danh phận. Trong khi đó, các cô hoa hậu, người mẫu cũng đẹp như họ lại có đời sống “lên xe xuống ngựa” thì tội gì mà phải trăn trở với nghề?

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất