| Hotline: 0983.970.780

Phải để người dân làm chủ thể

Thứ Sáu 12/09/2014 , 09:14 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Trần Anh Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) với PV Báo NNVN khi nói về giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực từ người dân trong xây dựng NTM.

10-46-30_dscf3045
Ông Trần Anh Chung

ĐỔI THAY

Đông Sơn là một trong những huyện nằm tiếp giáp với TP. Thanh Hóa. Với vị trí địa lý này, ông có thể cho biết địa phương có những thuận lợi, khó khăn gì khi xây dựng NTM?

Thuận lợi đầu tiên phải nói đến là giao thông. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 45 và 47 đi qua nên việc phát triển KT-XH, nhất là các ngành nghề dịch vụ - thương mại; xây dựng khá sôi động. Còn SXNN, toàn huyện có hơn 5.000 ha đất SX, phân bổ đều ở 15 xã và 1 thị trấn; với nguồn nhân lực dồi dào, tiếp cận nhanh các tiến bộ KHKT nên hiệu quả SX, chăn nuôi luôn đứng ở top đầu của tỉnh.

Khó khăn lớn nhất của địa phương là sau khi bàn giao 4 xã và 1 thị trấn sáp nhập vào TP. Thanh Hóa, địa giới hành chính bị thu hẹp; lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao hạn chế; SX mang tính nhỏ lẻ, manh mún, theo phương pháp thủ công là chính; chưa gắn kết được SX với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nguồn lực của nhân dân còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển SX quy mô lớn và kêu gọi đóng góp xây dựng NTM.

Nhiều người cho rằng, kết quả sau 3 năm thực hiện của huyện chưa đạt được như mong muốn, ông nghĩ gì về điều này?

Làm NTM không thể nóng vội, chúng tôi làm đến đâu phải nắm chắc phần thắng đến đó. Ba năm qua nhờ tiếp cận chủ trương nhanh chóng, bắt nhịp kịp thời và đưa Chương trình NTM vào Nghị quyết HĐND để lãnh đạo, chỉ đạo nên diện mạo các xã đều đổi thay rõ nét. Nhận thức của cán bộ, người dân về cơ chế vận hành của chương trình là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân; Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ” đã được nâng lên.

Nhiều xã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế địa phương, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên hơn 22,5 triệu đồng/người/năm (tăng 9,716 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,01% (năm 2011) xuống còn 12,79% (năm 2013).

Nhân dân tự nguyện đóng góp trên 760 tỷ đồng (chiếm 74,39% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình); hiến hơn 47.000 m2 đất; gần 20.000 ngày công lao động.

Có một xã (Đông Văn) đạt chuẩn NTM năm 2013; hai xã Đông Phú, Đông Khê hoàn thành 17-18 tiêu chí, phấn đấu tháng 11/2014 đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt từ 8-13 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 12,5 tiêu chí/xã.

Về phát triển SX, nâng cao thu nhập, hơn 3 năm qua Đông Sơn hình thành được 2 cơ sở SX mạ khay và dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa với kinh phí đầu tư từ 4-5 tỷ đồng/cơ sở; có 6 xã làm dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản lên từ 10-15% so với SX truyền thống.

10-46-30_s0625067
Cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa ở Đông Sơn 

KHÓ VẪN PHẢI LÀM

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng lâu dài, phải đảm bảo tính bền vững nhưng vừa qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chạy theo thành tích dẫn đến sai phạm. Vậy, Đông Sơn làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Đúng. Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng lâu dài, nhưng vì nó lâu dài nên khó tránh những hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ một số xã sai phạm, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương bám 19 tiêu chí để thực hiện nhưng áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng xã;

Mọi hoạt động cụ thể phải lấy cộng đồng dân cư ở thôn, xã làm chủ thể, được bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện; xây dựng NTM phải gắn kết với kế hoạch phát triển KT-XH của từng xã;

Có quy hoạch và cơ chế đảm bảo thực hiện các quy hoạch đó; đồng thời, phải đề cao tính công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng; tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá thường xuyên để thông qua đó, phát hiện những hạn chế, sai phạm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.

Bên cạnh đó, những nhân tố tích cực, sáng tạo, Đông Sơn cũng sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng để khơi dậy tinh thần nỗ lực, cố gắng.

Xin ông cho biết chiến lược đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM của huyện?

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, thời gian còn lại của năm 2014 và những năm tiếp theo Đông Sơn tiếp tục quản lý quy hoạch tổng thể KT-XH của huyện; mở rộng thị trấn Rừng Thông, nâng cao chất lượng quản lý xây dựng NTM các xã.

Đồng thời, nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, nước sạch... trên địa bàn các xã; việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn, nghĩa trang sẽ xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

Hằng năm, huyện cũng sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM như: xây dựng kênh mương hỗ trợ 150 triệu đồng/km, giao thông nội đồng 100 triệu/km; xây dựng vùng SX rau an toàn 300 triệu đồng; mô hình cơ giới hóa đồng bộ hỗ trợ 800 triệu đồng/mô hình; cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn 750 triệu/trường; nhà văn hóa làng 200 triệu đồng/nhà; nhà văn hóa thôn 100 triệu/nhà;

Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo 500 ngàn đồng/nhà; quy hoạch cụm nghề công nghiệp, TTCN hỗ trợ 100 triệu đồng/cụm; dự án có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng hỗ trợ 200 triệu/dự án...

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình các địa phương không áp đặt một cách xơ cứng, máy móc các tiêu chí mà cần điều chỉnh sao cho phù hợp thực tiễn cụ thể nhằm đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất, bền vững nhất.

Trong hội nghị sơ kết xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2014, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa nghiêm cấm các địa phương bắt buộc nhân dân đóng góp. Vậy để làm nhanh, đúng luật, không nợ… như chỉ đạo trên, liệu Đông Sơn có làm được hay không?

Như tôi đã nói, mục đích xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH theo quy hoạch hiện đại, văn minh. Từ định hướng của Đảng, Nhà nước, Đông Sơn đã và đang nghiêm túc thực hiện việc nghiêm cấm nhân dân đóng góp.

Dù biết rất khó để đạt cả 3 tiêu chí “nhanh, đúng luật, không nợ” nhưng chúng tôi vẫn phải làm và sẽ cố gắng hết sức để thực hiện đúng như chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015 có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Đông Văn, Đông Khê, Đông Phú, Đông Anh, Đông Ninh) và đến năm 2020 được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất