| Hotline: 0983.970.780

Phải giữ ít nhất 3,8 triệu ha đất lúa

Thứ Sáu 30/09/2011 , 09:52 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 tại kỳ họp thứ 2 UBTV Quốc hội, nhiều đại biểu đã bức xúc lên tiếng về việc, diện tích đất cho công nghiệp phình nhanh quá mức, trong khi quỹ đất lúa lại đang ngày càng bị co ngót lại.

Trong phiên thảo luận về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 tại kỳ họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội hôm qua, nhiều đại biểu đã bức xúc lên tiếng về việc, diện tích đất cho công nghiệp phình nhanh quá mức, trong khi quỹ đất lúa lại đang ngày càng bị co ngót lại.

Đất công nghiệp vượt quy hoạch 211%

Thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho hay, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý và hiệu quả, thì chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa được tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển KT-XH.

Bổ sung thêm báo cáo này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc không tính toán kỹ và liên tục điều chỉnh quy hoạch của các địa phương đã dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất. Điển hình của việc này là nhiều địa phương “cầm đèn chạy trước… Quốc hội” trong việc tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. “Tính đến cuối tháng 12/2010, cả nước đã thành lập 260 KCN. Chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 44 nghìn ha vào năm 2010, nhưng các địa phương đã kịp giao tới 93 nghìn ha, vượt 211,36%. Đây là một thực trạng cần điều chỉnh kịp thời trong quy hoạch”, ông Phúc nói.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh biện minh rằng, các KCN đã đóng góp đáng kể vào tổng giá trị kim ngạch XK của cả nước, đạt tỷ trọng khoảng 20%/năm. Tính bình quân 1 ha đất công nghiệp, riêng trong năm 2010 đã tạo ra giá trị XK khoảng 0,9 triệu USD/ha, hơn hẳn so với giá trị XK gạo trung bình, chỉ khoảng 320USD/ha. “Bên cạnh đó, hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp đã được làm trong các KCN (bình quân khoảng 75 lao động/1 ha đất đã cho thuê), ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 1,5 - 1,8 triệu lao động gián tiếp (trong khi 1 ha đất nông nghiệp chỉ thu hút được 10 - 12 lao động)…”, ông Sinh nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính – ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, nhiều KCN triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất đã thu hồi để xây dựng KCN chậm được khai thác. Tỷ lệ lấp đầy các KCN trong cả nước chỉ là 46%, các cụm CN còn “thảm” hơn, chỉ 41%. “Rõ ràng việc quy hoạch và phát triển các KCN chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả kinh tế còn đang là vấn đề tranh cãi nhưng nhiều địa phương vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm CN khác”, ông Hiển cho hay.

Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã giao quá nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho các DN đã làm cho các KCN trở nên… thừa diện tích. Về đất KCN, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cũng đặt vấn đề cần xem xét để quy hoạch vừa phải, chống tình trạng nhiều địa phương để hoang hóa, lãng phí đất như hiện nay. “Cần nâng cao yêu cầu lựa chọn các dự án sử dụng đất theo hướng sử dụng ít diện tích nhưng mang lại hiệu quả về việc làm, thu nhập, thu ngân sách và hạn chế tác động môi trường nhất”, ông Giàu nói.

Vẫn phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa

Tương ứng với việc tăng nhanh diện tích đất dành cho công nghiệp, đất lúa lại giảm nhanh chóng. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 10 năm, diện tích đất lúa giảm gần 300 nghìn ha, trong đó các tỉnh có tốc độ giảm nhanh nhất là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên ở miền Bắc; TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam…

Lo ngại trước thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, an ninh lương thực quốc gia là vấn đề cốt lõi, không chỉ đảm bảo đời sống của đại bộ phận dân cư đang sống ở nông thôn, mà đây còn là một biện pháp tốt nhất để đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội khu vực có dân số đông nhất nước này. “Bộ NN-PTNT có báo cáo Quốc hội là hiện còn 4,1 triệu ha đất lúa, nhưng với đà giảm nhanh thế này thì mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020 là khó thực hiện. Như vậy, cần có biện pháp quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất thật chặt chẽ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Chính phủ cần bổ sung các chế tài, biện pháp mạnh trong kế hoạch sử dụng đất, trước mắt là giai đoạn 5 năm (2011-2015). “Bộ TN-MT nói là việc sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 là tương đối tốt, vậy sao vẫn để xảy ra tình trạng quy hoạch thay đổi liên tục ở các địa phương? Viễn cảnh chuyển đổi đất lúa bừa bãi và không được giám sát đã thành sự thật. Ở ngoại ô các TP có áp lực ngày càng lớn đối với việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích công nghiệp và đô thị. Đất lúa chuyển đổi để xây dựng một khu công nghiệp sẽ bị mất đi mãi mãi đối với nông nghiệp”, bà Doan bày tỏ.

Cần có chương trình quốc gia xử lý môi trường làng nghề

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cũng thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Theo báo cáo, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình giảm thấp hơn 10 năm so với toàn quốc thấp hơn 5-10 năm so với làng không làm nghề. Hầu hết các Ủy viên UBTV Quốc hội cho rằng, cần phải có một chương trình lớn như chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết vấn đề này.

Vẫn đứng trên quan điểm khó giữ 3,8 triệu ha đất lúa, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng, nhiều tỉnh như Thái Bình, vựa lúa của miền Bắc, nếu giữ đất lúa, thì sẽ đảm bảo an ninh lương thực cho cả miền Bắc, nhưng ngược lại, ngân sách tỉnh sẽ eo hẹp bởi nguồn thu không dồi dào như làm KCN. Như vậy, rõ ràng lãnh đạo các tỉnh sẽ “không vui”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật, ông Phan Trung Lý, cho rằng, việc này ngân sách Nhà nước sẽ cân đối để bù đắp phần thiếu hụt trong việc chi ngân sách địa phương, bởi đây là quy định trong Luật Ngân sách. “Chúng ta phải loại bỏ ngay tư duy nhiệm kỳ, vì mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh đều muốn tạo dấu ấn bằng các công trình công nghiệp, mà công nghiệp thì đương nhiên lấy đất lúa. Ở Trung Quốc, theo tôi được biết, việc lấy đi chỉ từ 0,3 ha đất lúa đã phải đưa ra bàn thảo trước Quốc vụ viện rồi”, ông Lý cho biết.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bằng mọi biện pháp phải giữ được ít nhất 3,8 triệu ha đất lúa. Việc điều chỉnh quy hoạch KCN cả nước đến 2015 và hướng đến 2020 theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc phát triển KCN trên đất trồng lúa có năng suất ổn định; Không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm