| Hotline: 0983.970.780

Phải hiểu quy luật đào thải nó khắc nghiệt cho toàn cầu

Thứ Tư 24/05/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu đang rất tâm trạng cô ơi. Như vậy là phải cắp cặp về vườn sao cô? Nhưng thời nay, ai lên sếp cũng có người chống lưng, dễ sợ lắm cô.

Cô Dạ Hương kính!

Cháu năm nay 42 tuổi, nếu tính tuổi hưu bình thường thì đời công chức của cháu còn dài lắm. Cháu mới đi được nửa đường biên chế thôi. Nhưng cô ơi, khắp nơi rục rịch tư nhân hóa mà các sếp gọi là xã hội hóa, thầy cô giáo còn vậy huống chi những người như cháu trước kia thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Cái khó của cháu là đi làm rồi cháu mới học đại học tại chức. Từ một cơ quan rất liều lĩnh chi tiêu, cháu chạy được sang cơ quan hiện tại. Cháu được tin tưởng và cất nhắc. Nhưng cháu cũng linh cảm, sẽ có lúc bằng tại chức không được trọng dụng, thời buổi thất nghiệp đầy ra. Vả lại lứa bọn cháu vi tính tự học, tiếng Anh bập bõm, chưa già mà đã cũ mèm rồi.

Mới đây cháu làm đơn xin thôi chức vụ này để nhường cho người trẻ, muốn được lui về làm một chân chuyên môn bình thường. Có nghĩa là cháu chấp nhận đánh đổi hết, thu nhập sẽ thấp đi nhiều vì không còn phụ cấp chức vụ. Nhưng sếp trẻ mới về của chỗ cháu là người hãnh hỗ cách tân, không tuyên bố nhưng kiên quyết chỉ dùng người trẻ. Làn sóng bất mãn tràn lan, mạnh ai nấy tìm cách thối lui.

Cháu đang rất tâm trạng cô ơi. Như vậy là phải cắp cặp về vườn sao cô? Nhưng thời nay, ai lên sếp cũng có người chống lưng, dễ sợ lắm cô. Chồng cháu làm ở cơ quan sự nghiệp hành chính, lương thấp tè, cháu bị hất ra, làm sao nuôi nổi hai đứa con đây cô? Đứa con trai lớn của cháu năm nay lên lớp 10, con trai nhỏ lớp 6, tuổi ngày mỗi tốn kém hơn. Nói chồng cháu cùng đi năn nỉ sếp của cháu anh ấy nhất định không nghe, bảo chống thời thế sao được? Anh ấy không chịu làm thêm, mỗi tháng chỉ đưa cho vợ có 4 triệu, nuôi anh chưa đủ, nuôi sao được một đứa con, nói gì nuôi vợ?

Cháu chán quá cô, thấy bị trầm cảm rồi. Cháu đang tìm đường làm công cho các doanh nghiệp nhỏ nhưng buổi giao thời này dài lắm, chưa chắc gì mình làm mà thích hợp ở chỗ mới rồi lại nhảy việc nữa.

--------------------

Cháu thân mến!

Bây giờ chuyện đào thải nó diễn ra hàng năm chứ không hàng thập kỷ nữa. Nó giống như việc các đời smartphone thay nhau xuất hiện, nhìn cái ngữ iPhone thì biết, cô vẫn xài iPhone 5 mà các cháu của cô đã bảo cho chúng chúng cũng không nhận. Vậy đó. Cái thời điện tử tấn công cuộc sống của từng gia đình, từng con người.

Bằng tại chức đương nhiên sẽ lạc hậu. Nhưng tận trên thượng tầng, rất nhiều vị đại học chính quy nhưng làm gì cũng có thư ký, các vị ấy có biết lướt web, biết laptop vi tính gì đâu, ấy là chưa kể tiếng Anh rất lơ mơ. Vậy thì thải hết à, không, chỉ thải ở dưới và các người thấp cổ bé họng như cháu thôi. Trong khi đó, cháu vào đời cháu cố gắng có tấm bằng tại chức (dù là phong trào), thì vẫn là một thời tươi đẹp chứ. Tiếc rằng cháu có con nhỏ, cháu bận túi bụi, cháu không có thời gian cho tiếng Anh và vi tính giỏi nên lớp như cháu dễ bị đào thải trực tiếp.

Đừng kêu ca và chán nản cháu ơi. Phải hiểu quy luật đào thải nó khắc nghiệt cho toàn cầu. Rồi sẽ có rất nhiều người có học thất nghiệp vì robot làm thay việc, người ta còn tính đến chuyện đánh thuế robot vì robot làm thì ngân sách sụt giảm do không thu được thuế. Buồn cười quá, đánh thuế robot nhưng robot là của ai, robot không vợ chồng, không con cái, chúng cóc cần, lấy hết tiền lương của nó đi nó cũng không trầm cảm. Nhân loại sẽ đi đến mức robot được nịnh bợ, được làm sếp và chúng đuổi hết con người đi.

Chồng lương thấp thì đã thấp lâu nay. Giai đoạn cháu gọi là giao thời dài hay không tùy vào tài xoay xở của cháu. Người vợ và người mẹ muôn đời là chỗ dựa (chứ không phải đàn ông à nha). Lục đục nhau làm gì, ai cũng tâm trạng, cũng bàn luận, cũng cãi nhau rồi thì thương nhau hơn trong khó khăn, vậy mới là vợ chồng chứ đâu phải hàng xóm. Cháu cứ hiên ngang nghỉ, đóng bảo hiểm xã hội, và tìm nơi khác. Vì cháu có chân biên chế nên cháu sợ thương trường tự do, tập quen tự do đi, nhảy việc chuyện thường của hôm nay, không có gì là mãi mãi, vĩnh viễn cả.

Cháu dù là bằng tại chức nhưng có thâm niên, như bác sĩ chiến trường, kinh nghiệm lâm sàng quan trọng hơn. Và mình có tuổi, biết cư xử, lo gì. Nhưng đừng ngủ quên với vi tính, với tiếng Anh nha, sẽ còn tụt hậu thê thảm nếu thế hệ cháu mà không giỏi những thứ đó.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.