| Hotline: 0983.970.780

Phải làm cho dân tin

Thứ Năm 18/12/2014 , 09:11 (GMT+7)

Sáng 17/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đi khảo sát một số mô hình trồng điều ghép cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước.

Tại xã Long Hà, Bộ trưởng rất tâm đắc với vườn điều ghép cho năng suất trên 4 tấn/ha (gấp 4 lần năng suất trung bình cả nước) của một số hộ dân tiên phong ghép cải tạo từ 5 – 6 năm qua.

Nông dân Hoàng Trọng Thanh (thôn 10, xã Long Hà) quê ở tỉnh Hà Tây (cũ), cùng gia đình vào đây khai hoang, lập nghiệp đã 30 năm.

Sau rất nhiều năm xoay xở với cây điều, năng suất chỉ đạt trên 1 tấn/ha, cuộc sống gia đình luôn khó khăn. Nhưng sau 6 năm tự mày mò ghép cải tạo vườn điều, đến nay năng suất đã đạt trên 4 tấn/ha. Vụ điều 2013 – 2014, ông Thanh đã thu được trên 200 triệu đồng từ 2 ha điều ghép.

Tương tự, vườn điều của ông Hoàng Trọng Thủy (thôn 10, xã Long Hà) có 11 ha đã được ghép cải tạo từ 6 năm qua. Đến nay, năng suất vườn điều của ông Thủy nằm trong tốp cao nhất tỉnh Bình Phước, đạt trên 4 tấn/ha. Vụ 2013 – 2014, với giá bán bình quân 25 triệu đồng/tấn, ông Thủy thu về trên 1 tỷ đồng.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các Sở, ngành tỉnh Bình Phước về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2014, cơ cấu trong ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh tỷ trọng chăn nuôi (tăng 11,68%); hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, trong đó cây cao su là 233.738 ha (tăng 30.311 ha), cây tiêu 11.737 ha (tăng 1.770 ha), cây cà phê 15.529 ha (tăng 4.185 ha)…

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, do giá thị trường có nhiều biến động đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước: Tỉnh có tới 250.000 ha cao su (chiếm ¼ diện tích cả nước), nhưng 2 năm gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã khiến DN và nông dân gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện tái cơ cấu, thời gian tới Bình Phước sẽ tập trung phát triển 2 dự án lớn, gồm: Quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, cam, quýt, ổi không hạt, măng cụt (hiện giá trị đạt tới 300 – 400 triệu đồng/ha); và xây dựng vùng chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh.

Ông Hưng cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ, đề xuất với Chính phủ quy hoạch vùng chế biến tập trung ở Bình Phước để tạo đầu ra thuận lợi và bền vững.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước với mức bình quân năm tăng 6,5% (giai đoạn 2011 - 2014), cao gần gấp đôi bình quân cả nước (3,8%). Trong đó, diện tích cao su của Bình phước đang chiếm tới ¼, hồ tiêu chiếm ¼ và cây điều chiếm ½ diện tích cả nước.

Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để phát huy thành quả đã đạt được, hướng tới hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra. “Quan trọng nhất là chúng ta phải làm sao cho dân tin, khi dân đã tin tưởng và đồng lòng thì sức mạnh tăng lên nhiều lần. Xây dựng nông thôn mới vì thế sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều!”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngành chăn nuôi Bình Phước tăng tỷ trọng rất nhanh theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển giết mô tập trung; tiêu thụ theo hợp đồng (95%).

Đồng thời, chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả: “Những nơi tôi đi qua đều nhận thấy sự thay đổi tích cực của bộ mặt nông thôn. Sự phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nói chung của tỉnh Bình Phước”, Bộ trưởng nói.

Về định hướng phát triển trong giai đoạn mới có những thay đổi về đất đai, lao động, thị trường, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cách tiếp cận và thực hiện theo chủ trương của Chính phủ: Tái cơ cấu theo hướng gia tăng chất lượng, giá trị và phát triển bền vững; triệt để sản xuất theo hướng thị trường, hội nhập quốc tế.

“Những sản phẩm có thị trường, tạo giá trị cao hơn thì chúng ta tập trung phát triển. Ở Bình Phước làm gì có hiệu quả nhất? Tôi thấy Bình Phước là “thủ đô” của cao su, điều và hồ tiêu, cần tập trung các giải pháp tái cơ cấu, khai thác các thế mạnh của các loại cây trồng chủ lực này.

Đơn cử như cây điều, VN đang chiếm hơn 50% thị phần XK thế giới, nhưng trong đó hơn phân nửa là mua điều thô châu Phi về chế biến rồi bán. Vì thế, thời gian tới Bình Phước cần tập trung vào cải tạo, trẻ hóa vườn điều nhằm tăng năng suất, chất lượng, thu nhập cho nông dân.

Sáng nay tôi đi xem một số nơi trồng điều ở Bù Gia Mập, thấy rất phấn khởi, kỹ thuật chúng ta có rồi, vấn đề làm sao nhân rộng ra cho bà con cùng làm thôi”, Bộ trưởng nói.

Các loại cây trồng khác như cao su, hồ tiêu, Bộ trưởng đề nghị cần tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, chế biến, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng thị trường, đảm bảo VSATTP. Ngoài ra, Bình Phước cần tập trung phát triển thế mạnh từ vùng cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, cam, quýt, măng cụt; đồng thời ưu tiên phát triển vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.