| Hotline: 0983.970.780

Phải lấy văn hóa làm động lực phát triển bền vững

Chủ Nhật 07/01/2018 , 09:30 (GMT+7)

Trong sự đi lên nhiều mặt của xã hội, không khỏi không ái ngại trước những tệ nạn càng ngày phức tạp. Sự suy đồi, sự độc ác, sự vô cảm… đang bủa vây đời sống chúng ta, mà người lạc quan nhất cũng phải băn khoăn.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một người luôn thao thức với những đổi thay hôm nay!

nguyen-qung-thieu110838864
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Đứng ở thềm năm mới 2018, đất nước có rất nhiều đổi thay về nhịp điệu phát triển. Xe hơi nhiều hơn, biệt thự nhiều hơn, và người đẹp các kiểu cũng nhiều hơn. Thế nhưng, dường như văn hóa không theo kịp tốc độ vùn vụt của kinh tế! Ông có thấy lo âu gì không?

Không phải là lo âu mà là lo sợ. Ví von một cách đơn giản thì văn hóa là những trụ của một cây cầu. Khi những trụ cầu bị suy yếu thì cây cầu sẽ có nguy cơ sụp đổ. Một hiện thực cho thấy, trong không ít xe hơi, những biệt thự và những người đẹp như anh nói đến mà ngày ngày chúng ta nhìn thấy là sự trống rỗng của tâm hồn. Vật chất không quyết định được văn hóa mà chỉ là một trong những điều kiện cho văn hóa. Chưa bao giờ chúng ta phát triển cơ sở vật chất và điều kiện sống tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ sự vô cảm và độc ác lại xấm chiếm xã hội trên một phạm vi rộng như bây giờ.

Bây giờ, muốn tìm sự trong trẻo và sự chân thành, phải về vùng sâu vùng xa, phải về miệt vườn sông nước hoặc rẻo con miền núi. Liệu vẻ đẹp ấy còn tồn tại được bao lâu, và cách nào để gìn giữ, thưa ông?

Nếu nhìn vào biểu đồ của sự tàn lụi những cánh rừng, những con sông, những vùng thiên nhiên cũng như những vùng văn hóa đặc trưng thì không lâu nữa, những vẻ đẹp thiên nhiên và con người mà chúng ta đang nói đến sẽ biến mất. Tất cả sự tàn lụi ấy là do chính con người gây ra. Chỉ khi con người thức tỉnh lương tâm và tri thức thì họ mới dừng lại những hành vi tàn phá ấy. Nhưng tôi nghe thấy quá ít tiếng trở mình của sự ân hận, của nỗi hoảng sợ của con người với những hành động của họ. Họ vẫn đang hung hăng, tự mãn và mù lòa trước cái chết của thiên nhiên và văn hóa.

Năm 2017, điều dân chúng náo nức ủng hộ là chiến dịch bài trừ tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng có bắt nguồn từ sự lung lay nền tảng văn hóa không?

Mọi con người thiếu ăn thì cảm nhận được sự cần thiết của lương thực, nhưng rất ít người cảm nhận được sự đói khát của tâm hồn họ. Trước kia, khi bổ một người làm quan, nhà vua cho người về quê của người đó để tìm hiểu xem ông ta/ bà ta có hiếu với cha mẹ mình không. Nếu một kẻ bất hiếu thì không thể làm quan được. Hiếu chính là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa hay nói ngược lại văn hóa làm cho con người biết hiếu nghĩa. Chưa bao giờ chúng ta lại bước vào cuộc chống tham nhũng quyết liệt như bây giờ. Nhưng cuộc chống tham nhũng này mới chỉ làm cho kẻ tham nhũng sợ và chùn lại chứ không làm cho lương tâm chúng dày vò, cắn rứt và sám hối. Chỉ khi những hạt giống của văn hóa trong lòng những kẻ tham nhũng nẩy mầm thì cái gốc của tham nhũng mới thực sự lùi xa.

Theo ông, làm sao xây dựng văn hóa quan trường?

Mới đây, có người đã đề xuất mở những trường học dạy đạo đức cho quan chức. Ý thức và mục đích là tốt nhưng lại sai về bản chất. Người làng Chùa của tôi có một câu nói: “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Nghĩa là chỉ khi một con người mang một tâm hồn đẹp, nhân ái mới có được những hành động đẹp và nhân ái. Để có một ông/ bà quan tốt thì mọi luật lệ, mọi qui định chỉ có tác dụng kìm hãm chứ không có tác dụng triệt tiêu cái xấu trong họ hay thúc đẩy những hành động tốt từ họ. Sai lầm là một trong những điều rất dễ sửa chữa, nhưng vô cảm thì vô cùng khó. Chỉ khi chúng ta có một nền giáo dục vì con người và có một hệ thống luật pháp nghiêm minh để trợ giúp thì chúng ta mới có được những công dân tốt. Khi có những công dân văn hóa thì chúng ta mới có được những ông/bà quan tốt.

Ông đã đi rất nhiều nước trên thế giới. Ông thấy họ đã nâng niu văn hóa ra sao? Có ví dụ gì mà chúng ta cần bắt chước?

Cách đây chừng mười năm có một việc xảy ra ở Hàn Quốc mà những ai theo dõi báo chí đều biết. Đó là một cái cổng thành cổ ở Seoul bị hỏa hoạn thiêu rụi. Ngày ngày có rất nhiều người dân đến nhìn đống tro tàn ấy và khóc trong tiếc nuối và đau đơn như khóc một người thân yêu đã mất. Những ở Việt Nam, chúng ta đã vô cảm trước những di sản văn hóa bị tàn phá và bị đánh tráo.

trnh-cu-nguyen-qung-thieu110838935
Người thổi sáo - tranh của Nguyễn Quang Thiều

Cũng lại một câu chuyện của một nước phật giáo là Nhật Bản khi chúng ta chứng kiến một đứa trẻ xếp hàng nhận phần ăn đã nhường cho người khác. Đấy không phải là hành động vô thức của một đứa trẻ, đấy là hành động của văn hóa Nhật. Còn chúng ta thì chứng kiến cảnh thanh niên nam nữ chen nhau tranh giành susi miễn phí và tranh giành đồ uống của một chiếc xe vận tải gặp tai nạn. Hình ảnh ấy làm cho những người Việt Nam có lòng tự trọng thấy xấu hổ. Chúng ta không cần bắt chước Hàn Quốc hay Nhật Bản mà chỉ cần phục hồi lại những vẻ đẹp thuần Việt đã và đang chết bởi chính con người chúng ta.

Nếu văn hóa chỉ nhăm nhăm tô điểm một mái đình cổ hoặc cách tân một vạt áo dài, thì đơn giản quá. Muốn phát huy văn hóa Việt thì ông kiến nghị gì?

Đừng hiểu văn hóa một cách thương hại và tai hại như vậy. Văn hóa là sự chuyển động một cách kỳ diệu trong đời sống chứ không phải là một xác ướp. Sự bất động đứng về mặt vật lý của những đẹp kiến trúc, hội họa... luôn chứa đựng sự chuyển động của tinh thần bất diệt bên trong nó. Khi chúng ta làm cho tinh thần ấy hòa vào đời sống đương đại thì ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa mới còn. Nếu không chúng ta lại trở thành kẻ giết chết văn hóa truyền thống Việt.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất