| Hotline: 0983.970.780

Phải ngăn chặn từ chính quán ăn đường phố

Thứ Sáu 12/04/2013 , 10:29 (GMT+7)

Virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, luôn rình rập bùng phát sang người nếu không có các biện pháp phòng ngừa tốt.

Virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, luôn rình rập bùng phát sang người nếu không có các biện pháp phòng ngừa tốt. Tuy nhiên thói quen ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh sẽ là “cầu nối” ngắn nhất để loại virus độc hại này xâm nhập. Bộ Y tế sẽ sử dụng “công cụ” gì chống lại mối nguy trên?

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh), Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Ông Phong nói: Công cụ mới nhất mà ngành y tế đang áp dụng để kiểm duyệt chất lượng thức ăn, hạn chế sự xâm nhập của virus cúm A/H7N9 là Thông tư 30 (có hiệu lực từ 20/1/2013). 

Có ý kiến cho rằng, Thông tư này đang bộc lộ nhiều “điểm yếu” trong việc kiểm duyệt chất lượng của cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ông nói sao?

Ngoài việc ban hành Thông tư 30 với nhiều quy định chặt chẽ về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực, Bộ Y tế cũng xây dựng những kế hoạch, đặt ra mục tiêu đối với các tỉnh, trong từng năm một phấn đấu đạt bao nhiêu % các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo điều kiện về ATVSTP và yêu cầu Sở Y tế 63 tỉnh, thành phải cùng vào cuộc với các kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả với mục tiêu để người kinh doanh và người tiêu dùng nhận thức được vấn đề, cùng hành động. Bên cạnh đó, cũng đề nghị UBND các cấp xây dựng các mô hình điểm để tìm ra những mặt ưu - khuyết của Thông tư này mà có bổ sung kịp thời. Sau hơn 2 tháng, đã có Hà Nội xây dựng đề án quản lý thức ăn đường phố ở các quận và các phố phường và tỉnh Bình Dương quản lý bằng việc cấp thẻ cho những người kinh doanh.

Thông tư quy định phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhưng hiện các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, người bán hàng rong gần như không thực hiện. Vậy chúng ta sẽ làm thế nào?

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm thì người kinh doanh phải biết nguồn gốc thực phẩm mình mua ở đâu, của ai. Người bán nguyên liệu cho người kinh doanh thức ăn đường phố phải cùng có trách nhiệm với người tiêu dùng. Trong thực tế, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không nhất thiết phải là hóa đơn đỏ mà chỉ cần ghi rõ nơi mua sản phẩm để khi sự cố xảy ra có thể truy xuất nguồn gốc.

Đối với những người bán hàng rong “nay đây, mai chỗ khác”, là nơi dịch bệnh phát tán nhanh nhất, nhất là dịch nguy hiểm cúm A/H7N9, Cục ATTP sẽ làm thế nào để Thông tư 30 có thể đến được với họ?

Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tình huống những người bán hàng rong thì phải hướng dẫn họ dùng bao gói như thế nào cho sạch, tuyên truyền để họ có ý thức với người đã mua thức ăn của mình. Có nhiều hình thức để tuyên truyền cho những người bán hàng rong, trong đó chính quyền địa phương có vai trò cực kỳ quan trọng bởi họ là người nắm rõ ai hay ngồi ở đâu? Có bao nhiêu hàng rong trên địa bàn mình quản lý. Họ cần hiểu thêm rằng, virus gây dịch luôn tồn tại trong môi trường ăn uống nên phải ngăn chặn bắt đầu từ chính các quán ăn kinh doanh kiểu này.

Bộ Y tế sẽ làm gì nếu sau một thời gian triển khai mà tình hình về ATVSTP trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm thức ăn đường phố vẫn như “cóc bỏ đĩa”?

Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Hồng Hà dự đoán, virus cúm A/H7N9 sẽ ngày càng phức tạp, nguy cơ Việt Nam bị nhiễm virus này là không thể tránh khỏi bởi Trung Quốc đã xuất hiện dịch tại nhiều vùng, nhiều tỉnh.

Thêm vào đó, khí hậu VN đang rất thuận lợi để virus cúm phát tán, trong khi ta đang có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc về khí hậu, đường biên giới dài, hơn nữa quá trình buôn bán, giao thương lại diễn ra nhiều và nạn nhập lậu gia cầm phổ biến… Vì vậy, người dân phải biết tự bảo vệ mình là chính và thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh từ cơ quan chức năng.

Ngay từ khi xây dựng Thông tư, chúng tôi đã tính đến tình huống này. Vì vậy, sau khi làm tích cực và có nhiều mô hình tốt, Bộ sẽ kiên quyết xử lý những người cố tình không chấp hành. Cụ thể gần đây nhất ở tỉnh Bình Dương, có cơ sở sau khi kiểm tra hai lần vẫn không bảo đảm các điều kiện quy định, cơ quan chức năng đã thu hồi ngay giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta có thêm Nghị định 91/2012/NQ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong đó có mức phạt từ 500.000 - 3 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm kinh doanh thức ăn đường phố như bày bán ở nơi không đảm bảo vệ sinh hay mua những thực phẩm quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng…

Tuy nhiên, theo tôi, việc xử phạt quán ăn kinh doanh thức ăn sẽ là một vấn đề khó khăn và không đơn giản bởi Việt Nam còn nhiều lao động nghèo. Thêm nữa việc kinh doanh thức ăn đường phố là một tập quán đã có từ lâu rồi. Nếu không có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ chính quyền xã, phường đến các cơ quan quản lý, sự phối kết hợp ở các cơ quan liên ngành, và tuyên truyền ở các cơ quan báo chí thì việc này khó thành công. Tôi tin, nếu tất cả người tiêu dùng đồng lòng thực hiện những phương án phòng dịch từ khâu nhỏ nhất, tất cả đều có ý thức giữ gìn an toàn trong ăn uống, sinh hoạt thì ta sẽ hạn chế tối đa sự xâm nhập của dịch cúm nguy hiểm này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất