| Hotline: 0983.970.780

Phải rùng rùng một cuộc chuyển động

Thứ Sáu 03/04/2015 , 06:20 (GMT+7)

Sau loạt bài "Người dân quê đang bận gì?", nhà văn có nhiều tác phẩm về nông thôn - Hoàng Minh Tường đã có cuộc trao đổi với NNVN về chuyện làng, chuyện xã, chuyện hội, chuyện hè…/ Trường ca kiện tụng

18-08-04_dsc_9593
Nhà văn Hoàng Minh Tường

Ông có thấy là nông dân Bắc Bộ hiện nay hầu như không thể sống được bằng nghề nông?

Từ khi có khoán 100, rồi khoán 10 đời sống nông thôn có đổi khác. Năng suất nông nghiệp đã được giải quyết về cơ bản, chúng ta đã là một trong hai nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới.

Nông thôn hiện đã vượt qua cửa ải đói nghèo, còn nông dân hài lòng với đời sống. Đó là giai đoạn một.

Bây giờ chúng ta đứng trước giai đoạn hai, nếu nông thôn cứ như thế này sẽ ở trong cái bẫy của thu nhập tụt hậu.

Bình quân thu nhập của ta mới khoảng 1.700 USD/người/năm (thu nhập của nông dân còn thấp hơn nhiều), trong khi trung bình của thế giới phải 5.000 USD trở lên, của các nước khá giả phải 15-20.000USD/người/năm.

Tại sao người Singapore tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu? Họ có 6 triệu dân nhưng GDP đạt 300 tỉ USD trong khi chúng ta có hơn 90 triệu dân mà GDP chỉ hơn 100 tỉ USD. Mà Singapore mới có lịch sử 50 năm.

Hay Malaysia xưa là nước Chà Và kém nhất trong vùng, lạc hậu vô cùng nhưng bởi có Singapore làm đầu tầu thúc đẩy nên phát triển, giờ rất văn minh. Còn Thái Lan thì đáng khâm phục rồi.

Chúng ta phải nghĩ rằng tại sao chúng ta lại như thế? Đã đến lúc không thể nói rằng đó là do hậu quả chiến tranh được nữa.

Nếu vẽ một bức tranh về nông thôn hiện nay, ông sẽ dùng gam màu gì?

Bức tranh nông thôn hiện nay không đến nỗi ảm đạm, bi quan nhưng có những dấu hiệu báo động cho sự trì trệ, tụt hậu.

Năng suất ư? Không thể cứ bình quân 7-8 tấn lúa/ha bởi chất lượng gạo của ta còn kém xa Thái Lan. Nếu 7-8 tấn/ha mà toàn Tám thơm, Điện Biên, Hải Hậu thì đã khá rồi nhưng nông dân ở quê vẫn phải ăn loại gạo 10.000đ/kg.

Người nông dân đừng nghĩ rằng mình đã được hưởng những sản phẩm sung sướng.

Tôi về quê, chị tôi vẫn cho bà cụ 100 tuổi ăn loại gạo 10.000đ/kg chứ không dám ăn gạo Hải Hậu 16.000đ/kg, gạo Điện Biên 18-20.000đ/kg, còn gạo Thái Lan 22.000đ/kg chỉ có những nhà giàu mới dám ăn.

Những thứ ngon nhất mình làm ra từ hạt gạo, nải chuối, quả đu đủ đều đem đi bán. Chất lượng cơ cấu bữa ăn đủ no thôi chứ không tạo dinh dưỡng. Trẻ em nông thôn vẫn rất thiếu sữa, vẫn rất còi cọc.

Thêm vào đó thực phẩm ngày một nhiễm nhiều chất độc và nước thì ô nhiễm. Tất cả sông Nhuệ, sông Đáy, rồi sông Tô Lịch đổ nước ô nhiễm về phía nam huyện Ứng Hòa (Hà Nội) về tỉnh Hà Nam. Vài chục năm nữa sẽ có nhiều trường hợp ung thư bởi ô nhiễm.

Theo ông, quỹ thời gian của nông dân được phân bổ như thế nào?

Ruộng đồng một năm thực làm chỉ 1-2 tháng là xong, còn lại nông nhàn thì người nông dân làm gì?

Người còn sức lao động ra thành phố kiếm sống. Một biển người nông thôn ra thành thị. Mỗi làng quê ít ra có 10-15% các ngôi nhà bị bỏ không, bị rào lại hay để cho bà già, trẻ em trông coi.

Người không còn sức lao động hay thanh niên chưa có việc làm, học sinh không đỗ tốt nghiệp thì bài bạc, chắn cạ, hội hè… Toàn những thú vui chơi vô bổ, làm hư người.

Tại sao ta ăn Tết lâu thế? Dài thế? Bởi vì làm gì còn có chuyện khác ngoài chơi? Chơi lâu thành quen, còn đi làm thì không có nghề. Hàng loạt thanh niên nông thôn sa vào lối sống hưởng thụ.

Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn chỉ 1-2 triệu/tháng, số thu nhập dưới 1 triệu/tháng rất nhiều. Họ làm các nghề như mây tre đan, vàng mã, hương… mỗi ngày kiếm vài ngàn đồng đủ mua tí rau, còn lại là tự cấp tự túc. Nói chung là mức sống rất thấp.

Xưa thanh niên xung phong đi mở đường, đi làm rất nhiều thứ, giờ Trung ương đoàn phải tổ chức thế nào đó, chứ lực lượng thanh niên tình nguyện hè xanh ít lắm. Phong trào đoàn ở nông thôn rất yếu.

Nông thôn ô nhiễm vô cùng. Ra khỏi cổng nhà mình là rác rưởi, túi nylon. Trước cửa đình chợ búa họp nhếch nhác, bụi bặm.

Cả xã tôi là một cái lò vịt cho Hà Nội với 15 cái, mỗi cái mổ khoảng 200 con vịt mỗi đêm. Xưa cứ thứ Bảy cuối tuần thanh niên lại lao động công ích, giờ đi đâu? Vệ sinh sạch sẽ thành nếp. Thói quen quan trọng vô cùng, để tạo ra nó có khi mất cả đời người.

Theo ông nông thôn đang bí nhất điều gì?

Bí về đầu ra. Thứ nhất là đầu ra cho thu nhập. Thứ hai là đầu ra cho văn hóa.

Nông thôn hiện nay là ô nhiễm môi trường, kém vệ sinh và chất lượng sống thấp. Phải cải tạo lại nó trong đó có bãi cỏ, vườn hoa, có phong trào thể thao, phong trào đọc sách. Mỗi làng quê phải trở thành một trung tâm văn hóa.

 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đừng có nói suông về mặt con số.

Tại sao các DN, các nhà khoa học lại tập trung vào SX bia, SX thuốc lá nhiều thế mà không tập trung vào SX sữa, SX thịt?

Ta toàn khuyến khích kiểu chụp giật như xây nhà để bán mà không khuyến khích chế biến. Nông nghiệp không thể tự sống được mà phải kết hợp với công nghiệp, với công nghệ gen, giống, kỹ thuật và đầu ra. Công nghệ sau thu hoạch của ta đang rất yếu.

Có những cái mà từng gia đình không nghĩ được. Ví dụ như mỗi gia đình vài sào ruộng thì chỉ biết SX hai vụ lúa.

Nhiệm vụ của họ thế là đã làm xong. Tạo sao anh cấy giống lúa này mà không cấy giống lúa khác? Đấy chính là vai trò của Nhà nước.

Chúng ta có viện nông nghiệp, có nhiều viện nghiên cứu về cây trồng, có nhiều trường đại học về nông nghiệp, tại sao mỗi nơi không đi sâu vào một chuyên ngành, không đỡ đầu một vài tỉnh?

Phải đưa các viện sĩ về nông thôn để mỗi tỉnh SXNN sao cho có trọng điểm. Phải rùng rùng một cuộc chuyển động cho cả đất nước.

Chuyện ma chay cưới xin, dùng văn hóa, dùng các chính sách để hạn chế chứ không ngăn cấm được.

Thực trạng nông thôn trì trệ là vậy, còn lối thoát?

Sự trì trệ cũng như sự tự vừa lòng với chính mình không chỉ ở nông thôn mà ở cả đất nước. Hễ có đá bóng là tất cả kéo ra sân rợp trời, đi đón một ca sĩ ngoại là cả ngàn cô gái. Họ không biết là đang sống ở mức nghèo khổ.

Xưa chúng ta huy động tất cả nguồn lực để tập trung đánh Mỹ, để giải phóng miền Nam thì làm được còn giờ huy động để làm giàu thì không làm thành công là sao nhỉ?

Đừng bằng lòng với cái bẫy thu nhập gần 2.000 USD/người/năm mà phải tiến lên 5.000 USD/người/năm trong vòng chục năm nữa.

Xin cảm ơn ông!

Nhà văn Hoàng Minh Tường:

"Nông thôn hiện có một hướng đi đúng là xây dựng NTM đường làng ngõ xóm, đồng ruộng đâu ra đấy. Nhưng đừng hình thức, phải coi đây là nhiệm vụ của từng người chứ không phải của cán bộ để báo cáo thành tích.

Về môi trường xanh sạch đẹp không cần hàng rào tường xây cao chót vót mà hãy trở lại với hàng rào ô rô, hàng rào duối. Đường làng mỗi ngày nên vệ sinh một lần, nên cấm gia súc thả rông, nên có những nơi để mọi người giải lao, giải trí".

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất