| Hotline: 0983.970.780

Phải sớm có lộ trình xóa dần chăn nuôi thả rông

Thứ Sáu 24/06/2011 , 11:06 (GMT+7)

Trước bối cảnh nền chăn nuôi, đặc biệt tại các tỉnh MNPB gặp nhiều khó khăn, hôm qua (23/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng – Trưởng BCĐ Tây Bắc cùng lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chủ trì hội nghị bàn phương án đẩy mạnh phát triển chăn nuôi – thủy sản cho vùng miền núi phía Bắc. 

Đến năm 2010, tổng đàn trâu của toàn vùng đạt hơn 2,23 triệu con – chiếm 76,6% tổng đàn trâu toàn quốc. Những năm gần đây, trong lúc đàn trâu cả nước giảm mạnh thì với lợi thế quỹ đất đồi núi dồi dào, đàn trâu vùng miền núi phía Bắc vẫn tăng hàng năm. Sản lượng thịt trâu toàn vùng năm 2010 tăng hơn 11% so với năm 2009. Tương tự, đàn bò của vùng này cũng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2005-2010 với tốc độ bình quân 2,2%/năm, sản lượng thịt bò năm 2010 toàn vùng tăng 15% so với năm 2009.  

Với lợi thế khí hậu ưu đãi, đàn bò sữa đã phát triển rất nhanh tại các địa phương như Sơn La và Tuyên Quang. Đến nay, tổng đàn bò sữa toàn vùng đã đạt 17.500 con – tăng gấp gần 2 lần so với năm 2009. Đặc biệt, sản lượng sữa giai đoạn 2005- 2010 toàn vùng đã tăng bình quân tới trên 16%/năm. Đây được xem là thành công lớn của vùng MNPB.

Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh này đang nỗ lực để nâng tỉ trọng chăn nuôi lên mức 40% trong tổng giá trị SX ngành nông nghiệp vào giai đoạn tới. Ở nhiều địa phương, việc phát triển trang trại cũng bắt đầu có bước chuyển mạnh. Hiện toàn vùng đã có 450 trang trại nuôi bò thịt tập trung...  

Bên cạnh những thành công đó, các đại biểu đều có chung nhận xét về sự yếu kém đang cản trở việc đưa chăn nuôi của vùng NMPB tiến tới chăn nuôi hàng hóa, đó là tập quán của nền “chăn nuôi thả rông” vẫn chưa thay đổi. Ông Ma Quang Trung – GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai lo ngại, nông dân MNPB hiện vẫn xem chăn nuôi gia súc như là nuôi chơi, chứ chưa có tư duy hàng hóa. Vì nguyên nhân này, việc xây dựng và chủ động nguồn thức ăn cho gia súc cũng chưa được chú ý. Đây là nguyên nhân khiến trong nhiều đợt rét đậm rét hại gần đây, hầu hết gia súc đều bị chết vì đói chứ không phải chết rét... 

Trước những vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, chăn nuôi ở vùng MNPB trong giai đoạn tới vẫn sẽ phải chấp nhận đi song song giữa chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông và chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, chính sách của các tỉnh cần phải chú trọng đầu tư để nâng nhanh các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại theo hướng SX hàng hóa.  

Theo ông Tần, các tỉnh MPNB nằm trong vòng bán kính cách Hà Nội 100 km sắp tới cần phải tính đến chăn nuôi lớn để phục vụ cho thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Hà Nội. Để làm được điều này, các tỉnh phải sớm xây dựng được lộ trình để xóa bỏ dần chăn nuôi thả rông. Trong đó phải chú trọng đầu tư xây dựng các khu giết mổ, lò mổ tập trung, các cơ sở dịch vụ cung ứng vật tư cho chăn nuôi. Đối với quy mô gia trại, nên tập trung vào các giống chất lượng, giống bản địa có chất lượng cao. 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thì cho rằng: Mục tiêu đầu tiên của chăn nuôi vùng MNPB vẫn là làm sao đủ cho nhu cầu tại chỗ, đủ sữa, đủ thịt, đủ trứng cho người dân là chính. Riêng sữa thì đến nay đã tương đối tốt. Sản lượng thịt vùng MNPB hiện nay tăng trung bình 13%/năm, nhưng như vậy cũng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. 

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là đầu tư của TƯ lẫn địa phương cho chăn nuôi thực tế là chưa lớn, và chưa chú trọng. Hệ thống thú y thì phải khẳng định là chưa đủ khả năng kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Mấy năm nay, chúng ta phải chôn hàng triệu con heo mỗi năm. Người chăn nuôi thì lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Các nhà khoa học về ngành thú y phải chịu trách nhiệm về thực trạng yếu kém này” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.