| Hotline: 0983.970.780

Phải tính cho nông dân trước

Thứ Sáu 26/11/2010 , 10:21 (GMT+7)

“Muốn phát triển SX lúa gạo bền vững, phải bắt đầu từ nông dân, tính cho nông dân có lợi trước”- đó là quan điểm của ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Cty CP BVTV An Giang.

“Muốn phát triển SX lúa gạo bền vững, phải bắt đầu từ nông dân, tính cho nông dân có lợi trước”- đó là quan điểm của ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Cty CP BVTV An Giang. Mặc dù, theo ông Thòn, đây có vẻ là quy trình ngược trong thời điểm hiện nay.

 Lợi trên đồng

Chương trình cùng nông dân ra đồng (NDRĐ) của Cty CP BVTV An Giang khởi sự từ vụ lúa ĐX 2006-2007, hình thành lực lượng bạn nhà nông FF (Farmer Friend) có 12 nhân viên thực hiện 3 mô hình trên 146 điểm với 109ha. Tiếp tục duy trì đến vụ ĐX 2009-2010 lực lượng FF có tới 251 nhân viên tỏa xuống địa bàn khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam nhân rộng lên 39 mô hình, với 1.701 điểm trình diễn trên tổng diện tích 3.200ha.

Đây là mô hình thực tiễn sát cánh cùng nông dân bắt đầu trên đồng ruộng, thực hiện theo mô hình liên kết 4 nhà, có nhà khoa học, nhà quản lý cùng tham gia. Những nhân viên FF là những kỹ sư trẻ xuống địa bàn cùng với cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, cung cấp cho bà con một giải pháp quản lý ruộng đồng theo hướng “Hiệu quả, an tòan, bền vững”. Mục tiêu trước tiên của chương trình nay là giúp nông dân tăng năng suất, phẩm chất và lợi nhuận.

Đúc kết một chặng đường, chương trình cùng NDRĐ đã giúp bà con tự tin áp dụng các tiến bộ mới trong canh tác lúa; có kỹ năng phát hiện chính xác dịch hại trên ruộng lúa; có khả năng đưa ra các biện pháp để quản lý đồng ruộng hiệu quả. Nông dân sẽ tham gia chuyển giao TBKT ở địa phương, biết ghi chép tính toán hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, tăng năng suất, lợi nhuận.

Kết quả vụ ĐX 2009-2010 vừa qua tại tỉnh Long An, tính chi phí chi tiết hết các khâu giống, làm đất, bơm nước, chăm sóc, thu hoạch, phân bón, thuốc BVTV, tổng chi trong điểm thực hiện mô hình là 11.453.372 đồng/ha; nông dân sản xuất bên ngoài điểm chi 12.656.320đ/ha nên phần chênh lệch đã giảm hơn 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó năng suất trong mô hình đạt 7,563 tấn/ha thì ruộng bên ngoài đạt 6,858 tấn/ha, chênh lệch 705kg. Tính ra giá thành 1kg lúa trong mô hình 1.514 đ/kg; ruộng bên ngoài là 1.846 đ/kg. Tổng thu trên một ha ruộng trong điểm mô hình là 32.985.120đ/ha; ruộng ngoài điểm 29.913.142 đ/ha. Lợi nhuận chênh lệch giữa ruộng thực hiện điểm mô hình và ruộng bên ngoài hơn 4,2 triệu đồng.

Tuy nhiên cái lợi của người làm lúa có được ngay trên đồng ruộng tổng kết qua các vụ lúa, giá thành bình quân qua thực hiện chương trình là 2.200đ/kg lúa, còn ruộng bên ngoài là 3.105 đ/kg. Tuy nhiên mặt lợi hơn nhiều là qua thực hiện chương trình đã giảm được lượng lúa giống gieo sạ còn 120kg/ha, giảm 60kg/ha so với lượng giống ngoài điểm mô hình. Thêm đó, phân bón cũng giảm 50kg/ha, giảm bớt 2-3 lần phun thuốc BVTV trong mỗi vụ lúa.

Mở rộng hợp tác, bao tiêu

Ông Huỳnh Văn Thòn ấp ủ một dự án đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân, làm sao cho nông dân an tâm sản xuất, biết trước làm là có lời. Ông Thòn nói: “Chúng tôi muốn làm “bảo hiểm” cho nông dân mang tính trọn gói, như người mua và người bán bảo hiểm đều an tâm chớ không phải là chuyện may rủi. Chúng tôi có cơ sở thực tế. Qua làm việc với bà con, 1 kỹ sư FF có khả năng giao tiếp với 20 nông dân. Tuy nhiên cách tính của Cty CP BVTV An Giang là mô hình phân phối tính trước cho bà con có lợi. Trong khi thông thường DN không tính trước, cắt phân lợi nhuận trong đàm phán rồi mới tính ra lợi nhuận cho bà con. Chúng tôi làm ngược lại, trước tiên là làm sao cho người làm lúa sống được".

+ Theo nhóm nghiên cứu MDI, bình quân nông hộ ở ĐBSCL có diện tích lúa 2,6ha/hộ, lớn nhất là Kiên Giang 5,8ha/hộ, An Giang 2,6ha, Sóc Trăng 1,3ha và thấp nhất là Long An 0,89ha. Phần lớn đất đai nông hộ có nhiều thì không liền thửa, ruộng bị chia cắt. Năng suất trồng lúa khá cao và ổn định. Lợi nhuận trồng lúa nhiều nhất là vụ ĐX với bình quân 11,4 triệu đồng/ha, kế đến là vụ TĐ 11 triệu đồng/ha và sau cùng là vụ HT với 3,6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trên 1kg lúa sản xuất so với chi phí đầu tư là 43%, vụ HT chỉ 17%.

+ PGS TS Nguyễn Văn Huỳnh – Trường ĐH Cần Thơ: “Cty BVTV An Giang thực hiện chương trình cùng NDRĐ. Mỗi kỹ sư bám sát địa bàn, giám sát qui trình sản xuất, từ giống lúa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV…trên một cánh đồng. Đó là một cách làm có phương pháp quản lý qui trình sản xuất dễ tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, muốn nông dân nâng cao giá trị hạt lúa cần có sự liên kết chặt chẽ với DN, có ký kết thu mua sản phẩm đạt chất lượng".

Cũng theo ông Thòn thì DN làm ăn với nông dân còn là đạo lý. Từ hai năm trước ông Thòn đã nghĩ nhiều về vấn đề này. Đến nay ông cho rằng đã đến lúc cần làm. Dù khó DN cũng phải chịu tốn tiền để làm. Để thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi dịch vụ, chỉ cần làm sao giúp nông dân quản lý đồng ruộng tốt, sâu bệnh ít, môi trường ruộng đồng tốt, giá thành lúa rẻ và nhất là lợi nhuận phân chia hợp lý thì sản xuất lúa mới bền vững.

Theo lộ trình, Cty CP BVTV An Giang đang xây dựng vùng dự án, vùng nguyên liệu và cụm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trên địa bàn 5 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An. Mục tiêu làm lúa trong vùng nguyên liệu này là sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế dư lượng thuốc BVTV; xây dựng qui trình sản xuất chế biến theo VietGap, HACCP.

Các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất như: Jasmine, VD 20, VND 95-20, BN, OM 4900, KDM và giống lúa đặc sản địa phương. Trong năm 2011-2012 liên kết cùng nông dân xây dựng vùng sản xuất lúa 18.000ha với 19 cụm DVNN. Đến năm 2020 dự kiến qui mô tăng lên hơn 100.000ha và 100 cụm DVNN, trong đó có hơn 100.000 nông hộ tham gia sản xuất lúa. Công ty tuyển dụng lực lượng FF từ bậc trung cấp nông nghiệp và đào tạo kỹ sư thực hành làm việc lâu dài. Trong đó kế họach “bảo hiểm” thu mua lúa cho nông dân 3 vụ/năm. Trước mắt trong năm nay và năm tới BVTV An Giang tiêu thụ 150.000 tấn lúa với những hộ có nhu cầu.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.