| Hotline: 0983.970.780

Phải xem như một cuộc chiến

Thứ Sáu 17/01/2014 , 10:47 (GMT+7)

Ngày 16/1/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về Công tác an toàn thực phẩm năm 2014.

Ngày 16/1/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về Công tác an toàn thực phẩm năm 2014. Theo nhận định, năm 2014, vấn đề VSATTP ở Thủ đô vẫn sẽ tiếp tục nan giải, đòi hỏi những biện pháp mạnh tay hơn.

Những kiến nghị cho các Bộ trưởng

Buổi làm việc do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng tham dự.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2013, TP Hà Nội có 57.902 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 7 cơ sở bán công nghiệp, 6 cơ sở thủ công, 2.571 cơ sở nhỏ lẻ. Về khả năng đảm bảo thực phẩm của Hà Nội, diện tích trồng rau 12.000 ha (trong đó có 4.500 ha rau an toàn).

Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 500 tấn thịt gia súc, gia cầm, 170 tấn thủy hải sản, 2.500 tấn rau củ quả… Công tác kiểm tra được đẩy mạnh, tổ chức 711 đoàn thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Điều tra 8 vụ, khởi tố 5 vụ với 7 đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đưa ra thị trường tiêu thụ. Xử lý vi phạm 3.146 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, phạt trên 12 tỷ đồng. Chi cục Thú y xử lý 238 vụ, Công an TP xử lý 115 vụ…

UBND TP Hà Nội cũng đề ra kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2014. Theo đó, Hà Nội sẽ khống chế ngộ độc thực phẩm dưới 6 ca/100.000 dân, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm.

Mặc dù vậy, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn Thủ đô là hết sức khó khăn bởi số lượng thực phẩm phục vụ người dân quá lớn trong khi chính sách cũng như những cơ quan thực thi còn mỏng. Làm thế nào để ngăn chặn, giảm thiểu thực phẩm không an toàn vẫn còn là bài toán nan giải. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, việc kiểm soát thực phẩm vô cùng khó khăn, đặc biệt là ở các chợ tạm, chợ cóc. Thực phẩm không rõ nguồn gốc đổ về Hà Nội vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng, UBND TP Hà Nội đã đưa vấn đề này ra mổ xẻ, thể hiện sự quyết liệt, bằng mọi giá phải ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo. Ba cơ quan trực tiếp liên quan và quản lý “nồi cơm” của người dân là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương đều nhận được những đề xuất của UBND TP Hà Nội.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Liên Bộ NN-PTNT - Y tế - Công thương sớm ban hành Thông tư liên tịch đối với những sản phẩm giao thoa, chưa rõ trong luật và Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Quy định việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong kinh doanh siêu thị. Chỉ định thêm các đơn vị phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm. Đẩy nhanh thời gian trả kết quả xét nghiệm mẫu. Bổ sung biên chế cho các cơ quan làm công tác ATTP… Đối với Bộ NN-PTNT, thay vì qui định cấp giấy chứng nhận cơ sở ATTP, cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y cho các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm thì chỉ cần một giấy. Ban hành danh mục TĂCN được phép lưu hành tại Việt Nam.

Trả lời những kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chính phủ và các cơ quan ban ngành hiện đang chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn buôn lậu gia cầm. Thông tin nhận được Trung Quốc đang có dịch bệnh liên quan đến gia cầm và virus cúm gia cầm đã áp sát biên giới. Yêu cầu đặt ra là phải ngăn chặn bằng mọi giá, bởi khi nó đã lọt vào rồi thì chiến đấu vô cùng gian nan. Mặt khác, tình hình buôn lậu tiếp tục tái diễn và phức tạp.

“Đối với các cơ sở giết mổ cần phải đi theo hướng xếp loại để khoanh vùng và có biện pháp xử lý. Cơ sở nào làm tốt thì loại A, vi phạm loại B, vi phạm nặng xếp loại C. Những ông có vấn đề chính là ông C, tập trung kiểm soát những ông C này, nếu cố tình vi phạm tiếp thì đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý theo pháp luật hoặc đóng cửa. Đôi lúc nguồn gốc sản phẩm không nhiễm, nhưng nhiễm ở khâu giết mổ, vận chuyển... Riêng kiến nghị về danh mục TĂCN thì đã có rồi nhưng còn nhiều quá. Hiện nay có tới 14 nghìn sản phẩm. Vừa qua tôi đã kiểm tra và phát hiện thiếu chặt chẽ nên tạm dừng cấp phép từ tháng 9 và sẽ dừng tiếp cho đến khi ra được quy trình kiểm soát chặt chẽ. Trước 30/6/2014, Bộ NN-PTNT sẽ có Thông tư mới chấn chỉnh lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau khi trả lời những kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "Chúc các đồng chí an toàn". Một câu chúc có phần hóm hỉnh nhưng hết sức thực tế của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong bối cảnh VSATTP có quá nhiều vấn đề như hiện nay.

Với Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” với mức kinh phí bình quân 500 triệu đồng/chợ. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đồng ý với đề xuất này nhưng bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội lo ngại: 500 triệu đồng thì xây thế nào được chợ.

Mặt khác, với thực trạng hàng hóa nhập lậu như hiện nay thì việc quản lý kiểm tra đầu vào mới là điều quan trọng. “Xin Phó Thủ tướng, xin các Bộ trưởng thử đứng một ngày ở ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) mà xem hàng hóa đổ về Hà Nội thế nào. Họ vận chuyển bằng đường sắt đấy, nhưng dọc đường đã chuyển sang các phương tiện khác nên rất khó kiểm soát. Có những xe chở thực phẩm lậu 8 - 10 tấn, đi cả chặng đường dài nhưng tại sao về đến Hà Nội mới bị bắt? Chúng ta phải ngăn chặn thực phẩm không an toàn từ biên giới chứ cứ để “thả gà ra đuổi” thì Hà Nội còn khổ.

Lực lượng kiểm tra, kiểm soát lại mỏng, chính sách tuyển dụng cũng có nhiều vấn đề. Ví dụ như năm vừa rồi, Hà Nội tuyển dụng 25 cán bộ QLTT nhưng có tới 16 người là nữ. Làm cái nghề đi đêm về hôm, chặn xe, bắt giữ mà tuyển dụng kiểu đó thì làm sao nổi”, bà Mai phân tích.

Riêng Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh đường phố. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói khó: “Ăn uống kiểu “ngồi xổm” gần như thành văn hóa của người Hà Nội rồi. Còn chất lượng thực phẩm, nhiều khi khách sạn 5 sao vẫn không đảm bảo an toàn được. Khó khăn nhất vẫn là lực lượng thanh tra hiện nay còn quá mỏng và hạn chế về quyền lực”.

“Nhiều lần vào quán xong phải trả tiền để đi ra”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thốt lên như thế về thực trạng VSATTP hiện nay của Thủ đô. Bên cạnh việc biểu dương những thành tích mà Hà Nội đã làm được trong công tác đảm bảo VSATTP năm 2013 thì Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc đảm bảo ATTP là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết và phải ngăn chặn ngay từ đầu vào, từ biên giới, từ các địa phương chứ không phải chỉ thực hiện theo phong trào, rộ lên một thời gian rồi lại thôi. Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các tỉnh biên giới quyết liệt trong ngăn chặn, kiểm tra, xử lý từ các cửa khẩu, vùng biên. Các bộ, ngành chức năng phải cùng nhau vào cuộc, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề về ATTP.

Đối với mở rộng các vùng trồng rau sạch, Phó Thủ tướng yêu cầu vừa thực hiện mở rộng, vừa đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật, đồng thời, khơi dậy ý thức trách nhiệm đạo đức ở những người trồng rau. Song song với đó, quán triệt chặt và quy rõ trách nhiệm cho những người đứng đầu nếu xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân, biểu dương những cơ sở, đơn vị thực hiện tốt.

Tăng cường liên kết với các địa phương ký cam kết cung ứng sản phẩm sạch cho người dân. Tổ chức mạng lưới phân phối theo chuỗi để cung ứng sản phẩm sạch, an toàn cho nhân dân, đặc biệt trong đô thị trung tâm. Rà soát lại thể chế, quy định cụ thể của TP về ATTP, nâng cao năng lực quản lý về nhà nước. Phân định trách nhiệm, tăng cường thanh tra kiểm tra và kiên quyết xử lý, trong đó, đẩy mạnh việc thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…