| Hotline: 0983.970.780

Phạm Thái - Trương Quỳnh Như và 'Gương lược kiểu mới'

Chủ Nhật 25/03/2018 , 08:10 (GMT+7)

Phạm Thái, còn có hai tên khác là Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh, là một danh sỹ nổi tiếng, hình dung tuấn nhã, có tài thơ văn và có chí lớn.

Ông sinh ngày 19 tháng giêng năm Đinh Dậu, tức ngày 26 tháng 2 năm 1777 tại làng Yên Thị, xã Yên Trường, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Cha Phạm Thái là Phạm Đạt, một võ quan cao cấp thời Lê Hiển Tông triều Lê Trung Hưng. Do có nhiều quân công, Phạm Đạt được vua ban tước Trạch trung hầu.

Khi vua Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào nước ta và bị vua Quang Trung đánh tan, phải theo chân Tôn Sỹ Nghị sang Tàu nương náu, thì Phạm Đạt khởi quân chống lại vua Quang Trung, nhưng cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại. Cả nhà Phạm Đạt bị quân Tây Sơn truy lùng. Phạm Thái lúc đó vừa tuổi trưởng thành, phải giả làm một nhà sư, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư rồi Chiêu Lì thiền sư, lẩn trốn trong chùa Tiêu Sơn, tức chùa Thiên Tâm, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 20 tuổi, Phạm Thái tiếp tục ngao du sơn thủy, gặp gỡ Phỗ Tĩnh thiền sư và Nguyễn Đoàn. 3 người tiếp tục mưu chống Tây Sơn, nhưng rồi cũng thất bại.

Nhân một lần vượt núi đưa một vị phi tần của vua Lê Chiêu Thống lên biên giới để vượt biên sang đoàn tụ với nhà vua, Phạm Thái gặp Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ, tổng đốc Lạng Sơn. Thụ là con của Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ, quê ở làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, phủ Thái Bình, nguyên là bồi tụng (tương đương với chức Phó thủ tướng ngày nay) của chúa Trịnh Sâm. Trương Đăng Thụ bên ngoài thì làm quan cho triều Tây Sơn, nhưng bên trong thì mượn chức vụ để ngầm tập hợp lực lượng, chờ ngày nổi dậy phù Lê. Biết Phạm Thái là con của Trạch Trung hầu, lại có chí chống Tây Sơn, nên Trương Đăng Thụ đã đón Phạm Thái về dinh tổng đốc, cùng mưu đại sự.

Nhân một lần Phạm Thái về Kinh Bắc thăm nhà, đại thần nhà Tây Sơn là Vũ Văn Dũng dò biết được mưu đồ của Trương Đăng Thụ, bèn đánh thuốc độc giết Thụ.

Được tin, Phạm Thái vô cùng đau xót, vội lên xứ Lạng để hộ tống linh cữu bạn về quê để mai táng. Tại đây, Phạm đã giúp nàng Long Cơ (vợ Trương Đăng Thụ) soạn bài Văn Triệu Linh để gọi hồn chồng, soạn bài Văn Bia Mộ Thanh Xuyên hầu, soạn lời Đề nhà Nghĩa Lư. Những áng văn “tuyệt bút” nói trên của Phạm Thái đã làm lay động lòng người.

Cảm phục tài văn thơ của Phạm Thái, lại thấy Phạm có tình nghĩa sâu sắc với con trai mình, Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ đã mời Phạm lưu lại phủ đệ của mình làm khách. Trong những ngày lưu lại ở đây, Phạm đã gặp gỡ Trương Quỳnh Như, con gái của Trương Đăng Quỹ, em gái Trương Đăng Thụ. Quỳnh Như khi đó tuổi vừa đôi tám, là cô gái vừa xinh đẹp lại vừa giỏi thơ văn, có tâm hồn lãng mạn và thích ngao du sơn thủy. Phạm Thái và Trương Quỳnh Như làm thơ xướng họa với nhau, rồi nảy sinh tình cảm. Đó có thể nói, là một mối tình tuyệt đẹp giữa một cặp trai gái thanh mai trúc mã.

Biết được tình cảm của hai người, Kiến Xuyên hầu rất ủng hộ. Tuy nhiên, bà vợ của ông lại ngăn cấm, vì cho là Phạm Thái chưa có công danh sự nghiệp gì.

Để thỏa chí trai, Phạm Thái từ biệt Quỳnh Như, vào Thanh Hóa mưu đồ đại sự. Nhưng trong lúc Phạm Thái mải mê với sự nghiệp, thì ở nhà, mẹ Trương Quỳnh Như quyết ép nàng phải lấy Trịnh Nhị, một kẻ trọc phú trong vùng. Van xin mãi để mẹ cho được lấy người mình yêu, nhưng bà không đổi ý, nên trước ngày cưới, Quỳnh Như đã quyên sinh bằng một tấm lụa trắng.

Biết tin, Phạm Thái vội từ Thanh Hóa về bên mộ Quỳnh Như, khóc nàng thảm thiết:

“... Ôi, chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã. Những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống chi ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên ấy cũng là một chút cương thường, dẫu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự.

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên. Mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh. Cho nên nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm. Đau xót bởi vì đâu, não nuột bởi vì đâu...”.

Bài văn khóc Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, cùng với bài văn khóc chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, được các nhà nghiên cứu coi là hai áng văn nôm hay nhất mọi thời đại.

Rồi một hôm, trong căn phòng trọ cô đơn, Phạm Thái bày rượu và bút mực ra, ngồi viết một mạch cuốn tiểu thuyết bằng thơ có tên là “Sơ kính tân trang" (Gương lược kiểu mới)”, dài ngót một ngàn năm trăm câu, bằng thể thơ lục bát, nhưng có xen một số đoạn thơ Đường luật, thơ Cổ phong và thơ Song thất lục bát. Ngoài ra, một số bài thơ của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như xướng họa với nhau, cũng được đưa vào tác phẩm. Năm đó, Phạm 21 tuổi.

Nếu như hầu hết các tiểu thuyết bằng thơ hồi đó như "Hoa tiên", "Nhị độ mai"... đều lấy cốt truyện từ Trung Quốc, thì riêng "Sơ kính tân trang" lấy cốt truyện hoàn toàn Việt Nam. Đó chính là một tự truyện, kể về mối tình của chính tác giả với Trương Quỳnh Như. "Sơ kính tân trang" là một tác phẩm văn học rất có giá trị về nhiều mặt.

Năm 36 tuổi, Phạm Thái mất do một cơn bạo bệnh.

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất