| Hotline: 0983.970.780

Phạm Tuyên - Những chuyện lần đầu được kể: 'Gửi nắng cho em' và lệnh cấm bất thành văn

Thứ Năm 08/12/2016 , 13:15 (GMT+7)

Tôi muốn ghi lại đây Con đường âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua các thời điểm, các mảng đề tài bằng việc chứng kiến sự ra đời và cảm thụ của mình đối với tác phẩm âm nhạc của anh với bao kỷ niệm.

Tiếng hát về lẽ sống

Một trong những cái mốc đáng ghi nhớ, đó là khi anh viết những ca khúc về Đảng, là khi anh đã gắn bó cuộc đời mình với nhân dân, với đất nước, luôn phấn đấu vươn tới lý tưởng cao đẹp.


Cuộc hội ngộ của vợ chồng Nhạc sỹ Phạm Tuyên và Nhà thơ Bùi Văn Dung (giữa)
 

Anh tâm sự: "Những ngày đầu kháng chiến sự giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản chủ yếu qua một số tài liệu ít ỏi hầu hết bằng tiếng Pháp mà một số đồng chí đảng viên chuyền cho tôi xem. Nhưng tỏa sáng trong tôi đó là tấm gương hy sinh quên mình cho một lý tưởng cao đẹp của các chiến sĩ cộng sản. Trong khói lửa chiến tranh nơi nào ác liệt nhất có đảng viên. Tôi nguyện phấn đấu theo những gương sáng ấy”.

Đó chính là ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo nên chùm ca khúc sau này anh viết về Đảng. Có thể coi đó là dấu ấn của một thời trai trẻ dấn thân trên con đường đến với cách mạng, đó cũng là những ca khúc về Đảng ấn tượng nhất như nhiều người nhận xét.

Bài hát đầu tiên Phạm Tuyên viết về Đảng là bài "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng long" (1959). Đó là một khúc tự sự từ những câu thơ của Louis Aragon (nhà thơ cộng sản Pháp), do Tố Hữu dịch với âm hưởng vừa hào hùng bừng cháy lên ngọn lửa yêu nước vốn có trong anh, vừa trữ tình, thiết tha, thành kính, trải dài một niềm tin vào lý tưởng cộng sản.

Trong những ngày hòa bình đầu tiên trên miền Bắc, anh đã viết bài "Đảng đã cho ta cả một mùa xuân" cũng dựa trên ý của Paul Vaillant Couturier, một chiến sĩ cộng sản Pháp: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Bài hát đã thấm vào đời sống trong trẻo và hồn hậu, đã hòa quyện khát vọng mùa xuân và niềm tin đối với Đảng.

Khi nghe những ca khúc viết về Đảng cũng như nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lê Duy Ứng, một họa sĩ thương binh, nổi tiếng với những bức họa và điêu khắc về Bác Hồ khi anh đã bị mù cả hai mắt. Anh bị thương trước cửa ngõ Sài Gòn ngay trong ngày Sài Gòn giải phóng.

Anh thực sự ưa thích những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên và trong một bức thư gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, anh đã bộc lộ lòng ái mộ: “Nghe nhạc của anh, tự nhiên tôi thấy bừng ánh lên nhiều màu sắc của cuộc sống!”. Nhiều người cũng có nhận xét như thế: trong ca khúc của Phạm Tuyên âm thanh và màu sắc đã hòa quyện với nhau rất hài hòa.

Ấy thế mà có một chuyện rất hài hước! Đó là có một chính trị viên của một đơn vị bộ đội Trường Sơn đã rỉ tai với một người bạn cũ của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Nên xem lại lập trường của “tay” Phạm Tuyên, chắc có vấn đề đấy! Một năm của người ta là có những bốn mùa, thế mà Phạm Tuyên lại nói rằng Đảng chỉ cho ta có một mùa xuân thôi!!!”. Đúng là chuyện tiếu lâm Trường Sơn!

Hai ca khúc Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng và Đảng đã cho ta cả một mùa xuân đã được nằm trong danh mục 10 bài hát hay nhất về Đảng và về đất nước trong cuộc bình chọn do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vào năm 2000.
 

Những khúc tình ca

Người ta biết nhiều đến nhạc sĩ Phạm Tuyên qua những ca khúc cách mạng nổi tiếng ở những thời điểm lịch sử, chứ mấy ai biết đến những khúc tình ca của anh. Cũng giống như các văn nghệ sĩ khác, viết thơ tình, viết truyện tình, viết tình ca... là điều bình thường.

Thực ra trong những ca khúc Phạm Tuyên viết về những cuộc đấu tranh của dân tộc, về những người lao động hay về những miền quê, anh đã gửi gắm tình cảm nồng nàn của mình vào lời ca điệu nhạc, khiến cho nhiều ca khúc của anh vừa mang tính chiến đấu mà vẫn thắm đượm chất trữ tình nên những ca khúc đó dễ làm xúc động lòng người. Bên cạnh đó, Phạm Tuyên cũng đã viết những ca khúc “thuần khiết trữ tình”, đề cập trực tiếp đến tình yêu đôi lứa, nhất là sau chiến tranh.

Ca khúc "Gửi nắng cho em" (phổ thơ Bùi Văn Dung) anh sáng tác ngay sau khi Sài Gòn giải phóng. Một tình cảm khác lạ tràn ngập lòng anh khi đang giữa mùa đông mà bạn bè trong đó lại rủ anh đi tắm biển, làm anh không khỏi ngỡ ngàng mà cất lên tiếng ca: “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam!”. Anh liên tưởng đến miền Bắc mà lòng xốn xang thương nhớ những người yêu dấu, nên: “Muốn gửi ra em một ít nắng vàng...”.

Khi bài hát vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đầu tiên là giọng ca mượt mà của ca sĩ Kiều Hưng rồi sau đó là giọng ca trong sáng của ca sĩ Trung Kiên, được đông đảo bạn nghe đài ưa thích, yêu cầu phát lại, nhiều đoàn nghệ thuật lấy làm tiết mục biểu diễn, thì ngay lập tức bị một “lệnh cấm bất thành văn” truyền đến tai các ca sĩ và các đơn vị nghệ thuật: “không được phổ biến bài hát "Gửi nắng cho em" ở bất cứ đâu”.

Vì một số người quản lý nghệ thuật ở ngoài này đã rỉ tai nhau lên án: “Mới giải phóng Sài Gòn chưa bao lâu mà Phạm Tuyên đã ăn phải bả của chủ nghĩa thực dân mới rồi, chưa chi đã vội gửi nắng từ miền Nam ra miền Bắc, chẳng hóa ra là ngoài này âm u lắm hay sao?!”. Thế là ca khúc "Gửi nắng cho em" bị chết yểu, bị cấm trong một thời gian khá dài!

Sau cả gần cả chục năm bị cấm, đầu mùa xuân năm 1986, nhạc sĩ Bửu Huyền phụ trách phòng ca nhạc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho ca sĩ Ngọc Tân hát ca khúc "Gửi nắng cho em" đúng vào buổi giao thừa trên sóng truyền hình thành phố.

Có thể nói giọng ca Ngọc Tân với giai điệu thiết tha trong sáng đã chinh phục được người nghe. Thấy ca khúc "Gửi nắng cho em" được hâm mộ ở phía Nam nên Đài Truyền hình Trung ương cũng mạnh dạn phát bài đó nhiều lần trên sóng và lại được người nghe hâm mộ. Thế là từ đó “lệnh cấm bất thành văn” đối với ca khúc "Gửi nắng cho em" không còn hiệu lực nữa, nhiều người từ ca sĩ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều được tự do hát ca khúc này.

Lúc sinh thời, Giáo sư, bác sĩ Phạm Khuê (anh ruột nhạc sĩ Phạm Tuyên) gặp tôi anh thường hỏi: “Tuyên có hay gửi nắng cho Tuyết không?”. Câu hỏi thật ý nhị, vừa chân tình vừa nhuốm màu hài hước, khiến tôi rất khó trả lời. Vì tôi biết, trong bài hát "Gửi nắng cho em", không chỉ có tôi là người nhận được nắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, mà cả miền Bắc đều nhận được nắng từ miền Nam gửi ra! Trong đó, có phần nắng anh gửi cho tôi. Tôi biết ở đây tình cảm riêng tư đã hòa vào tình cảm rộng lớn của cả dân tộc, “cái riêng” đã nhập vào “cái chung” một cách hài hoà, chúng không đối lập nhau mà cũng không hòa tan lẫn nhau.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.