| Hotline: 0983.970.780

Phạm Tuyên - Những chuyện lần đầu mới kể: Nơi gặp gỡ tình yêu

Thứ Ba 06/12/2016 , 08:20 (GMT+7)

Đang học dở dang ở trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Nguyễn Ánh Tuyết sang Trung Quốc học theo tiêu chuẩn con em cán bộ cách mạng. Khu học xá Trung Quốc đã trở thành nơi gặp gỡ của tình yêu: Nguyễn Ánh Tuyết và Phạm Tuyên.

Khu học xá - Nơi đào tạo nhân tài

Đó là Khu học xá mà “bạn” gọi là “Dục tài học hiệu” - nơi giáo dục, đào tạo con em Việt Nam thành tài để trở về tham gia kháng chiến và sau này xây dựng đất nước.

13-10-38_mu-hi-che-bt-buom-o-khu-hoc-x-nm-1955-b-nt-dung-du-tien
Liên hoan văn nghệ tại Khu học xá (PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết đứng đầu tiên)
 

Tôi được phân vào học tại ban Toán Lý hệ Trung cấp trường Sư phạm Khoa học Tự nhiên, do nhà toán học nổi tiếng Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng, được các thầy Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Ngô Thúc Lanh, Phạm Văn Hoàn dạy toán; giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Phạm Doãn Hân dạy vật lý. Ngoài ra chúng tôi còn được học các môn khoa học tự nhiên và xã hội khác với các thầy, cô cũng rất giỏi.

Sau các giờ học, chúng tôi đều hăng hái tập thể thao hay văn nghệ dưới sự hướng dẫn của các giáo viên Văn Thể Mỹ Việt Nam và Trung Quốc mà người phụ trách Văn Thể Mỹ cho toàn khu là anh Phạm Tuyên.

Anh là giảng viên dạy nhạc và dạy văn, mới được chuyển về từ Quế Lâm. Anh thường kéo đàn accordéon khi dạy chúng tôi hát và mỗi khi tập tiết mục mới, chúng tôi lại nhờ anh hướng dẫn và đệm đàn.

Hàng tháng lại được anh cho nghe và được anh phân tích giới thiệu những bản giao hưởng nổi tiếng thế giới của Bach, Mozart, Beethoven, Tchaikovsky, Chopin, Shostakovich... Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc với nền âm nhạc bác học của thế giới, giúp cho tâm hồn mỗi người được rộng mở thêm ra.

 

Bước đầu cuộc tình đầy sóng gió

Từ những sinh hoạt văn nghệ tại Khu học xá cùng với những chuyến về nước tham gia biểu diễn, quan hệ giữa anh Tuyên với chúng tôi càng thêm gắn bó hơn. Với đức tính giản dị, thân mật mà đứng đắn cộng với tài năng của anh, chúng tôi bao giờ cũng quý mến anh, coi anh như người anh lớn, người thầy đáng kính.

Ngày anh viết bài "Tiến lên Đoàn viên", bọn đội viên quàng khăn đỏ xúm lại quanh anh tại phòng anh ở đòi học hát bài đó. Tiếng đàn accordéon của anh hòa cùng giọng hát trong trẻo, non nớt của các em nhỏ khiến cho tiếng hát càng vang xa, ước mơ của các em càng thêm bay bổng.

Càng háo hức trở thành người giáo viên, càng hăng hái hoạt động văn nghệ nhất là ca hát, chúng tôi lại tìm đến anh Phạm Tuyên để xin bài hát mới. Mỗi lần nghe được bài hát nào hay do các đoàn văn công “bạn” biểu diễn, chúng tôi lại “vòi” anh dịch và dạy cho. Còn anh lại càng gần gũi chúng tôi hơn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, cung cấp nhiều bài hát mới.

Thậm chí chúng tôi còn đưa cả sổ tu dưỡng cho anh xem để xin ý kiến vì thấy anh là một đảng viên có quá trình phấn đấu tốt. Anh là mẫu người lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi - những đoàn viên thanh niên đang phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản.

Một hôm Mê Linh (một em học sinh lớp sáu, cũng là thành viên của Đoàn Văn công Khu học xá) chạy đến nói với tôi: “Anh Tuyên nhắn chị lên gặp để anh ấy dạy cho chị bài hát mới”. Tôi vội vàng đi ngay lên dãy nhà giáo viên, vào phòng anh, thấy anh đang chờ tôi ở đấy. Anh dạy tôi bài hát mà tôi mới “vòi” anh dịch hôm rồi, với thời gian học hát rất nhanh, tôi đã thuộc ngay vì bài hát có giai điệu rất hay, rất dễ hát mà lại ngắn.

Tôi sung sướng chào anh ra về, anh tiễn tôi xuống cầu thang rồi đưa cho tôi một cuốn nhật ký, anh dặn tôi: “Tuyết cứ xem đi rồi cho anh biết ý kiến”. Tôi ngây thơ, vui vẻ cầm lấy cuốn nhật ký của anh mà lòng khấp khởi vì nghĩ: “Hay quá! Thế là lần đầu tiên mình được đọc nhật ký của một anh cán bộ, xem anh viết cái gì đây?”.

Từ nhà cán bộ đến nhà nữ sinh cách nhau một đoạn đường chừng 100m, hồi hộp quá! Tôi vừa đi vừa giở ra đọc, thấy trang nào cũng có tên tôi, cái tên Tuyết cứ nhắc đi nhắc lại từ trang đầu cho đến trang cuối. Tôi bắt đầu hoang mang, không dám đọc.

Về đến nhà gặp cái Thanh, bạn thân của tôi từ hồi còn bé ở Quảng Bình, hai đứa rủ nhau lên nóc nhà thư viện ở tầng bốn, đọc một mạch, bỏ cả bữa cơm chiều. Tôi đưa cuốn nhật ký cho Thanh đọc còn tôi thì ngồi nghe, lúc đầu còn nghe rõ những lời yêu đương của anh đối với tôi, nhưng càng về sau thì tai tôi dường như bị ù, người tôi bắt đầu run lên, không nghe rõ mấy. Đọc xong trời đã tối, Thanh hỏi tôi: “Anh Tuyên yêu mày tha thiết quá, mày nghĩ thế nào?”.

Tôi lúng túng nói với Thanh: “Tao sợ quá! Chẳng biết làm thế nào cả”. Thật tình tôi hoàn toàn bất ngờ, không hề nghĩ anh yêu tôi đã từ lâu rồi. Tôi cứ tưởng nếu có yêu thì anh đã yêu đứa khác cũng trong Đoàn Văn công Khu học xá chứ không phải là tôi, vì chúng nó bộc lộ tình cảm đối với anh rõ ràng hơn (…)

Đêm về không sao ngủ được, nghĩ vẩn vơ lung tung. Sáng hôm sau tôi liền lên “báo cáo” sự việc này cho thầy chủ nhiệm là anh Nguyễn Hữu Dũng (ở Khu học xá, chúng tôi thường gọi các thầy còn trẻ bằng anh) để được giúp đỡ giải quyết. Nào ngờ đọc xong nhật ký của anh Tuyên, anh Dũng lại nói với tôi: “Anh Tuyên yêu em với tình cảm rất chân thành, anh Tuyên là người vừa tốt vừa giỏi lại vừa đẹp trai, theo anh thì em nên nhận lời”.

Mặc dù anh Dũng biết rõ mười mươi cái điều 16 trong Nội quy Khu học xá là “Trong khi còn học không ai được phép yêu đương”! Vậy mà giờ đây với tư cách người thầy chủ nhiệm anh Dũng lại khuyên tôi như thế! Lúc này tôi chỉ biết nói: “Em sợ lắm, em không dám gặp anh Tuyên nữa đâu!”. Đúng là như vậy, tôi đã không gặp anh trong những ngày tiếp đó mặc dù trong lòng vẫn quý mến anh vô cùng và rất nhớ anh (…)

Bỗng một hôm Mê Linh lại tìm gặp tôi và nói: “Em có chuyện này hay lắm: Anh Tuyên đã chuẩn bị cho chị một bài hát, anh nhờ em nhắn chị lên gặp để anh dạy cho”. Tôi hơi lưỡng lự nhưng lại rất mong được gặp lại anh.

Hôm đó tôi rón rén đến phòng anh, anh đang sốt nằm ở giường, anh bảo tôi ngồi xuống cạnh anh và câu chuyện bắt đầu: Anh nhìn tôi âu yếm nói: “Anh Dũng đã nói hết với anh về sự ngạc nhiên và nỗi lo lắng của em. Anh rất hiểu, nhưng anh yêu em vô cùng, cứ nán mãi bây giờ mới bộc lộ, em có giận anh không?”.

Tôi ngượng nghịu trả lời: “Không! Nhưng em muốn anh coi em như một đứa em gái thôi!”. Rồi anh nói như đánh trống lảng: “Thôi, bây giờ em còn phải ôn thi tốt nghiệp, hãy tập trung học cho tốt, còn chuyện này gác lại đã, để mặc anh!(…)

Bẵng đi một thời gian, gần đến ngày tôi tốt nghiệp ra trường, anh tìm gặp tôi và lại đưa cho tôi một cuốn nhật ký mới (cuốn thứ hai). Lần này thì tôi biết bên trong nói gì rồi, tôi cũng hồi hộp nhưng bình tĩnh hơn lần trước. Anh vẫn yêu tôi vô cùng, anh phấp phỏng sợ tôi về nước sau khi tốt nghiệp thì liên lạc với tôi sẽ trở nên khó khăn.

Có lẽ anh đã quá sốt ruột chờ tình yêu đáp lại mà tôi thì cứ mong ngày mong đêm để được trở về quê hương dạy đàn em nhỏ, nên trong nhật ký anh đã gọi tôi là “Tuyết tim đá của anh”, anh có biết đâu rằng lúc này tôi cũng rất sợ lại phải xa anh.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất